Hành động ba bên về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền Của Người lao động Di cư Khu vực ASEAN (Dự án TAM GIÁC ASEAN)

Dự án TAM GIÁC hướng tới giảm thiểu mạnh mẽ tình trạng lao động di cư bị bóc lột trong khu vực thông qua việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, và tăng cường bảo vệ người lao động.

Đối tác: Các đối tác ba bên tại các quốc gia thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Hội đồng Công đoàn ASEAN (ATUC), Liên đoàn Chủ sử dụng lao động ASEAN (ACE)

Nhóm hưởng lợi mục tiêu: Chính phủ, các tổ chức của người lao động và chủ sử dụng lao động (bao gồm ACMW, ACE, ATUC), người di cư nam và nữ, và những người có khả năng di cư trong khu vực ASEAN

Địa bàn thực hiện: Đông Nam Á

BỐI CẢNH DỰ ÁN

Trong những năm gần đây, các dòng chảy di cư lao động nội khối và từ Đông Nam Á ra bên ngoài đã gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ phức tạp. Xu hướng này gắn với một số nhân tố, bao gồm những thay đổi về nhân khẩu học, chênh lệch về thu nhập, quan ngại về an sinh, các mạng lưới người di cư phát triển mạnh, và giao thông đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, dù người lao động di cư có những đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của cả quốc gia nơi họ đi và nơi họ đến, nhưng rất nhiều người - nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt - vẫn phải chịu nhiều vi phạm đối với quyền con người và quyền lao động của họ.

Không có cơ chế đơn phương nào là hiệu quả để quản lý vấn đề di cư lao động quốc tế. Mọi hoạt động thực hiện tại quốc gia nguồn đều có tác động rất lớn tới quốc gia đích và ngược lại. Ngoài ra, những khó khăn thách thức mà lao động di cư nam và nữ, các nhà cung cấp dịch vụ, và chính phủ các quốc gia trong khu vực đang gặp phải có sự tương đồng rất lớn.

MỤC TIÊU DỰ ÁN

Dự án TAM GIÁC hướng tới giảm thiểu mạnh mẽ tình trạng lao động di cư bị bóc lột trong khu vực thông qua việc thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, và tăng cường bảo vệ người lao động. Dự án khuyến khích các phương thức tiếp cận song phương và khu vực để ứng phó với những mối quan tâm chung, đảm bảo hòa nhập khu vực hiệu quả, và tăng cường năng lực thể chế tại ASEAN. Mục tiêu của dự án phù hợp với các ưu tiên chiến lược trong Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN (2010-2015).
  • Xây dựng khuôn khổ pháp luật và chính sách khu vực mạnh mẽ nhằm quản lý hiệu quả hơn di cư lao động và bảo vệ quyền của người lao động di cư nam và nữ theo cách thức phù hợp về giới.
  • Tăng cường năng lực các chính phủ trong việc giám sát và thực thi luật pháp và quy định về lao động, di cư theo cách thức phù hợp về giới.
  • Tăng cường năng lực cho các đối tác xã hội trong việc tác động tới các chính sách di cư lao động và bảo vệ quyền của người lao động di cư nam và nữ.

CÁC KẾT QUẢ VÀ HOẠT ĐỘNG CHÍNH

  • Hỗ trợ - bao gồm thông qua hoạt động tham vấn ba bên - nhằm xây dựng khuôn khổ pháp luật và chính sách khu vực về di cư lao động trong đó lồng ghép các điển hình hiệu quả và các nguyên tắc nhạy cảm về quyền, độ tuổi, và giới phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.
  • Xây dựng các công cụ cấp khu vực nhằm bảo vệ người lao động di cư nam, nữ, trẻ tuổi, bao gồm các mẫu hợp đồng chuẩn, đồng thời thúc đẩy Khuôn khổ Công nhận Kỹ năng nghề ASEAN và Tiêu chuẩn Năng lực mẫu Cấp khu vực trong các ngành cụ thể có nguy cơ.
  • Hỗ trợ Diễn đàn lao động di cư ASEAN cho phép các nhóm đối tác ba bên chia sẻ quan điểm và xây dựng lòng tin, đồng thời tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của các tổ chức xã hội dân sự.
  • Thiết lập cơ sở dữ liệu cấp khu vực về di cư và buôn bán người có chia tách theo độ tuổi và giới tính nhằm định hướng cho việc xây dựng các chính sách di cư dựa trên thực chứng, nhạy cảm về độ tuổi và giới.
  • Tăng cường năng lực cho chính phủ các quốc gia nguồn nhằm tối đa hóa các tác động tích cực của di cư đối với phát triển thông qua việc hỗ trợ xây dựng các công cụ cấp khu vực về tăng cường đào tạo trước tuyển dụng, trước di cư, tăng cường quản lý việc làm nước ngoài, hỗ trợ của các tùy viên lao động và cán bộ lãnh sự, quy trình thủ tục di cư, và quỹ an sinh cho người di cư.
  • Tăng cường năng lực cho chính phủ các quốc gia đích thông qua hỗ trợ xây dựng các công cụ và hướng dẫn cấp khu vực về thanh tra lao động, an toàn vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp, và HIV/AIDS tại nơi làm việc.
  • Tăng cường mối quan hệ giữa các tổ chức của người lao động trong khu vực, bao gồm việc thúc đẩy các hướng dẫn cấp khu vực về vai trò của công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách di cư lao động và bảo vệ quyền của người lao động di cư nam và nữ, xây dựng thỏa thuận giữa các công đoàn, xây dựng các công cụ cấp khu vực nhằm hỗ trợ việc thành lập và trao quyền cho các hiệp hội, tổ chức của người di cư tại quốc gia nguồn và quốc gia đích.
  • Tăng cường mối quan hệ giữa các tổ chức của người sử dụng lao động trong khu vực, bao gồm tăng cường năng lực cho Liên đoàn Chủ sử dụng lao động ASEAN (ACE) nhằm quy tụ các thành viên quanh vấn đề di cư lao động và tham mưu các chính sách về di cư lao động, hỗ trợ tăng cường tập huấn và chứng nhận kỹ năng nghề cho người lao động di cư nam và nữ, và xây dựng các công cụ hỗ trợ chủ sử dụng lao động bảo vệ quyền của người lao động di cư nam và nữ.

Thông tin liên hệ:

Ông Manuel Imson
Cán bộ chương trình/Điều phối viên dự án
Văn phòng ILO khu vực Châu Á Thái Bình Dương Tòa nhà Liên Hợp Quốc,
Rajdamnern Nok Ave Bangkok 10200,Thái Lan