Hỏi Đáp về Kinh Doanh và An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp

Tài liệu dự án | Ngày 23 tháng 10 năm 2018

Hệ thống quản lý OSH ở cấp công ty

Câu hỏi: Chúng tôi hiện đang xây dựng hệ thống quản lý OSH cho công ty. Chúng tôi cần lưu ý những yếu tố và quy trình nào?

Trả lời: An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc là trách nhiệm chung. Người sử dụng lao động cần cung cấp thông tin và tổ chức các buổi tập huấn về OSH cho người lao động để đảm bảo họ hiểu được các rủi ro liên quan và lý do tại sao phải thực hiện các biện pháp an toàn kể cả việc sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Ngược lại, người lao động cũng cần phải thực hiện các biện pháp an toàn, kể cả sử dụng PPE. Đội ngũ quản lý và người lao động cần đặt ưu tiên cao nhất cho nguyên tắc phòng ngừa.

ILO ủng hộ một hệ thống quản lý OSH hiệu quả gồm các nội dung sau[1] :

1. Người sử dụng lao động, sau khi tham vấn với người lao động và đại diện của họ, cần xây dựng một chính sách OSH bằng văn bản, chính sách đó phải:

  • Cụ thể đối với tổ chức và phù hợp với quy mô và bản chất hoạt động của tổ chức;
  • Chính xác, rõ ràng, ghi ngày tháng năm hiệu lực bằng chữ ký xác nhận của người sử dụng lao động hay người có trách nhiệm cao nhất trong tổ chức;
  • Được thông tin và sẵn sàng cho mọi người sử dụng tại nơi làm việc;
  • Được rà soát để đảm bảo tính phù hợp liên tục; và
  • Được cung cấp sẵn có cho các tổ chức bên ngoài liên quan có quan tâm, khi phù hợp

2. Chính sách OSH ở mức tối thiểu cần bao gồm những nguyên tắc và mục tiêu chính dưới đây mà tổ chức đã cam kết:

  • Bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của mọi thành viên trong tổ chức bằng cách ngăn ngừa các thương tích, ốm bệnh hay tai nạn liên quan tới công việc;
  • Tuân theo các điều luật và quy định có liên quan về OSH của quốc gia, các chương trình tự nguyện, các thỏa ước tập thể về OSH và các yêu cầu khác mà tổ chức đã đăng ký;
  • Đảm bảo người lao động và đại diện của họ được tham khảo ý kiến và được khuyến khích tham gia một cách tích cực vào tất cả các bước của hệ thống quản lý OSH; và
  • Không ngừng hoàn thiện hoạt động của hệ thống quản lý OSH.

3. Sự tham gia của người lao động là một yếu tố quan trọng của một hệ thống quản lý OSH hiệu quả. Người sử dụng lao động cần đảm bảo rằng người lao động và đại diện OSH của họ được tham vấn, được thông tin và tập huấn về mọi khía cạnh của OSH, bao gồm cả các hoạt động ứng phó khẩn cấp liên quan tới công việc của họ.

Người sử dụng lao động cần thu xếp để người lao động và đại diện về an toàn và sức khỏe của họ có thời gian và nguồn lực để tham gia tích cực vào quy trình tổ chức, quy hoạch và triển khai, đánh giá và hoạt động hoàn thiện hệ thống quản lý OSH. Người sử dụng lao động cần đảm bảo, khi thấy thích hợp, thiết lập và vận hành một hội đồng an toàn và sức khỏe, thừa nhận vai trò của đại diện an toàn và sức khỏe của người lao động, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc gia.

Chính sách về an toàn và sức khỏe triển khai ở cấp doanh nghiệp cần được áp dụng một cách nhất quán để đạt được hiệu quả.

[1] Xem, Hướng dẫn về Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động ILO-OSH, phần 3.1-3.2

Thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)

Câu hỏi: Công ty có phải đáp ứng những tín ngưỡng tôn giáo làm cản trở việc sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân không (ví dụ việc để râu làm cho khó đeo mặt nạ an toàn, khăn mũ đội đầu khiến cho khó đội mũ bảo hiểm…)

Trả lời: Sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo bao gồm phân biệt dựa trên việc thể hiện tín ngưỡng tôn giáo hay là thành viên của một nhóm tôn giáo. Mặc dù phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tín ngưỡng tôn giáo là không được phép, tại nơi làm việc vẫn có thể có những yêu cầu hợp pháp làm hạn chế sự tự do hành đạo của người lao động.

Một tôn giáo có thể yêu cầu một loại trang phục đặc biệt không tương thích với các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Trong những trường hợp này, quyền của người lao động được hành đạo tự do và đầy đủ tại nơi làm việc cần phải đưa ra để cân nhắc cẩn thận cùng với các yêu cầu về an toàn phải được thực hiện.

Cần khuyến khích các doanh nghiệp có những nỗ lực hợp lý để đáp ứng các phong tục tôn giáo đặc biệt. Người lao động, đặc biệt là thông qua đại diện của mình, cần được tham vấn về những bước cần thực hiện để thực hành các hoạt động tín ngưỡng.

Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần đưa ra gợi ý và hướng dẫn thêm về PPE và việc đáp ứng các phong tục tôn giáo địa phương.

Câu hỏi: Nếu một công ty sa thải tại chỗ một người lao động mà không có lần cảnh báo thứ hai vì không sử dụng thiết bị an toàn cá nhân thì điều đó có chấp nhận được không?

