Thông tin thị trường lao động châu Á – Thái Bình Dương

Tương lai nào cho ngành dệt may châu Á hậu COVID-19?

Khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp dệt may toàn cầu và không đâu có thể cảm nhận điều này rõ hơn ở châu Á, là nơi lĩnh vực này tập trung chủ yếu. Tóm tắt nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế đã đưa ra đánh giá tương lai ngành dệt may châu Á, đại dịch đang định hình xu hướng của ngành công nghiệp này như thế nào và cơ hội cho một tương lai có sức chống chịu tốt hơn, bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm.

Tin | Ngày 04 tháng 8 năm 2021
Sản xuất dệt may tại châu Á. © ILO/M. Crozet
BANGKOK - Theo một báo cáo nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới công bố, ngành dệt may có thể có một tương lai tươi sáng nếu được khôi phục từ đại dịch COVID-19 trên nền tảng đối thoại xã hội và các cơ chế bảo vệ người lao động vững chắc hơn cũng như tăng cường đầu tư vào kỹ năng, năng suất và cơ sở hạ tầng.

Báo cáo Ngành dệt may châu Á hậu COVID-19 phản ánh cách thức mà đại dịch định hình những xu hướng toàn cầu chính quyết định tăng trưởng và tính bền vững của lĩnh vực này. Báo cáo cũng xem xét cách thức mà các bên liên quan chính, như các nhãn hàng toàn cầu và các đơn vị bán lẻ, ra quyết định trong thời kỳ khủng hoảng đã và đang để lại những hệ quả lâu dài như thế nào đối với người lao động và chuỗi cung ứng và hành động của họ có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong việc định hình và quyết định hướng đi của ngành công nghiệp này trong những năm tới.

Trong số đó, những xu hướng chính kỳ vọng sẽ tái định hình ngành công nghiệp này sau đại dịch là tính tập trung thị trường tiếp tục được duy trì, sự thống nhất giữa bên bán và các nhà cũng ứng cũng như việc chuyển dịch công đoạn thuê gia công ra khỏi Trung Quốc đại lục. Kỳ vọng mức độ tự động hóa sẽ tiếp tục tăng lên mặc dù với tỷ lệ tương đối khiêm tốn.

Ngành dệt may châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động, các nhãn hàng và người tiêu dùng cần phải đưa ra những lựa chọn đúng đắn để một ngành công nghiệp có sức chống chịu tốt hơn, bền vững hơn và lấy con người làm trung tâm có thể phục hồi và phát triển."

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương
Việc tái cơ cấu ngành có khả năng tác động không đồng đều tới người lao động. Lĩnh vực sản xuất có khả năng vẫn sẽ bị chi phối bởi các nhà sản xuất toàn cầu có quy mô lớn và được trang bị vốn tốt nhận được những đơn hàng lớn hơn từ các nhãn hàng toàn cầu có ưu thế lớn. Trong bối cảnh tuân thủ xã hội và môi trường ở mức độ cao là đặc điểm của những mối quan hệ đối tác “chiến lược” giữa bên mua và bên bán như vậy, thực sự có thể các cơ hội việc làm thỏa đáng sẽ được mở rộng hơn nữa. Tuy nhiên, không thể đảm bảo sẽ đạt được những lợi ích này trên phạm vi rộng hơn do việc hình thành một ngành công nghiệp song tốc trong những năm tới ngày một rõ ràng hơn.

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn tới tương lai châu Á trên phương diện là điểm đến cung cấp dịch vụ gia công dài hạn bền vững. Hiện tượng nước biển dâng và thời tiết cực đoan sẽ tác động tới các nhà cung ứng và các công xưởng có quy mô trải rộng thuộc các trung tâm sản xuất hàng may mặc của khu vực được dự báo tới năm 2030 sẽ bị ngập hoàn toàn dưới nước. Mức độ căng thẳng do nhiệt ngày càng lớn hơn do nhiệt độ tăng cao có thể sẽ làm giảm sự an toàn, sức khỏe thể chất tinh thần và năng suất của người lao động.

Báo cáo tóm tắt cũng chỉ ra khoảng cách giới vốn đã tồn tại lâu nay trong ngành công nghiệp này và gánh nặng không cân xứng mà lao động nữ phải gánh vác trong đại dịch. Nếu không có những biện pháp can thiệp chính sách có tính mục tiêu trong công cuộc phục hồi, nhiều phụ nữ sẽ tiếp tục phải đối diện với sự phân biệt đối xử trong lao động, đồng thời có khả năng phải chịu thua thiệt khi các cơ hội việc làm yêu cầu trình độ nghề thấp hơn trong lĩnh vực này bị thu hẹp.

