Skills development

Tương lai Việc làm Ngành Dệt may: Dự báo và Phát triển Kĩ năng tại Việt Nam để Thúc đẩy Việc làm Thỏa đáng và Nâng cao Năng suất Ngành

Dự án hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động dự báo và giải quyết các nhu cầu về kĩ năng trong tương lai trong ngành dệt may ở Việt Nam.

Công nhân dệt may ở Việt Nam. © ILO

Nhóm đối tượng chính

  • Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp
  • Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Hiệp hội Dệt may Việt Nam
  • Người sử dụng lao động và người lao động ngành dệt may
  • Cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bối cảnh

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Là một trong những ngành sản xuất lớn nhất trong nước, dệt may đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, khuyến khích dịch chuyển lao động và tái cấu trúc kinh tế.

Mặc dù hình thành và phát triển nhiều năm qua nhưng ngành dệt may hiện đang thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn và kĩ năng để thúc đẩy ngành phát triển hơn trong kỷ nguyên cách mạng số, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, và dịch chuyển nhân khẩu học. Đại dịch Covid-19 khiến các xu hướng trên tăng nhanh hơn và trở nên mạnh mẽ hơn, đặt ra yêu cầu lớn hơn về dự báo và phát triển kĩ năng hiện nay và trong tương lai cho người lao động để đảm bảo ngành dệt may có khả năng thích ứng tốt hơn, phát triển cạnh tranh và bền vững hơn, nâng cao triển vọng tạo nhiều việc làm hơn và có chất lượng tốt hơn. Đây là nền tảng cần thiết để đảm bảo việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, và bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm ở Việt Nam.

Mục tiêu dự án

Dự án nhằm hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam thúc đẩy việc làm thỏa đáng và nâng cao năng suất ngành dệt may thông qua dự báo và phát triển kĩ năng phù hợp với các ưu tiên trong chiến lược của Chính phủ Việt Nam về phát triển giáo dục nghề nghiệp và phát triển ngành dệt may và da giày.

Mục tiêu tổng thể dự án đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững 8 (Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm, liên tục: tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt, thỏa đáng cho tất cả mọi người) thông qua dự báo và phát triển nhu cầu kĩ năng.

Kết quả mong đợi của dự án

  • Tăng cường thông tin, kiến thức cho đối tác ba bên và các bên liên quan để xây dựng chiến lược và chương trình về kĩ năng cho ngành dệt may trong bối cảnh phục hồi sau khủng hoảng Covid -19, tự động hóa, số hóa, biến đổi khí hậu, toan cầu hóa, và dịch chuyển nhân khẩu học.
  • Nâng cao năng lực cho các đối tác để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kĩ năng trong ngành dệt may ở Việt Nam.
  • Tăng cường khung thể chế và pháp lý hỗ trợ tiếp cận theo ngành để phát triển kĩ năng ở Việt Nam, thúc đẩy chính sách phù hợp với nhu cầu ngành.
  • Phổ biến các kết quả của dự án bao gồm chia sẻ thông tin về xây dựng chiến lược kĩ năng ở các nước sản xuất hàng dệt may khác tại Châu Á để thúc đẩy tính bền vững của dự án.

Thông tin liên hệ:

Nguyễn Ngọc Duyên
Điều phối viên Dự án Quốc gia
Email: duyen@ilo.org