Trả lời: Một công nhân không nên bị sa thải chỉ hành vi sai phạm; theo luật hoặc thông lệ trong nước, chỉ có thể biện minh được cho việc sa thải nếu việc sai phạm lặp lại một hoặc nhiều lần, trừ khi người sử dụng lao động đã đưa ra cảnh báo phù hợp bằng văn bản. [1]. Mặc dù một nhân viên có thể thể bị sa thải một cách hợp pháp vì phạm lỗi, ví dụ như vi phạm quy tắc làm việc liên quan tới an toàn và sức khỏe, cần thực hiện các bước để đảm bảo nhân viên biết được nghĩa vụ của họ và hậu quả của việc vi phạm quy tắc lao động.

Lập tức sa thải người lao động vì không sử dụng PPE cho thấy công ty này không hiểu rõ về cách thức quản lý hiệu quả OSH trong doanh nghiệp. Cam kết tuân thủ tích cực OSH mang lại nhiều lợi ích cho người lao động cũng như sức khỏe hạnh phúc của họ và gia đình họ, và mang lại lợi ích về năng suất và tính bền vững cho doanh nghiệp. An toàn và sức khỏe tốt có nghĩa là kinh doanh tốt và như thế đây là vấn đề cần quan tâm của tất cả các bên liên quan.

An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc là trách nhiệm chung. Người sử dụng lao động cần cung cấp thông tin và tổ chức các buổi tập huấn về OSH cho người lao động để đảm bảo họ hiểu được các rủi ro liên quan và lý do tại sao phải thực hiện các biện pháp an toàn kể cả việc sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Ngược lại, người lao động cũng cần phải thực hiện các biện pháp an toàn, kể cả sử dụng PPE. Đội ngũ quản lý và người lao động cần đặt ưu tiên cao nhất cho nguyên tắc phòng ngừa.[2] 

Sự tham gia của người lao động là một yếu tố quan trọng của một hệ thống quản lý OSH hiệu quả. Người sử dụng lao động cần đảm bảo rằng người lao động và đại diện OSH của họ được tham vấn, được thông tin và tập huấn về mọi khía cạnh của OSH, bao gồm cả các hoạt động ứng phó khẩn cấp liên quan tới công việc của họ. Người sử dụng lao động cần thu xếp để người lao động và đại diện về an toàn và sức khỏe của họ có thời gian và nguồn lực để tham gia tích cực vào quy trình tổ chức, quy hoạch và triển khai, đánh giá và hoạt động hoàn thiện hệ thống quản lý OSH. Người sử dụng lao động cần đảm bảo, khi thấy thích hợp, thiết lập và vận hành một hội đồng an toàn và sức khỏe, thừa nhận vai trò của đại diện an toàn và sức khỏe của người lao động, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc gia.

Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần đưa ra gợi ý và hướng dẫn thêm để hỗ trợ công ty xây dựng một hệ thống quản lý OSH phù hợp và hiệu quả.

[1] Khuyến nghị về Chấm dứt Việc làm, 1982 (Số 166), đoạn 7 
[2] Các thảo luận liên quan tới việc thông qua Công ước về Cơ chế tăng cường công tác an toàn, sức khỏe lao động, (Sô 187) và Khuyến nghị (Số 197), 2006   đều nhấn mạnh rằng “Người sử dụng lao động và người lao động chủ động tham gia vào việc bảo đảm môi trường lao động an toàn và lành mạnh thông qua một hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định, và ở đó nguyên tắc phòng ngừa được ưu tiên cao nhất.”

Câu hỏi: Người lao động phải tự chi trả cho các thiết bị an toàn cá nhân có phải là một quy định phù hợp không?

Trả lời: Các công ty cần phải duy trì các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ cao nhất, phù hợp với yêu cầu của quốc gia. [1] 

Bước đầu tiên quan trọng là doanh nghiệp phải thúc đẩy một văn hóa phòng ngừa trong đó tôn trọng quyền có môi trường làm việc an toàn và lành mạnh và người sử dụng lao động và người lao động chủ động tham gia vào việc bảo đảm môi trường lao động an toàn và lành mạnh.[2]  Các chính sách trước tiên cần ưu tiên phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn thương về sức khỏe bằng cách giảm đến mức thấp nhất, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân vốn có gây rủi ro trong môi trường làm việc. [3] 

Việc cung cấp trang phục và thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ cũng rất quan trọng trong công tác phòng ngừa. Các thiết bị này cần được cấp mỗi khi cần thiết [4] và miễn phí đối với người lao động. [5] 

Người lao động và đại diện của họ cần được cung cấp thông tin đầy đủ về các biện pháp an toàn cần thực hiện và được đào tạo thích hợp. [6] 

[1] Tuyên bố ba bên về các Nguyên tắc liên quan đến các Doanh nghiệp đa quốc gia và Chính sách xã hội của ILO (Tuyên bố DNĐQG) đoạn 38. 
[2] Công ước về Cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, 2006 (Số 187),  Điều 1(d).
[3] Công ước về Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp, 1981 (Số 155),  Điều 4(2).
[4] C. 155 , Điều 16(3).
[5] C. 155,  Điều 21.
[6] C. 155 , Điều 19 (c) và (d), Công ước 170, Điều 15

Khóa giữ người lao động

Câu hỏi: Việc khóa giữ người lao động bên trong nơi làm việc vào ban đêm để đảm bảo họ không trộm cắp tài sản có bị coi là lao động cưỡng bức hay không?

