Dự án An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam

Dự án nhằm góp phần giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các ngành có nguy cơ cao ở Việt Nam, tăng cường các hệ thống ATVSLĐ của Việt Nam phù hợp với chương trình ATVSLĐ quốc gia, đồng thời nâng cao các tiêu chuẩn ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Đối tác  

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Việt Nam

Đối tượng thụ hưởng  

Các cán bộ ATVSLĐ và thanh tra lao động ở 5 tỉnh mục tiêu và tại các cơ quan trung ương; người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn.

Địa bàn dự án 

Cơ quan cấp trung ương và 5 tỉnh: Bắc Kạn, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Đồng Nai.

Mục tiêu tổng thể 

Đẩy mạnh công tác ATVSLĐ tại Việt Nam thông qua thực hiện có hiệu quả khung chính sách áp dụng cho các ngành có nguy cơ cao và hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương nhằm đảm bảo thực hiện công tác ATVSLĐ một cách bền vững.

Mục tiêu cụ thể

  1. Nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn về ATVSLĐ trong các ngành có nguy cơ cao (xây dựng, khai thác mỏ, hoá chất) tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ lần thứ 2.
  2. Phòng ngừa mối nguy hại của amiăng và các hóa chất khác đối với sức khoẻ của người lao động trong các ngành có nguy cơ cao ở Việt Nam trên cơ sở phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.

Các hoạt động chính

  • Tăng cường tham vấn, thảo luận ba bên về biện pháp can thiệp khả thi theo các phương pháp tiếp cận kĩ thuật – pháp lý và xác định chiến lược hành động thực tế;
  • Thực hiện khảo sát về ngành xây dựng, tình trạng an toàn và sức khoẻ của người lao động, xây dựng tài liệu tập huấn cần thiết phục vụ huấn luyện;
  • Xây dựng hệ thống huấn luyện ATVSLĐ quốc gia cho công nhân ngành xây dựng;
  • Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành và bảng kiểm định mẫu, xác định các biện pháp phòng chống tai nạn lao động nghiêm trọng và các thương tật nghề nghiệp;
  • Tổng hợp, đánh giá và soạn thảo đề xuất sửa đổi các tiêu chuẩn an toàn hóa chất phù hợp với Công ước của ILO về hóa chất;
  • Thực hiện khảo sát về hiện trạng sử dụng các hóa chất chính và các hóa chất nguy hại;
  • Soạn thảo lộ trình cấm sử dụng amiăng, phù hợp với Công ước về Amiăng (số 162) và Nghị quyết liên quan tới amiăng năm 2006 của ILO;
  • Khuyến khích các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hành động nhằm giảm bớt nguy cơ do các chất nguy hại gây ra;
  • Nâng cao nhận thức về công tác báo cáo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thông qua các hoạt động trong Chương trình quốc gia về ATVSLĐ lần hai;
  • Khuyến khích và huấn luyện đại diện của người lao động và người sử dụng lao động thành những giảng viên về ATVSLĐ để tổ chức và thực hiện các khóa huấn luyện về WISE, WISCON và các khóa huấn luyện khác ở địa phương.

Các kết quả chính

  • Tăng cường khung pháp lý về ATVSLĐ nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong những ngành có nguy cơ cao (xây dựng, khai thác mỏ, hoá chất) trên cơ sở tham vấn với các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động;
  • Xây dựng hệ thống huấn luyện ATVSLĐ quốc gia cho công nhân xây dựng và triển khai áp dụng rộng rãi;
  • Tăng cường các công cụ và hệ thống thanh tra khai thác mỏ, thực hiện công tác thanh tra chiến lược;
  • Nâng cao việc thực thi các tiêu chuẩn an toàn hóa chất phù hợp với Công ước về hóa chất của ILO;
  • Soạn thảo báo cáo khảo sát quốc gia về tình hình sử dụng các chất nguy hại gồm có amiăng;
  • Thúc đẩy xây dựng chính sách cấm sử dụng amiăng phù hợp với Nghị Quyết về Amiăng của ILO năm 2006;
  • Tăng cường năng lực cho người lao động và người sử dụng lao động nhằm giảm nguy cơ do các chất nguy hại gây ra trong đó có amiăng.
  • Đẩy mạnh hệ thống báo cáo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, phối hợp xây dựng Hệ thống bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp quốc gia;
  • Xác định những ngành có nguy cơ cao tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế phi chính thức và nông thôn; mở rộng công tác đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động thông qua các chương trình huấn luyện có sự tham gia của ILO.

Liên hệ 

Ông Nguyễn Thái Hòa
Điều phối viên dự án quốc gia
ĐT: (+84-4) 37340902 – Máy lẻ: 308
Email: hoahanosh@ilo.org