Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2016

Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn

Chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn” được Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

 Công nhân đang hàn tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Chiến dịch diễn ra tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2016 với mục tiêu tổng thể là tăng cường tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong ngành xây dựng nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chiến dịch thanh tra bao gồm chuỗi hoạt động truyền thông và hoạt động thanh tra. Hoạt động truyền thông nhằm trang bị cho người lao động và người sử dụng lao động những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng. Hoạt động thanh tra nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại doanh nghiệp, qua đó chấn chỉnh và hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Từ kết quả chiến dịch, các quy định pháp luật cũng được xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Chiến dịch được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ tại nơi làm việc thông qua Thanh tra lao động” do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Nội dung trọng điểm

Thời giờ làm việc, làm thêm giờ

  • Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày hoặc 48 giờ trong 1 tuần.
  • Giờ làm việc vào ban đêm là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
  • Giờ làm thêm của người lao động tối đa bằng 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày và tổng số giờ làm việc bình thường và giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm.

Tiền lương

  • Tiền lương làm việc ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
  • Làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
  1. Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
  2. Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
  3. Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Xây dựng nội quy, quy trình và biện pháp làm việc bảo đảm an toàn

  • Người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
  • Người lao động có nghĩa vụ chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Phương tiện bảo vệ cá nhân

  • Người sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại.
  • Người lao động sử dụng đầy đủ và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

  • Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
  • Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Tổ chức mặt bằng thi công

  • Thực hiện rào ngăn xung quanh khu vực công trường và bố trí trạm gác không cho người không có nhiệm vụ ra, vào công trường.
  • Thực hiện các biện pháp an toàn (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che…) cho người và vật ở những vùng nguy hiểm do vật có thể rơi tự do từ trên cao xuống.
  • Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và lỗ trống trên sàn tầng công trình phải được đậy kín hoặc làm rào ngăn chắc chắn xung quanh với chiều cao tối thiểu bằng 1 m.
  • Lập và thực hiện biện pháp vận chuyển vật liệu thừa từ trên cao (3m) xuống.
  • Lắp đặt rào ngăn hoặc biển báo tại khu vực tháo dỡ khuôn ván, giàn giáo, nơi lắp ráp các bộ phận kết cấu của công trình…
  • Kho bãi để sắp xếp và bảo quản nguyên vật liệu, cấu kiện, thiết bị phải được định trước trên mặt bằng công trường. Nguyên liệu lỏng và dễ cháy phải được bảo quản trong kho riêng theo quy định phòng cháy, chữa cháy.

Sử dụng xe máy xây dựng

  • Kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
  • Lắp đặt bao che an toàn bộ phận chuyển động của máy, thiết bị có thể gây nguy hiểm.
  • Không sử dụng thiết bị nâng hàng để nâng người.
  • Cử người xi nhan và theo dõi trạng thái của cẩu trong quá trình sử dụng thiết bị nâng để cẩu vật liệu.
  • Sử dụng dây định hướng vật nâng khi nâng các vật có chiều dài lớn.
  • Thực hiện biện pháp chủ động ngăn ngừa vật rơi khi sử dụng cẩu tháp.

Sử dụng giàn giáo, giá đỡ

  • Không sử dụng giàn giáo, giá đỡ không đúng chức năng.
  • Đặt bảng ghi khả năng chịu tải của giàn giáo ở vị trí dễ nhận biết.
  • Lắp đặt các neo kim loại liên kết vào tường.
  • Sử dụng các ống kim loại có chân đế và được đặt trên đệm kê.
  • Lắp các thanh giằng chéo ở tất cả các bên.
  • Sử dụng sàn công tác của giàn giáo có chiều rộng ít nhất bằng 1m.
  • Lắp lan can an toàn theo quy định.
  • Điều chỉnh khe hở giữa các tấm ván sàn công tác đảm bảo quy định.
  • Che chắn bảo vệ phía trên các lối đi qua lại phía dưới giàn giáo và giá đỡ.
  • Sau khi ngừng thi công trên giàn giáo, giá đỡ trên một tháng nếu muốn tiếp tục thi công phải tiến hành nghiệm thu lại.
  • Thào dỡ giàn giáo, giá đỡ phải tiến hành theo chỉ dẫn trong thiết kế hoặc chứng chỉ xuất xưởng.
  • Trong khi làm việc, bất kỳ người lao động nào phát hiện thấy tình trạng hư hỏng của giàn giáo, giá đỡ có thể nguy hiểm, phải dừng làm việc và báo cáo cán bộ kỹ thuật biết để sửa chữa, bổ sung.