Trả lời: Không nên khóa giữ người lao động tại doanh nghiệp. ILO chủ trương áp dụng biện pháp tiếp cận “không khoan nhượng” đối với việc giam giữ tại nơi làm việc.[1] 

Hơn nữa, khóa giữ người lao động trong nhà máy rõ ràng là ngược lại với những nguyên tắc về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Nếu tai nạn xảy ra có thể dẫn tới trách nhiệm dân sự vì những thương tổn cá nhân. Khóa giữ người lao động bên trong nhà máy có thể cấu thành tội phạm hình sự theo luật quốc gia, hoặc vi phạm ngoài hợp đồng do bắt giam trái phép.

Mặc dù việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ sở vật chất của công ty là hợp pháp, trong trường hợp này họ cần tìm kiếm các biện pháp thay thế khác.

Tổ chức quốc gia của người sử dụng lao động và người lao động có thể có những gợi ý hữu ích về các cách tiếp cận thay thế hiệu quả khác.

 [1] Phòng chống lao động cưỡng bức: Sổ tay dành cho người sử dụng lao động và doanh nghiệp, đoạn 8

Văn hóa phòng ngừa về OSH

Câu hỏi: ILO xem xét các yếu tố chính của một hệ thống OSH bao gồm những gì?

Trả lời: Các công ty cần phải duy trì các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ cao nhất, phù hợp với yêu cầu của quốc gia. [1] 

Một yếu tố quan trọng là thúc đẩy một văn hóa phòng ngừa trong đó quyền về môi trường làm việc an toàn và lành mạnh được tôn trọng và người sử dụng lao động và người lao động chủ động tham gia vào việc bảo đảm môi trường lao động an toàn và lành mạnh.[2]  Các chính sách cần tìm kiếm trước tiên mục tiêu phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn thương về sức khỏe bằng cách giảm thiểu, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân rủi ro vốn có trong môi trường làm việc. [3] 

Các chất và các tác nhân hoá học, vật lý và sinh học được công ty kiểm soát không được có nguy cơ đe dọa sức khỏe của người lao động khi đã áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động thích hợp. Máy móc, thiết bị và các công đoạn sản xuất phải an toàn, không có nguy cơ đe dọa sức khỏe của người lao động. [4] 

Việc cung cấp trang phục và thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ cũng rất quan trọng trong công tác phòng ngừa. Các thiết bị này cần được cấp mỗi khi cần thiết [5] và miễn phí đối với người lao động. [6]

Cần nỗ lực để làm cho máy móc, thiết bị, thời gian làm việc, việc tổ chức lao động, các quá trình lao động thích ứng với với khả năng thể chất và tinh thần của người lao động [7]. Sự thích ứng này cần tính tới vấn đề khác biệt giới. Phụ nữ mang thai và cho con bú không phải thực hiện công việc có thể có hại cho sức khoẻ của bà mẹ và trẻ sơ sinh.[8] 

Cần có sẵn các biện pháp ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và các tai nạn, kể cả việc bố trí các phương tiện cấp cứu thích hợp [9].

Công ty cần xây dựng và áp dụng những quy trình thủ tục ghi lại và thông báo về những sự cố nguy hiểm cũng như tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Công ty cần đóng một vai trò chủ đạo trong việc kiểm tra nguyên nhân gây ra các nguy hiểm về sức khỏe và an toàn công việc và trong việc ứng dụng cải tiến trong doanh nghiệp của mình. [10] 

Người lao động, thông qua đại diện của họ, có một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các nguy hiểm [11] và sự hợp tác giữa ban quản lý với người lao động là cần thiết [12]. Các doanh nghiệp cũng nên thông tin cho đại diện của người lao động tại doanh nghiệp về các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Họ cần thông báo về bất kỳ mối nguy hại đặc biệt và các biện pháp bảo vệ liên quan đến sản phẩm và quy trình mới [13]. Người lao động và đại diện của họ cũng nên được thông báo đầy đủ về các biện pháp an toàn cần thực hiện và được tập huấn phù hợp [14].

Người lao động và đại diện của họ cần được phép tham vấn với tổ chức của người lao động về những thông tin này, với điều kiện không tiết lộ những bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Họ cũng cần được phép mời các cố vấn kỹ thuật tham gia, với điều kiện là được ban quản lý đồng ý. [15] 

Người lao động cần báo cáo lên quản lý trực tiếp bất cứ tình huống nào mà họ có có lý do xác đáng để cho rằng có mối nguy hiểm sắp xảy ra, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Người lao động có quyền từ chối quay lại làm việc cho tới khi người sử dụng lao động đã thực hiện những biện pháp khắc phục cần thiết để xóa bỏ mối nguy hiểm sắp xảy ra, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động. [16] 

Khi thích hợp, khuyến khích các công ty lồng ghép những vấn đề liên quan tới an toàn và sức khỏe vào trong những thỏa thuận với đại diện của người lao động. [17] 

Khi có từ 2 cơ sở sản xuất trở lên cùng tham gia các hoạt động sản xuất trên cùng một địa bàn sản xuất, các cơ sở sản xuất này phải cộng tác với nhau trong việc đảm bảo các mối nguy hại được giảm thiểu. [18]

Tại cấp quốc gia, các công ty nên hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng về an toàn và sức khoẻ, đại diện của người lao động và các tổ chức của họ và các tổ chức an toàn và sức khoẻ đã được thành lập. [19] 

Tại cấp quốc tế, các công ty nên hợp tác trong việc thiết lập và thông qua các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ quốc tế. [20] 

