Hợp tác Công – Tư (PPP): Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong Xây dựng và Cải thiện Chương trình Giáo dục Nghề nghiệp ở Việt Nam

Trong khuôn khổ Dự án “Áp dụng Chiến lược Đào tạo G20: Hợp tác giữa ILO và Liên bang Nga” do Liên Bang Nga tài trợ, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN) đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội đề bàn về vai trò hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và Doanh nghiệp trong việc phát triển các chương trình Đào tạo dựa trên năng lực (CBT) nhằm cải thiện khả năng tìm việc của người lao động và tăng tính cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Article | Ha Noi, Viet Nam | 15 May 2018
Hà Nội, Việt Nam (ILO NEWS) Nhận thức được những thách thức mà quá trình toàn cầu hóa và quá trình mở rộng hội nhập toàn cầu, cũng như cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những nhân tố thay đổi khác tác động đến thị trường lao động, Chính phủ Việt Nam với hỗ trợ kỹ thuật từ ILO, đã phối hợp thành lập nhóm công tác về hợp tác công – tư (PPP) trong ngành Du lịch và Nhà hàng Khách sạn (T&H). Đây là cơ hội cho các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong ngành cùng hợp tác trong việc nâng cao kỹ năng, cải thiện khả năng tìm việc của người lao động và đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

PPP hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết bài toán Nhân lực, vốn có thể làm hạn chế tính cạnh tranh của doanh nghiệp; và hỗ trợ học viên trong quá trình tìm việc cũng như mang lại cho người học việc làm tốt hơn và bền vững hơn "

theo ông Vũ An Dân, trưởng nhóm PPP Du lịch của Dự án G20

TCGDNN với sự hỗ trợ của nhóm công tác PPP, đã tổ chức thành công hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong Xây dựng và Cải thiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp” vào ngày 15/05/2018. Hội thảo tập trung vào các nhiệm vụ hiện nay của nhóm công tác PPP, và thảo luận các thách thức mà nhóm đã gặp phải sau 3 tháng thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Nhóm đã nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp và lợi ích trực tiếp của việc hợp tác này có thể mang lại cho các trường, doanh nghiệp và học viên, cũng như các lợi ích gián tiếp mang lại cho xã hội và giúp đạt được mục tiêu phát triển kinh tế của các quốc gia. “PPP hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết bài toán Nhân lực, vốn có thể làm hạn chế tính cạnh tranh của doanh nghiệp; và hỗ trợ học viên trong quá trình tìm việc cũng như mang lại cho người học việc làm tốt hơn và bền vững hơn”, theo ông Vũ An Dân, trưởng nhóm PPP Du lịch của Dự án G20.

Nhóm công tác đã chỉ ra tầm quan trọng trong việc cập nhật các kỹ năng của người lao động để thích ứng, đặc biệt với ngành Du lịch và Khách sạn bao gồm các kỹ năng chung và chuyên môn, bên cạnh việc nâng cấp hệ thống Phát triển Kỹ năng để đáp ứng các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các đối tác liên quan tại Việt Nam cũng cho rằng mối quan hệ hợp tác này sẽ có tác động tích cực đến đa số các lao động trong nước và từ đó mở rộng các hoạt động PPP để giải quyết việc nâng cao khả năng tìm việc của các phân đoạn khác của xã hội bao gồm đào tạo lại nhóm thất nghiệp dài hạn và nâng cao kỹ năng của đội ngũ nhân viên hiện tại của doanh nghiệp.

Các ví dụ nổi bật về PPP cho đào tạo trong nước đã được trình bày tại hội thảo, một trong số đó là sự hợp tác PPP lâu dài và thành công giữa Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và Công ty TNHH Liên doanh Quốc tế Đồ Sơn. Quá trình hợp tác này mang đến cho sinh viên cơ hội có được những kinh nghiệm đầu tiên trong ngành du lịch và tạo cho các sinh viên này động lực để theo đuổi không chỉ các khóa học thực tế mà còn các khóa học lý thuyết. Tập đoàn Giáo dục Pegasus và Khách sạn Melia Hanoi cũng đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và đầu tư vào giáo dục hướng tới phát triển lực lượng lao động bằng cách cung cấp cho sinh viên các chuyến thăm quan học hỏi, làm việc, mời chính nhân viên tập đoàn hay khách sạn tham gia đào tạo và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên, cũng như đào tạo cho chính nhân viên khách sạn. Các kinh nghiệm khác được chia sẻ bởi các đại diện tham dự hội thảo cũng đã đề cập đến sự tham gia của họ vào quá trình dạy nghề và tập nghề. Trong hội thảo, các đại biểu cũng đã được giới thiệu về về kinh nghiệm của Bangladesh, Canada và Đan Mạch, là các quốc gia đã thực hiện những sáng kiến trong việc hợp tác tương tự để cải thiện hệ thống dạy nghề của mình. Các bài trình bày về kinh nghiệm quốc tế tập trung vào việc chia sẻ các bài học rút ra qua quá trình thực hiện ở Việt Nam và đưa ra những ý tưởng mới hỗ trợ sự tham gia của sinh viên vào hợp tác Doanh nghiệp – Nhà trường. Những chia sẻ cũng liên quan đến kinh nghiệm hợp tác công tư dựa trên tinh thần tự nguyện, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan đóng vai trò quan trọng, việc thành lập các hội đồng kỹ năng nghề cấp địa phương, sự cần thiết của đào tạo kỹ năng mềm và tinh thần khởi sự doanh nghiệp. ILO cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Công đoàn trong việc tạo ra các quan hệ đối tác bền vững và các chương trình đào tạo toàn diện.

Các đối tác quốc tế cũng cho rằng những thách thức liên quan đến việc thành lập Hợp tác Công - Tư trong dạy nghề vẫn còn tồn tại phổ biến ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển. Các quốc gia này đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ kiến thức nhằm tìm ra cách tiếp cận phù hợp để đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng quốc gia.

Nhóm công tác PPP hiện đang tích cực làm việc để xây dựng bộ công cụ đánh giá và các chương trình đào tạo dựa trên năng lực. Sau hội thảo này, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của Dự án G20TS và Tổng cục Dạy nghề, các hoạt động hợp tác này sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện nhằm hoàn thiện bộ công cụ và chương trình nêu trên cho hai nghề trong ngành Du lịch và Khách sạn: Lễ tân và Phục vụ Buồng. Kinh nghiêm rút ra sẽ được nhóm công tác PPP chia sẻ để mở rộng quá trình hợp tác sang các lĩnh vực và ngành nghề khác trong nước.

Để biết thêm thông tin về Dự án G20TS, vui lòng truy cập trang web của chúng tôi tại địa chỉ: /g20ts