Sử dụng điện và các thiết bị điện

  • Chỉ người lao động được phân công mới được sửa chữa, đấu hoặc ngặt các thiết bị điện ra khỏi lưới điện.
  • Lập sơ đồ mạng điện có cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trường.
  • Quản lý chặt chẽ các thiết bị đóng, ngắt điện dùng để đóng ngắt lưới điện chung tổng hợp và các đường dây phân đoạn cấp điện cho từng khu vực trên công trường.
  • Tách hệ thống điện động lực và điện chiếu sáng thành hai hệ thống.
  • Trang bị đầy đủ phích cắm cho thiết bị sử dụng điện.
  • Nối trung tính vỏ kim loại của máy, thiết bị điện để đề phòng hiện tượng điện chạm vỏ.
  • Không để dây điện tiếp xúc với bộ phận dẫn điện của kết cấu công trình.
  • Các dụng cụ điện cầm tay được kiểm tra cách điện định kỳ.
  • Tất cả các thiết bị điện đều phải được bảo vệ ngắn mạch và quá tải.
  • Chiều cao của thiết bị điện chiếu sáng (sử dụng điện áp lớn hơn 36 V) so với mặt sàn thao tác ít nhất bằng 2,5 m.
  • Không được sử dụng các nguồn điện để làm hàng rào bảo vệ công trường.

Công tác cốp pha, cốt thép và bê tông

  • Chỉ được đặt cốp pha của tầng trên sau khi đã cố định cốp pha của tầng dưới. Không được đặt và chất xếp các tấm cốp pha, các bộ phận của cốp pha lên chiếu nghỉ của cầu thang, ban công, các mặt dốc, các lối đi cạnh lỗ hổng hoặc các mép ngoài của công trình ở các vị trí thẳng đứng hoặc nghiêng khi chưa giằng néo chúng.
  • Chuẩn bị phôi và gia công cốt thép phải được tiến hành ở khu vực riêng, xung quanh có rào chắn và biển báo.
  • Lối qua lại phía dưới khu vực đang đổ bê tông phải có rào chắn và biển cấm. Trường hợp bắt buộc phải có người qua lại thì phải làm các tấm che ở phía trên lối qua lại đó. 

Công tác hàn

  • Thợ hàn phải được trang bị thiết bị, quần áo bảo hộ phù hợp với công việc hàn và cắt.
  • Bố trí bình chữa cháy đảm bảo quy định khi thực hiện công việc hàn.
  • Lập và thực hiện biện pháp an toàn cho người và vật ở phía dưới khi hàn trên cao.
  • Lập và thực hiện biện pháp chống sụp đổ khi cắt các bộ phận của kết cấu.
  • Không được đồng thời hàn điện và hàn hơi trong thùng kín.
  • Nối đất bảo vệ phần kim loại của thiết bị hàn điện cũng như các kết cấu và sản phẩm hàn.
  • Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị chứa khí hàn hàn hơi.

Công tác hoàn thiện

  • Không sử dụng thang để làm công tác hoàn thiện ở trên cao, trừ trường hợp làm trong phòng kín với chiều cao không quá 3,5 m.
  • Phải đảm bảo ngắt điện hoàn toàn trước khi trát, sơn, dán giấy hoặc ốp các tấm lên trên bề mặt của hệ thống điện.
  • Khu vực gia công đá ốp bề mặt phải có rào chắn và biển cấm.
  • Khi nâng hạ, chuyển dịch và lắp các tấm kính ở trên cao phải làm sàn che bảo vệ cho những vị trí nằm trực tiếp bên dưới hoặc phải có rào ngăn và biển cấm khu vực đó.
  • Không được tựa thang vào mặt kính hoặc các khung cửa đã lắp kính.
  • Không được làm các công việc hoàn thiện đồng thời ở hai hay nhiều tầng trên một phương thẳng đứng nếu ở giữa các tầng không có sàn che chắn bảo vệ.