 [1] Tuyên bố ba bên về các Nguyên tắc liên quan đến các Doanh nghiệp đa quốc gia và Chính sách xã hội của ILO (Tuyên bố DNĐQG) đoạn 38. 
[2] Công ước về Cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, 2006 (Số 187),  Điều 1(d).
[3] ] Công ước về Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp, 1981 (Số 155), Điều 4(2) 
[4] Công ước 155, Điều 16(1) 
[5]  Công ước 155, Điều 16(3) .
[6] C. 155, Điều 21 
[7] C.155, Điều 5 b 
[8] Công ước về Bảo vệ Thai sản, 2000 (Số 183),Điều 3 
[9] Công ước 155, Điều 18 
[10]  Tuyên bố DNĐQG, đoạn 38 
[11] Công ước 155, Điều 19(a) và (b) 
[12] Công ước 155, Điều 20; Công ước 170, Điều 16 
[13]  Tuyên bố DNĐQG, đoạn 38 
[14] Công ước 155, Điều 19 (c) và (d) Công ước 170, Điều 15 
[15] Công ước 155, Điều 19(c) và (e) .
[16] Công ước 155, Điều 19(f). 
[17] Tuyên bố DNĐQG, đoạn 40 
[18] Công ước 155, Điều 17 
[19]  Tuyên bố DNĐQG, đoạn 40 
[20]  Tuyên bố DNĐQG, đoạn 39 

Phơi nhiễm với chất độc hại

Câu hỏi: Có văn kiện nào của ILO hướng dẫn các công ty ngăn ngừa sự phơi nhiễm của người lao động với các chất sinh ung thư không?

Trả lời: Có một số biện pháp đặc biệt liên quan tới hóa chất bao gồm việc dán nhãn hoặc đánh dấu mọi hóa chất được sử dụng tại nơi làm việc để chỉ rõ sự phân loại của chúng. [1] Các hóa chất độc hại cần được dán nhãn để người lao đông có thể biết về chủng loại của chúng một cách dễ dàng, độ nguy hiểm và những biện pháp phòng tránh an toàn phải tuân thủ [2]. Bảng dữ liệu hóa chất cần được cung cấp cho người lao động và đại diện của họ [3].

Ban quản lý cần đảm bảo rằng người lao động không tiếp xúc với hóa chất vượt quá giới hạn hoặc tiêu chuẩn tiếp xúc khác theo đánh giá và kiểm tra về môi trường lao động được thiết lập bởi một cơ quan có thẩm quyền, hoặc một cơ quan được phê duyệt hoặc thừa nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế,

Họ cũng nên đánh giá mức phơi nhiễm đối với hoá chất nguy hiểm của người lao động và giám sát và lập hồ sơ phơi nhiễm của người lao động. Người lao động và đại diện của họ cần được tiếp cận những hồ sơ này [4] . Công ty cần thiết lập một hệ thống lưu giữ hỗ sơ trong một khoảng thời gian phù hợp [5].

Công ty cần thực hiện các biện pháp thích hợp liên quan tới các chất hoặc tác nhân gây ung thư và cố gắng thay thế những chất và những tác nhân đó bằng những chất hoặc những tác nhân không gây ung thư hoặc ít độc hại [6]. Cần thực hiện các biện pháp đặc biệt để phòng ngừa và kiểm soát amiăng [7].

Cần giảm tối đa số người lao động tiếp xúc và thời gian và mức phơi nhiễm phù hợp với tiêu chuẩn an toàn[8]. Người lao động đã bị ảnh hưởng hoặc có khả năng bị ảnh hưởng bởi các chất hoặc tác nhân gây ung thư cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan về các nguy hại này và cần thực hiện các biện pháp cần thiết.[9] 

Người lao động cần được kiểm tra sức khỏe, được xét nghiệm sinh học hoặc các xét nghiệm hay điều tra khác cần thiết trong thời gian làm việc nếu cần để đánh giá mức độ phơi nhiễm và theo dõi tình trạng sức khỏe của họ có liên quan tới các mối nguy hiểm của công việc [10]. Nếu theo khuyến nghị y tế phù hợp, người lao động hoặc những người lao động có nghi vấn cần được đưa ra khỏi nguồn phơi nhiễm này [11], và cần được bố trí làm các công việc thay thế hoặc những phương tiện khác để duy trì thu nhập của mình [12].

Tuổi tối thiểu để làm những công việc nguy hiểm liên quan tới phơi nhiễm hóa chất, tác nhân hoặc các quy trình có thể gây hại cho sức khỏe là 18 tuổi [13].

[1] Công ước 170, Điều 7(1) 
[2] Công ước 170. Điều 7(2) 
[3] Công ước 170. Điều 10(1) 
[4] Công ước 170, Điều 12 
[5] Công ước 139, Điều 3 
[6] Công ước về Ung thư do Nghề nghiệp gây ra, 1974 (Số 139), Điều 2(1) 
[7] Công ước 162, Điều 3 
[8] Như trên, Điều 2(2)
[9] Như trên, Điều 4.
[10] Như trên, Điều 5
[11] Công ước về Bảo vệ Người lao động khỏi Chất phóng xạ, 1960 (Số 115), Điều 14 
[12] C. 115, Chú thích cuối trang 20 ; Quan sát chung 1992, đoạn 32; C. 162, đoạn 21(3) 
[13] Khuyến nghị về Những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 190), Phần II, đoạn 3(d) 

Bảo vệ người lao động khỏi chất phóng xạ Urani

Câu hỏi: Có thể tham khảo tiêu chuẩn quốc tế nào khi đặt ra các yêu cầu đối với nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân quốc tế liên quan tới khai thác urani?

