CSR

Dự án mới thúc đẩy thực hành lao động có trách nhiệm xã hội tại Việt Nam

Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ sẽ tập trung vào ngành chế biến thủy sản và ngành chế biến gỗ, hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tin | Ngày 29 tháng 1 năm 2019
TP HCM – Một dự án mới vừa được triển khai nhằm thúc đẩy thực hành có trách nhiệm xã hội và các chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do kèm theo các điều khoản về lao động.

Vào ngày 15/1, ILO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khởi động dự án Chuỗi Cung ứng có Trách nhiệm tại Châu Á (RSCA) kéo dài ba năm do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ trong khuôn khổ Văn kiện Quan hệ đối tác. Dự án do ILO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đồng thực hiện, được triển khai tại sáu quốc gia châu Á – Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên EU, ILO và OECD cùng chung tay thúc đẩy thực hành có trách nhiệm xã hội và các chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững trên quy mô lớn.

Dự án sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp và Chính phủ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm (RBC). Tại Việt Nam, dự án chú trọng vào ngành chế biến thủy sản và chế biến gỗ, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chính sách và thực tiễn nhằm cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy việc làm bền vững tại các doanh nghiệp quốc tế và trong nước.

Dự án thực hiện hướng dẫn của Tuyên bố ba bên của ILO về các Doanh nghiệp Đa quốc gia và Chính sách Xã hội (Tuyên bố MNE), Tuyên bố 1998 của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động cũng như Hướng dẫn của OECD cho các Doanh nghiệp Đa quốc gia.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết, dự án được triển khai rất đúng thời điểm khi các tiêu chuẩn lao động trở thành một cấu phần không thể tách rời của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU- Việt Nam (EVFTA).

Ngành chế biến thủy sản và chế biến gỗ là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. “Đây là những ngành được đánh giá là có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường khi Việt Nam tham gia vào CPTPP và EVFTA.” ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI-HCM nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, tương ứng với 1,32% và tăng giá trị xuất khẩu tới 4,04% đến năm 2035. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, để được hưởng ưu đãi, Việt Nam cần phải tuân thủ các cam kết phi thương mại, trong đó có cả các điều khoản về lao động.

Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động chi nhánh VCCI-HCM, nhấn mạnh rằng các thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả các doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Trong khuôn khổ dự án mới, ngày 17/1, ILO cùng Phòng Thương mại Châu Âu (EUROCHAM) đã tổ chức sự kiện “CSR – Cùng nỗ lực, Cùng phát triển”, một hội thảo đánh giá thực tiễn về các thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội.

Tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận những thực tiễn tốt liên quan đến tiêu chuẩn lao động, cách thức các doanh nghiệp có thể cùng các cơ quan Chính phủ góp ý xây dựng chính sách và những đổi mới trong việc thực hiện những thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội.

Sự tham gia của các đại biểu khẳng định sự quan tâm và sự cần thiết phải đảm bảo quản lý có trách nhiệm các chuỗi cung ứng từ góc độ việc làm bền vững và do đó là cần không gian lớn hơn để thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội, công đoàn, và cộng đồng quốc tế.

Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hoạt động mà ILO dự kiến sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI, EUROCHAM và các đối tác chính khác nhằm thúc đẩy những thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội tại Việt Nam.