Applying the G20 Training Strategy in Viet Nam (Phase 2)
Thảo luận về các Chiến lược Quản trị Kỹ năng ngành tại Việt Nam
Chiến lược Đào tạo G20 nhằm hướng đến cải thiện mối tương quan giữa quá trình giáo dục và đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong Giáo dục và Đào tạo nghề (TVET) thông qua hỗ trợ xây dựng và cải thiện các hệ thống quản trị kỹ năng cấp quốc gia và cấp ngành.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Du lịch và Nhà hàng, Khách sạn của Việt Nam tiếp đón trên 12 triệu du khách nước ngoài trong năm 2017, chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng của ngành, 192 cơ sở đào tạo ngành Du lịch ở Việt Nam bày tỏ nhu cầu hợp tác chặt chẽ với các đối tác tư nhân nhằm cung cấp các đào tạo phù hợp với lực lượng lao động hiện có và trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, TCGDNN đã đưa ra nhiệm vụ cải thiện hệ thống quản trị phát triển kỹ năng của quốc gia, và coi hội thảo này là điểm khởi đầu cho quá trình thiết kế và thí điểm sắp tới cho mô hình quản trị đào tạo kỹ năng tại Việt Nam trong ngành Du lịch và Nhà hàng, Khách sạn.
Cuộc hội thảo được tổ chức trong hai ngày tại Đà Nẵng, với vị trí địa lý trung tâm ở Việt Nam, là thành phố đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất những năm gần đây trong ngành Du lịch. Đà Nẵng hiện tại đóng vai trò là một trong những trung tâm du lịch, nằm giữa cố đô Huế và phố cổ Hội An. Đà Nẵng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng năm tăng 20,6% cho giai đoạn 2013-2017. Trong bối cảnh này, Đà Nẵng là ví dụ rõ ràng cho cam kết của Việt Nam trong quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ ngành du lịch nhằm tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên và văn hóa của quốc gia.
Tham gia phát biểu khai mạc hội tập huấn có sự tham gia của ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng TCGDNN và ông Cezar Draguptan, Cố vấn trưởng Dự án G20. Hội thảo cũng vinh dự có sự tham gia của ông Evgeny Parshutkin, Tùy viên - Tổng lãnh sự Đại sứ quán Nga tại Đà Nẵng. Tại hội thảo, các chuyên gia cao cấp về Kỹ năng và Việc làm của ILO là bà Akiko Sakamoto và ông Paul Comyn đã trình bày các kinh nghiệm quốc tế về Quản trị Đào tạo và một số yếu tố liên quan như: chính sách và chiến lược, thông tin thị trường lao động, kiểm định chất lượng và cơ chế tài chính.
Đại biểu tham gia hội thảo bao gồm các quan chức cấp cao thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng như đại diện các cơ quan của người lao động, giới sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nghề. Trong hội thảo, các đại biểu có cơ hội nhận xét và thảo luận các mô hình quốc tế về Quản trị Đào tạo cũng như những sáng kiến trong việc thành lập và vận hành các mô hình quản trị kỹ năng ngành tại Việt Nam, việc áp dụng tại Việt Nam hướng đến việc thành lập và thí điểm Hội đồng Kỹ năng cho Ngành Du lịch và Nhà hàng - Khách sạn để quan trị các vấn đề phát triển kỹ năng của quốc gia nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ ngành và mức độ cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Các đại biểu đã khẳng định tầm quan trọng của việc phối hợp với các đối tác tư nhân trong các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực, cũng như tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc định hình các chính sách công về phát triển kỹ năng. Mặc dù hội thảo nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp, các đại biểu cũng tán thành vai trò quan trọng của chính phủ trong quá trình thiết lập khung thể chế phù hợp và liên kết chức năng, vai trò của công đoàn trong các sáng kiến hình thành và thực hiện theo kế hoạch của ngành.
Hội thảo tập huấn được thực hiện nằm trong một chuỗi các hoạt động của Dự án G20TS tại Việt Nam, khuyến khích quá trình phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển khác trong ngành. TCGDNN và Dự án G20TS sẽ tiếp tục hợp tác để đánh giá các mô hình quản trị đào tạo thành công khác nhau, hướng đến một mô hình quản trị với các đặc tính phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và các ưu tiên đã được đề ra.