Trả lời: Để có hướng dẫn chi tiết về thực hành tốt, bạn có thể tham khảo Các tiêu chuẩn an toàn quốc tế cơ bản trong việc bảo vệ phòng chống tác hại bức xạ ion hoá và an toàn đối với các nguồn bức xạ (BSS). BSS được xuất bản năm 1996 dưới sự đồng tài trợ của ILO, FAO, IAEA, OECD/NEA, PAHO và WHO. Bộ tiêu chuẩn BSS này có bao gồm những yêu cầu cụ thể liên quan tới urani và nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân quốc tế.

BSS đưa ra một cơ sở toàn cầu đối với các tiêu chuẩn phòng chống tác hại bức xạ được hài hòa. Những tiêu chuẩn này bổ sung và được đẩy mạnh trên cơ sở của Công ước về Bảo vệ Phòng chống Tác hại Bức xạ của ILO (Số 115)Khuyến nghị (Số 114). BSS cũng là một phần của các tiêu chuẩn IAEA, IAEA đã thúc đẩy các tiêu chuẩn này qua sự hợp tác kỹ thuật trong Dự án Mô hình về Nâng cấp Cơ sở Hạ tầng Bảo vệ Phòng chống tác hại Bức xạ trên hơn 100 quốc gia.

Để giúp các Quốc gia thành viên áp dụng các yêu cầu trong BSS, IAEA và ILO đã chuẩn bị những hướng dẫn về an toàn dưới đây và một số tài liệu hướng dẫn khác áp dụng cho khai thác urani có thể cung cấp cho bạn những thông số về an toàn chi tiết hơn:

  • Bảo vệ Phòng chống Tác hại Bức xạ Nghề nghiệp trong việc khai thác và xử lý nguyên liệu thô: Hướng dẫn an toàn, Bộ Tiêu chuẩn An toàn Số RS-G-1.6 (Vienna, 2004). IAEA và ILO đồng tài trợ.
  • Bảo vệ Phòng chống Tác hại Bức xạ Nghề nghiệp: Hướng dẫn An toàn, Bộ Tiêu chuẩn An toàn Số RS-G-1.1 (Vienna, 1999). IAEA và ILO đồng tài trợ.
  • Đánh giá tình trạng phơi nhiễm nghề nghiệp khi khai thác nuclit phóng xạ: Hướng dẫn An toàn, Bộ Tiêu chuẩn An toàn Số RS-G-1.2 (Vienna, 1999). IAEA và ILO đồng tài trợ.
  • Đánh giá tình trạng phơi nhiễm nghề nghiệp từ nguồn phòng xạ bên ngoài: Hướng dẫn An toàn, Bộ Tiêu chuẩn An toàn Số No. RS-G-1.3 (Vienna, 1999). IAEA và ILO đồng tài trợ.

Giám sát an toàn tại các công trình xây dựng

Câu hỏi: Cần có bao nhiêu giám sát viên về an toàn cho mỗi công trình xây dựng tòa nhà cao tầng?

Trả lời: khuyến khích người sử dụng lao động “tiến hành giám sát để đảm bảo người lao động thực hiện công việc trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố sức khỏe và an toàn của họ”. [1] Không có một hướng dẫn cụ thể nào về con số giám sát viên an toàn cần có, vì đây không phải là yếu tố duy nhất cần tính đến. Năng lực của những giám sát viên đó và việc phân công trách nhiệm quyền hạn rõ ràng cũng là yếu tố quan trọng không kém.

Mỗi công ty xây dựng ở bất cứ quy mô nào cũng cần chỉ định một hoặc vài cán bộ phụ trách an toàn – một (hoặc vài) người có tiêu chuẩn năng lực phù hợp có trách nhiệm chính và đặc biệt là thúc đẩy sự an toàn và sức khỏe. [2]

Bên cạnh đó, giám sát viên cấp độ một (hay còn gọi là “đốc công”, “trưởng kíp” hay “đội trưởng”) với trách nhiệm được phân công rõ ràng sẽ có vai trò cơ bản trong bảo đảm an toàn tại công trường xây dựng. Những người này cũng có vai trò đảm bảo an toàn đối với một nhóm lao động cụ thể của công ty họ, và, tối thiểu mỗi một công ty có mặt tại công trường cần phải có những người giám sát như thế. Giám sát viên có trách nhiệm đảm bảo [3]: 

  • Điều kiện và thiết bị làm việc an toàn;
  • Thường xuyên kiểm tra an toàn tại nơi làm việc;
  • Người lao động được đào tạo đầy đủ về công việc cần làm;
  • Thực hiện các biện pháp an toàn tại nơi làm việc;
  • Có những giải pháp tốt nhất sử dụng nguồn lực và kỹ năng có sẵn; và
  • Cung cấp và sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân.

Mỗi một giám sát viên đều cần có sự hỗ trợ trực tiếp của ban quản lý công trình [4]. Các giám sát viên cần có đủ trình độ, ví dụ như được đào tạo phù hợp và có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để thực hành đảm bảo an toàn đối với công việc cụ thể [5].

