Hội thảo Đánh giá Dự án “Du lịch Bền vững và có Trách nhiệm tại miền Trung Việt Nam” và “Dự án Tăng cường Kĩ năng Làm việc Thúc đẩy Thương mại theo Chiến lược Đào tạo của G20”

Sau hai năm triển khai thực hiện, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá các kết quả cuối cùng, cũng như thu nhận các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan hướng đến tính bền vững cho các hoạt động của hai dự án

Bối cảnh

Dự án “Du lịch Bền vững và có Trách nhiệm tại miền Trung Việt Nam” (SART) là một nỗ lực hợp tác giữa ILO – UNESCO trong việc cải thiện sinh kế cho các cộng đồng địa phương tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế thông qua xúc tiến các mô hình du lịch văn hóa, mô hình du lịch bền vững và có trách nhiệm từ đó có thể được nhân rộng ở Việt Nam. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được thành tựu trong việc tạo ra các mô hình và điển hình tốt về phát triển du lich phục vụ mục tiêu giảm nghèo kết hợp gìn giữ các giá trị văn hóa như thiết lập hệ thống bán vé tại làng ngói Thanh Toàn, tăng việc làm và thu nhập từ du lịch tại làng Triêm Tây, kết nối các điểm điếm dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc chia sẻ các kinh nghiệm và điển hình tốt, hội thảo này cũng là cơ hội để đánh giá những ảnh hưởng của dự án từ phía các bên liên quan, cũng như đề xuất cam kết từ phía các cơ quan Nhà nước trong việc lên kế hoạch thực hiện hoạt động sau khi dự án kết thúc.

Dự án “Tăng cường Kĩ năng Làm việc Thúc đẩy Thương mại theo Chiến lược Đào tạo của G20” do Liên Bang Nga tài trợ, được thực hiện bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với mục đích triển khai chương trình sáng kiến phát triển kỹ năng nghề tại một số quốc gia được lựa chọn nhằm tạo ra cầu nối giữa giáo dục đào tạo với tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa kinh tế, cũng như mở ra nhiều việc làm tốt hơn. Sự hỗ trợ này đã giúp nâng cao chất lượng và tính gắn kết giữa đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường lao động cũng như giúp người lao động và doanh nghiệp đối phó với những thách thức từ cơ hội do thị trường mới mang lại trong tương lai. Những hỗ trợ tiêu biểu gồm có các khóa tập huấn kỹ năng cần thiết cho cán bộ quản lý tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế về quy hoạch du lịch, xúc tiến du lịch, thu thập và xử lý số liệu để những cán bộ này có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn; các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa được tập huấn các kỹ năng thiết yếu nhằm hoàn thành tốt hơn công việc của mình; hoạt động nâng cao tay nghề cho giáo viên các cơ sở đào tạo và tăng tính thực tiễn cho các chương trình, dịch vụ đào tạo nghề. Bên cạnh đó, dự án cũng thí điểm thành công hai bộ công cụ do đối tác của ILO là Đại học Quản Lý Moscow SKOLKOVO thực hiện, bao gồm công cụ Dự báo Kỹ năng nghề, và phần mêm mô phỏng Quản lý Cơ sở Đào tạo nghề cho các trường nghề trên phạm vi toàn quốc.

Hai dự án này của ILO đã cùng nhau phối hợp hiệu quả trong quá trình làm việc với các đối tác địa phương tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam thông qua các cuộc họp Tổ kỹ thuật chung được tổ chức hai hoặc ba tháng một lần. Sự hợp tác giữa hai dự án đã hỗ trợ hiệu quả cho các đối tác địa phương và mở rộng tầm ảnh hưởng của các hoạt động ILO đến các đối tượng thụ hưởng

Mục tiêu

  • Chia sẻ bài học kinh nghiệm và những điển hình tốt từ hai dự án
  • Trình bày những phát hiện chính từ báo cáo đánh giá dự án SART
  • Thu thập ý kiến đóng góp cho báo cáo STED trong ngành du lịch
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động hỗ trợ tiếp theo tại các điểm đến từ phía chính quyền địa phương sau dự án kết thúc

Đại biểu:

Hội thảo có sự tham gia của khoảng 90 đại biểu đến từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa đại diện cho các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh và huyện, các doanh nghiệp trong ngành du lịch, các cơ sở đào tạo nghề, cũng như các tổ chức xã hội khác.