Chuyên gia ILO đề xuất hành động để cải thiện tuân thủ pháp luật lao động trong các DNNVV ở Việt Nam

Thương mại có thể giúp cải thiện năng suất và điều kiện làm việc.

Tin | Ngày 10 tháng 4 năm 2021
HÀ NỘI – Hội nghị bàn tròn do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tổ chức đã thảo luận những cơ hội từ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Diễn ra vào ngày 26 tháng 3 năm 2021 tại Hà Nội, sự kiện “Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA” cũng đã thảo luận câu hỏi làm thế nào để các DNNVV có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế và cải thiện tình hình tuân thủ pháp luật lao động.

Tại hội nghị, ông Stephan Ulrich, Quản lý khu vực của Chương trình Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) thuộc ILO đã nhấn mạnh sự đa dạng của khu vực DNNVV tại Việt Nam.

Có khoảng 50.000 doanh nghiệp với quy mô trên 10 người lao động. Nhiều công ty trong số này được tổ chức tốt, có quy trình hoạt động tốt, có một số chức năng quản lý cấp trung và nhân sự."

Ông Stephan Ulrich, Quản lý khu vực của Chương trình Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) thuộc ILO
“Có khoảng 50.000 doanh nghiệp với quy mô trên 10 người lao động. Nhiều công ty trong số này được tổ chức tốt, có quy trình hoạt động tốt, có một số chức năng quản lý cấp trung và nhân sự,” ông nói.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ hơn, ông nói thêm. Có khoảng 700.000 doanh nghiệp chính thức sử dụng dưới 10 nhân công, tương đương con số trung bình 2,5 lao động cho một doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một khu vực đang phát triển mạnh là các hộ kinh doanh, không được định nghĩa là DNNVV theo Luật DNNVV. Có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, sử dụng 8 triệu người lao động và khu vực này cũng xuất khẩu. Một dẫn chứng là các làng nghề của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD.

Về thách thức tuân thủ, các doanh nghiệp tư nhân trong nước sử dụng 30% lao động theo hình thức phi chính thức. Ở các hộ kinh doanh, tỷ lệ này là trên 50%. Việc làm phi chính thức có nghĩa là người lao động không được bảo vệ bởi an sinh xã hội và không được tích lũy để nhận lương khi về hưu.

Các mối quan tâm khác về quyền lao động bao gồm an toàn lao động, làm thêm quá nhiều thời gian, công việc không ổn định cho phụ nữ và khả năng tiếp cận công lý trong trường hợp quyền của người lao động bị vi phạm.

Có bằng chứng cho thấy thương mại giúp cải thiện năng suất và điều kiện làm việc. Theo báo cáo của ILO về Triển vọng việc làm và xã hội thế giới năm 2017, hoạt động xuất khẩu giúp các công ty đạt năng suất cao hơn và có xu hướng trả lương cao hơn.

Ông Ulrich đánh giá rằng Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam là một bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy tiến độ mở rộng việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Với khung pháp lý vững chắc đã có, ông đề xuất năm hành động để cải thiện sự tuân thủ luật lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
  1. Thực hiện thanh tra lao động mạnh mẽ hơn để nâng cao tính công bằng giữa các DNNVV tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các công ty vi phạm pháp luật.
  2. Mở rộng diện phủ an sinh xã hội cho người lao động theo hướng phù hợp với ngân sách của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khả năng của người lao động.
  3. Hỗ trợ thông qua các hiệp hội DNNVV – những tổ chức đã và đang đóng vai trò mạnh mẽ trong việc vận động chính sách và là có khả năng phát triển nhiều hơn nữa các dịch vụ dành cho DNNVV.
  4. Các chương trình về tuân thủ riêng của doanh nghiệp mua hàng quốc tế và các thương hiệu quốc tế nên bao gồm các yêu cầu và hỗ trợ dành riêng cho DNNVV. Các doanh nghiệp mua hàng cũng nên rà soát các phương thức tìm nguồn cung ứng để đảm bảo các phương thức này không gây bất lợi cho DNNVV.
  5. Các chương trình hỗ trợ DNNVV như Chương trình SCORE của ILO đang triển khai tại Việt Nam với sự phối hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan hỗ trợ DNNVV của chính phủ tại khu vực miền Bắc.