Khi có từ hai người sử dụng lao động trở lên cùng đồng thời thực hiện các hoạt động tại một công trình xây dựng thì nhà thầu chính, người có quyền kiểm soát thực sự hoặc có trách nhiệm chính đối với toàn bộ các hoạt động tại công trình xây dựng, phải có trách nhiệm phối hợp và đảm bảo tuân thủ các biện pháp về an toàn và sức khỏe được quy định. Nếu nhà thầu chính không có mặt tại công trường, thì họ phải chỉ định một người hoặc một cơ quan có chức năng đảm bảo sự phối hợp và tuân thủ đó (một giám sát hoặc điều phối viên an toàn tổng thể). Tuy nhiên, mỗi một người sử dụng lao động vẫn cần duy trì trách nhiệm áp dụng những biện pháp đảm bảo an toàn được quy định đối với người lao động dưới quyền của mình. Tất cả những người sử dụng lao động hoặc những người làm riêng hoạt động đồng thời tại công trường đều phải có nghĩa vụ phối hợp.[6] 

Một nhóm khác cũng có thể coi là “giám sát viên” theo một nghĩa rộng hợn là các đại diện OSH do người lao động và công đoàn đại diện họ chỉ định. Điều đã được chứng minh nhiều lần là ở đâu có đại diện an toàn của người lao động thì ở đó công việc an toàn hơn. Không bao giờ có thể cường điệu hóa vai trò của họ [7]. Một công trình lao động an toàn cần thực hiện các biện pháp khắc phục và giám sát thường xuyên. Việc đào tạo giúp người lao động nhận ra được những rủi ro liên quan và cách phòng tránh những rủi ro đó. Người lao động cần được chỉ bảo cách thức thực hiện công việc của mình một cách an toàn [8]. Người sử dụng lao động cần lập ra ủy ban bao gồm đại diện của người lao động và ban quản lý hoặc thu xếp những thỏa thuận phù hợp khác nhất quán với luật pháp và quy định quốc gia giúp cho người lao động có thể tham gia để đảm bảo đạt được các điều kiện làm việc an toàn [9].

Tóm lại, ở bất cứ công trình nào có nhiều hơn một nhà thầu tại một thời điểm, ví dụ như tình huống công trình xây dựng tòa nhà cao tầng nói trên, phải có một tổng điều phối /giám sát an toàn. Mỗi một nhà thầu đơn lẻ cần chịu trách nhiệm, dưới sự giám sát của điều phối viên, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người lao động và các thầu phụ mà họ phụ trách. Trách nhiệm của họ bao gồm việc cung cấp thông tin, đào tạo, giới thiệu làm quen với công trình (nếu nhà thầu chính chưa làm việc này) …. Phải có sự phối hợp hai chiều giữa điều phối viên tổng, nhà thầu chính và các nhà thầu khác tại công trình. Việc có cần những giám sát viên an toàn khác tại công trình hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Quy mô và độ phức tạp của công trình;
  • Số lượng các công ty khác làm việc tại công trình, một số công ty hoặc tất cả các công ty đó có thể đã có giám sát an toàn rồi (có mặt toàn thời gian, hoặc bán thời gian nếu họ đang phải đảm trách các công trình khác nữa);
  • Những yêu cầu cần thực hiện theo kết quả của đánh giá rủi ro (giả thiết là đã thực hiện đánh giá rủi ro), ví dụ kết quả đánh giá có thể yêu cầu sự có mặt của giám sát an toàn ở một số vị trí, tại một số thời điểm;
  • Sự có mặt và năng lực của các giám sát viên của mỗi công ty (đốc công);
  • Sự có mặt và mức độ phát triển của văn hóa an toàn; và
  • Mức độ cam kết của đại diện an toàn của công đoàn

Các tổ chức quốc gia của người lao động và người sử dụng lao động cũng là nguồn thông tin rất quan trọng về luật, quy định và các thỏa ước thương lượng tập thể quốc gia liên quan tới các yêu cầu an toàn tại công trình xây dựng.

 [1] Bộ Quy tắc thực hành về An toàn và Sức khỏe trong Xây dựng của ILO, 1992, Phần 2.2.7.
[2] An toàn, sức khỏe và phúc lợi tại công trình xây dựng: Tài liệu đào tạo của ILO, 1995 , Phần 2.2.1
[3] Tài liệu đào tạo, Phần 2.2.1
[4] Tài liệu đào tạo , Phần 2.2.2
[5] Công ước về An toàn và Sức khỏe trong Xây dựng, 1988 (Số 167), Điều 2(f) 
[6] C. 167, Điều 8 
[7] Xem, "Vai trò của đại diện và tham vấn người lao động trong quản lý sức khỏe và an toàn trong ngành xây dựng ," trang 19-23 để thảo luận bằng chứng thực nghiệm
[8] Tài liệu đào tạo, Phần 2.2.2
[9] Bộ Quy tắc thực hành , Phần 2.2.3


Câu hỏi: Tôi muốn biết liệu có tiêu chuẩn nào về thiết bị bảo vệ cá nhân để phòng chống các tai nạn liên quan tới rắn cho người lao động làm việc tại các nông trường hoa quả không?

Trả lời:
Bộ Quy tắc thực hành về An toàn và Sức khỏe trong Nông nghiệp của ILO có đưa ra hướng dẫn về thiết bị bảo vệ cá nhân đối với người lao động nông nghiệp. Mặc dù không đề cập cụ thể tới việc phòng tránh rắn cắn, Quy định này cũng khuyến nghị đi ủng cao hoặc đi các loại giày an toàn chống trượt có nẹp ống chân (espinilleras) và bảo vệ đầu gối khi làm việc. Các dịch vụ y tế trong nông trường cũng nên có thuốc giải độc dùng khi bị những loại rắn, nhện có độc và gây bệnh trong khu vực cắn.