Công tác quản trị lao động, cả ở cấp quốc gia và xuyên suốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là vấn đề đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của ngành dệt may tại châu Á. Nỗ lực trong công tác lập pháp để điều tiết chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng được mở rộng, đặc biệt là từ các nước thuê gia công với việc bắt buộc thực hiện pháp luật về quyền con người và trách nhiệm về môi trường cũng như các điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại ngày càng được nhấn mạnh, sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với vấn đề này.

Các kịch bản cho tương lai

Bằng cách dựng biểu đồ quỹ đạo của ngành dệt may trước đại dịch và dự báo những thay đổi có thể xảy ra trong định hướng phát triển, báo cáo đã đặt ra ba kịch bản cho tương lai ngành, được gọi là kịch bản lặp lại, khôi phục lại và thương lượng lại.

Kịch bản lặp lại dự báo những thay đổi mang tính mục tiêu hay cải cách về cơ cấu ngành nếu có, cũng sẽ không nhiều. Khi một số doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và lĩnh vực hoạt động đa dạng hơn phục hồi mạnh mẽ hơn và có sức chống chịu tốt hơn từ quá trình củng cố ngành sau khủng hoảng, một số lao động sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường kỹ năng, mở rộng cơ hội, mức lương và điều kiện làm việc được cải thiện. Tuy nhiên, khả năng đối tượng tác động sẽ chỉ là số ít do nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ, có thể bị chuyển việc hay vẫn mắc kẹt trong những công việc chất lượng thấp kèm theo tình trạng thâm hụt việc làm thỏa đáng vẫn phổ biến.

Kịch bản thứ hai khôi phục lại hình dung sẽ có nhiều thay đổi trong cơ cấu ngành và thói quen thuê gia công do các yếu tố bên ngoài thúc đẩy và đơn thuần là được đáp ứng tối thiểu trừ thay đổi trong công tác quản trị. Kịch bản này dự báo sự phân nhánh rõ ràng hơn về kết quả đối với người lao động – mà ở đó rất ít người được hưởng lợi từ những cải thiện trong công tác quản trị ở những doanh nghiệp lớn và chính thức, còn phần đông lao động đứng trước nguy cơ cao hơn của việc quyền lao động bị vi phạm hay mất việc do cải tiến công nghệ.

Cuối cùng là kịch bản thương lượng lại, lạc quan hơn và mang tính chuyển đổi hơn. Kịch bản này dự báo sẽ có những cải cách chuỗi cung ứng có tính mục tiêu và trên phạm vi rộng mà ở đó vấn đề bền vững xã hội và môi trường là trọng tâm của các mô hình kinh doanh sau đại dịch. ILO nhìn nhận đây là cách khả thi duy nhất để xây dựng một tương lai lấy con người làm trung tâm cho ngành, vừa mang tính bền vững trong dài hạn vừa đảm bảo mang lại lợi ích công bằng hơn trên phạm vi rộng cho tất cả các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, mức độ ngành sẽ cải thiện điều kiện làm việc trên phạm vi rộng, tức là không chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất lớn nhất và tốt nhất, ít nhất sẽ phụ thuộc phần nào vào sự cải thiện trong công tác quản trị và sự hiện diện của các công đoàn độc lập có khả năng thương lượng để cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc một cách hiệu quả.

Tóm tắt nghiên cứu này được phối hợp thực hiện bởi Better Work, Ban Phân tích Kinh tế và Xã hội cấp khu vực của ILO, Dự án Việc làm Bền vững trong Chuỗi cung ứng Dệt may châu Á của ILO do Thụy Điển tài trợ và Dự án Đối thoại mới tại Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp thuộc Đại học Cornell. Báo cáo tóm tắt này được xây dựng dựa trên nghiên cứu sâu được xuất bản trong Tài liệu Thảo luận của Better Work do Jason Judd và J. Lowell Jackson thực hiện kèm theo Hiệu ứng gợn sóng trong chuỗi cung ứng: đại dịch COVID-19 đang tác động như thế nào tới công nhân và các nhà máy dệt may tại châu Á và Thái Bình Dương.