Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế

Công ước số 1: Bước ngoặt về quyền của người lao động

100 trước đây, Hội nghị Lao động Quốc tế đầu tiên đã thông qua Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế đầu tiên về thời giờ làm việc. Để kỷ niệm cột mốc quan trọng này, chuyên gia về Thời giờ làm việc của ILO, ông Jon Messenger, kể lại lịch sử của Công ước này và những tác động mà Công ước mang lại.

Bài viết | Ngày 17 tháng 10 năm 2019
 

“Thời giờ làm việc” là vấn đề tác động tới tất cả chúng ta bất kể chúng ta làm việc gì và ở đâu. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng giới hạn về thời giờ làm việc chúng ta có được ngày nay được hình thành trên cơ sở Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế đầu tiên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – Công ước về Thời giờ làm việc (trong công nghiệp) năm 1919 (Công ước Số 1).

Trước khi chiến tranh bùng nổ vào năm 1914, giới hạn về thời giờ làm việc, nổi bật nhất là thời gian làm việc tối đa không quá 8 giờ một ngày – là một trong những yêu cầu cơ bản của phong trào công đoàn quốc tế. Khi chiến tranh kết thúc cùng với sự ra đời của ILO là một nội dung của Hiệp định Versailles, vấn đề này lại được tiếp tục đặt ra khi tình trạng bất ổn về lao động trên quy mô lớn có nguy cơ lan rộng ở một số quốc gia.

Hiến chương của ILO được quy định tại Điều 427 của Hiệp định Versailles, bao gồm tuyên bố rằng “hướng tới việc thông qua tiêu chuẩn ngày làm việc 8 giờ hay 48 giờ một tuần ở các quốc gia chưa đạt được mức này này” là vấn đề “có tính quan trọng đặc biệt và cấp thiết”.

Chỉ vài tháng sau đó, nội dung này đã được đưa vào chương trình nghị sự của Phiên họp đầu tiên của Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) tại Washington vào tháng 10 – tháng 11 năm 1919. Kết thúc hội nghị, nguyên tắc ngày làm việc 8 giờ đã được đưa vào Công ước đầu tiên được thông qua, Công ước về Thời giờ làm việc (trong công nghiệp) năm 1919. Xét đến việc tiêu chuẩn ngày làm việc 8 giờ đã bị bãi bỏ từ 5 năm trước đó vì không áp dụng được trong thực tế và không khả thi trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế, Công ước số 1 được thông qua là một thành tựu đáng chú ý – phong trào công đoàn đã thành công trong việc khiến mục tiêu quan trọng nhất của mình được quốc tế công nhận.

© Frans Persoon
Tuy nhiên, Công ước số 1 đã không được các Quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn rộng rãi như Tổng Giám đốc đầu tiên của ILO, ông Albert Thomas, đã từng hy vọng. Cuộc đại suy thoái đã khiến cho người sử dụng lao động lo ngại điều này sẽ dẫn tới chi phí lao động cao hơn. Hơn nữa, một số quốc gia thành viên và thậm chí một số quốc gia tham gia phong trào lao động, đặc biệt là Đức và Vương quốc Anh, cho rằng thời giờ làm việc có thể được giảm tốt nhất thông qua hoạt động của công đoàn và thương lượng tập thể hơn là bằng quy định pháp luật. Tính đến nay cũng mới chỉ có 46 trên tổng số 187 Quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn Công ước này. Tuy nhiên, mặc dù số lượng các quốc gia phê chuẩn Công ước còn thấp, Công ước số 1 cũng đã có tác động đáng kể trong việc mở rộng việc áp dụng nguyên tắc ngày làm việc 8 giờ.

Trước năm 1919, chỉ có bốn quốc gia đã phê chuẩn quy định ngày làm việc tám giờ, bao gồm Cuba năm 1909, Panama năm 1914, Uruguay năm 1915 và Ecuador năm 1916. Trong khoảng thời gian giữa Hiệp định Đình chiến tháng 11 năm 1918 và thời gian soạn thảo báo cáo chuẩn bị cho ILC tại Washington, quy định ngày làm việc tám giờ cũng đã được Áo, Séc và Slovakia, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Nauy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ ban hành ở phạm vi khác nhau.

Nguyên tắc ngày làm việc 8 giờ cũng được áp dụng rộng rãi hơn tại Vương Quốc Anh và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; hơn 4 triệu trong tổng số 12 triệu thành viên thuộc lực lượng lao động Anh Quốc đã được giảm thời giờ làm việc xuống còn 8 giờ một ngày. Ở Hoa Kỳ, số người lao động được ký thỏa thuận ngày làm việc 8 giờ tăng từ 172.000 người năm 1915 lên 1,14 triệu người năm 1918.

Ông Albert Thomas đã báo cáo rằng “trong các năm 1918 đến 1919, nguyên tắc ngày làm việc tám giờ, được công nhận trong các thỏa ước tập thể hay trong luật pháp, đã trở thành hiện thực ở hầu hết các nước công nghiệp”. Đến năm 1922, 48 giờ làm việc một tuần đã trở thành thông lệ chung, đặc biệt là trong ngành công nghiệp trên toàn Châu Âu và ở Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác thuộc châu Mỹ La tinh. Thậm chí thời giờ làm việc tại Nhật Bản và Ấn Độ cũng được giảm đáng kể.

Nhìn lại những năm đó, rõ ràng ILO và Công ước số 1 đã đóng vai trò động lực chính thúc đẩy nguyên tắc ngày làm việc tám giờ. Họ tiêu chuẩn hóa và thúc đẩy chính sách lao động, làm cho chính sách này được áp dụng rộng rãi và ngày nay tám giờ làm việc một ngày đã trở thành chuẩn tắc ở các quốc gia trên toàn thế giới.