Có thể tìm thêm hướng dẫn chung trong
Công ước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp 2001 (Số 184) Khuyến nghị, 2001 (Số 192) trong đó có cách tiếp cận toàn diện tới những biện pháp phòng ngừa trong nông nghiệp, bao gồm các biện pháp phòng ngừa đối với những tiếp xúc với động vật có độc và hoang dã.


Câu hỏi: Có những yêu cầu gì liên quan tới việc cung cấp ghế ngồi cho nhân viên thu ngân?

Trả lời:
Công ước về Vệ sinh (Thương mại và Văn phòng), 1964 (số 120) quy định rằng cần cung cấp ghế ngồi đủ và thích hợp cho người lao động và người lao động phải có khả năng được sử dụng những ghế ngồi đó một cách hợp lý.


Câu hỏi: Tôi muốn có thông tin về các quy tắc và quy định của ILO áp dụng cho người làm việc cho các hãng hàng không (tiếp viên hàng không và phi công). Tôi muốn biết xem liệu có quy tắc nào liên quan tới loại nhiệm vụ mà họ phải thực hiện khi đang ở trên độ cao, trong môi trường phóng xạ và áp suất cao, và liệu có quy tắc nào áp dụng được đối với hoạt động này hay không?

 

Trả lời: Công ước về Bảo vệ Phòng chống Tác hại Bức xạ của ILO (Số 115) Khuyến nghị về Bảo vệ Phòng chống Tác hại Bức xạ năm 1960 (Số 114), quy định những biện pháp thích hợp để bảo vệ hiệu quả mọi người lao động từ tác hại của Bức xạ gây ion hóa, từ quan điểm sức khỏe và an toàn của họ.


Công ước về Trợ cấp Tai nạn Lao động 1964 [Phụ lục 1 được sửa đổi năm 1980] (Số 121)Danh sách các Bệnh nghề nghiệp của ILO (sửa đổi năm 2010), cũng được áp dụng để bảo vệ tiếp viên hàng không và phi công.


Ấn phẩm “
Bảo vệ Người lao động khỏi tác hại bức xạ (bức xạ ion hóa)” năm 1987 có đưa ra hướng dẫn cho mọi hoạt động làm cho người lao động bị phơi nhiễm với phóng xạ ion hóa tại nơi làm việc, bao gồm cả tiếp viên hàng không và phi công.

 

Thông tin chi tiết hơn có thể tìm tại cuốn “Bảo vệ Phòng chống tác hại bức xạ và an toàn của nguồn phóng xạ: Tiêu chuẩn an toàn cơ bản Quốc tế - Xuất bản tạm thời”, đồng tài trợ bởi Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ILO, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển/Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (OECD/NEA), Tổ chức Y tế Mỹ Pan (PAHO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

 

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi theo quy định diện tích tối thiểu một người lao động văn phòng cần có trong một tòa nhà văn phòng là bao nhiêu? Tôi có thể tìm quy tắc đó ở đâu để in ra?


Trả lời: Khuyến nghị về Vệ sinh (Thương mại và công sở), 1964 (Số 120) có ghi rõ trong Phần VII, Không gian nơi làm việc, nội dung sau

 

26.

(1) Tất cả nơi làm việc cần được bài trí và nhà xưởng được sắp xếp để không gây tác hại tới sức khỏe của người lao động. 

 

(2) Mỗi người lao động cần có đủ không gian làm việc không bị cản trở để thao tác mà không có rủi ro đối với sức khỏe. 

 

27. Cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ: 

 

(a) diện tích sàn tại mỗi nhà xưởng dành cho mỗi người lao động làm việc thường xuyên; 

 

(b) không gian tối thiểu không vật cản tại mỗi nhà xưởng dành cho một người lao động làm việc thường xuyên;

 

(c) chiều cao tối thiểu của nhà xưởng mới mà tại đó công việc được thao tác thường xuyên. 

Câu hỏi: Có an toàn không khi một người đàn ông 70 tuổi vẫn làm việc ngoài biển, trên vịnh Ba Tư, độ ẩm thỉnh thoảng lên tới 100%, nhiệt độ từ 30 đến 40 độ C.

Trả lời: Hai nguyên tắc chung trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế về các điều khoản an toàn và sức khỏe là: 1) Những nguy hiểm vốn có trong môi trường làm việc cần được giảm thiểu tới mức có thể thực hiện được một cách hợp lý; và 2) công việc nên điều chỉnh phù hợp với năng lực về thể chất và tinh thần của người lao động. Nếu người lao động nhiều tuổi cần được hỗ trợ đặc biệt thì cần cung cấp những hỗ trợ đó.

 

Câu hỏi: Tôi muốn biết cách lập kế hoạch phòng ngừa các rủi ro lao động và để xây dựng các biện pháp bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe cho người lao động nông nghiệp.

Trả lời: Quy tắc lao động quốc tế chính về an toàn và sức khỏe trong ngành nông nghiệp là 
Công ước về An toàn và Sức khỏe trong Nông nghiệp năm 2001 (Số 184) , và Khuyến nghị 2001 (Số 192). Gần đây cũng có Bộ Quy tắc thực hành về An toàn và Sức khỏe trong Nông nghiệp.


Câu hỏi: Người lao động của chúng tôi làm việc theo nhóm bốn người để chuyển các bao hàng nặng 90kg ra xe bằng cách đặt bao hàng thẳng đứng lên vai một người và người đó sẽ vác tới và chất lên xe. Chúng tôi muốn biết trọng lượng mang vác cho phép tối đa đối với một người lao động để đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn ILO và hướng dẫn nào của ILO xác định mức trọng lượng tối đa này?”

 

Trả lời: Không nên yêu cầu hoặc cho phép người lao động vận chuyển thủ công bất cứ khối lượng nào có thể gây hại tới sức khỏe hoặc sự an toàn của người đó. Trọng lượng cho phép tối đa là 55kg cho lao động nam trưởng thành, và ít hơn nhiều cho một lao động trẻ và nữ. (Xem Công ước về Trọng lượng Tối đa (Số 127)Khuyến nghị về Trọng lượng tối đa (Số 128), đoạn 14). Khuyến khích các công ty sử dụng các dụng cụ kỹ thuật phù hợp càng nhiều càng tốt (Điều 7(2) của Công ước).


Bộ Quy tắc thực hành về An toàn và Sức khỏe trong Nông nghiệp có thêm hướng dẫn khác. Người lao động phải xử lý (bằng cách nâng, mang, và đặt) các vật nặng (có trọng lượng hơn 23kg) ở tần suất trên 3 lần trong một phút và trong khoảng thời gian hơn hai giờ có nguy cơ bị chấn thương vùng thắt lưng, mệt mỏi và khả năng căng thẳng vì tăng thân nhiệt do phải kết hợp vật nặng, cách nâng, tần suất và thời gian kéo dài của công việc, và những ảnh hưởng khác từ môi trường như làm việc dưới nắng trực tiếp, gần nguồn nhiệt ví dụ như máy phát điện, máy nén khí, động cơ đốt trong… Đánh giá tác động lên sức khỏe của việc người lao động mang vác hàng không chỉ liên quan tới trọng lượng, mà còn các yếu tố khác nữa, bao gồm cả lực ban đầu và lực duy trì, khoảng cách từ cơ thể tới vật cần nâng (mặt phẳng đứng dọc), các tư thể nâng khác nhau (chiều cao từ sàn tới khớp ngón tay, chiều cao từ khớp ngón tay tới vai…) tần suất thực hiện và giới tính của người lao động (xem đoạn 9.2.1.5 và 9.2.2.1).

 

Hiệp hội Công thái học Quốc tế và ILO đã xuất bản cuốn Giải pháp Công thái học trong Nông nghiệp hướng dẫn cách mang vác vật nặng (xem giải pháp 7). Tham khảo thêm trọng lượng Nâng Nhấc tối đa (ILO OSH Series No 59).

 

Câu hỏi: Theo tiêu chuẩn của ILO, có thể cho tôi biết nếu một công ty có từ 8-12 người thì có cần một cán bộ chịu trách nhiệm về An toàn và Sức khỏe không, hay chỉ cần một giám sát viên cháy nổ và một nhân viên sơ cứu là đủ?

 

Trả lời: Nguyên tắc của các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới an toàn và sức khỏe không đề cập trực tiếp tới vấn đề trong câu hỏi của bạn, nhưng có cung cấp một số hướng dẫn có thể sử dụng.


Các nguyên tắc khuyến khích “xây dựng chính sách an toàn và sức khỏe, thành lập các ủy ban về an toàn và sức khỏe chung và chỉ định đại diện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của người lao động, theo luật pháp và thông lệ quốc gia tại cấp cơ sở làm việc.”   .. Xem,
Khuyến nghị về  Cơ chế tăng cường công tác an toàn, sức khỏe lao động, 2006 (số 197), đoạn 5(f).

Trên thực tế, hầu hết các nước thường áp dụng một ngưỡng cụ thể là số người lao động làm tại một doanh nghiệp làm cơ sở yêu cầu thành lập một ủy ban an toàn và sức khỏe (phổ biến là 20 nhân viên). Ở những đơn vị nhỏ hơn (5-19 người), một số quốc gia yêu cầu chỉ định một đại diện an toàn có kiến thức cơ bản về OSH tập trung vào công tác phòng chống.


Điều quan trọng là phải có một nhân sự được đào tạo đầy đủ để đảm bảo hệ thống nhận dạng nguy hiểm, đánh giá rủi ro, chuẩn bị và triển khai các chương trình an toàn hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, người này cần được đào tạo đầy đủ về mọi khía cạnh của công tác phòng chống rủi ro OSH. Các nguyên tắc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại và hợp tác tại cấp doanh nghiệp, không tính tới số nhân viên họ có. Xem,
Hướng dẫn về hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp ILO-OSH (2001).


Câu hỏi: Việc sử dụng thiết bị chụp X quang cầm tay để kiểm tra sức khỏe nghề nghiệp có được coi là phù hợp về mặt kỹ thuật không, hay nên tiếp tục sử dụng thiết bị chụp X quang cố định?


Trả lời: Các cơ quan có thẩm quyền ở mỗi quốc gia sẽ quy định loại thiết bị chụp X quang có thể dùng để chụp phổi cũng như chăm sóc y tế. Ở một số nước, cả thiết bị X quang Kỹ thuật số (DR) và X quang Điện toán (CR) cũng được sử dụng cho những thăm khám này. Nếu máy chụp cầm tay có thiết bị DR được chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước là phù hợp để chụp phổi, thì có thể sử dụng thiết bị này bên cạnh các cách chụp X quang (CR hoặc DR) cố định tại các cơ sở y tế.


Tham khảo định nghĩa các thuật ngữ kỹ thuật, cũng như thông tin liên quan tới thiết bị chụp X quang kỹ thuật số tại Chương 6 trong tài liệu
“Hướng dẫn sử dụng Phân loại quốc tế của ILO về phim chụp X-quang ngực của những người mắc bệnh bụi phổi, Phiên bản được hiệu chỉnh năm 2011”.