Better Work Việt Nam

Quan hệ đối tác đóng vai trò quan trọng với tương lai của chuỗi cung ứng bền vững

Chương trình Việc làm Tốt hơn (Better Work) và các đối tác trong ngành dệt may Việt Nam cùng gặp gỡ để thảo luận về tính bền vững trong thời kỳ nhiều biến động.

Tin | Ngày 04 tháng 10 năm 2018
© ILO
TP HCM – Mở rộng quan hệ đối tác công tư để tăng cường tính bền vững của ngành là một trong những chủ đề then chốt được thảo luận tại một hội nghị giữa các nhãn hàng, Chính phủ và các đối tác khác trong ngành dệt may. Các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên lần thứ 9 của Better Work Việt Nam được tổ chức vào ngày 28/9 đều nhất trí rằng hành động chung nhằm giải quyết những thách thức quan trọng của ngành trở nên áp lực hơn xét đến bối cảnh bất ổn bên ngoài, chưa nói đến những căng thẳng thương mại leo thang trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế nổi tiếng, bà Phạm Chi Lan, đã phản ánh vấn đề này và đề cập đến những xu hướng toàn cầu lớn khác, trong đó có tự động hóa và số hóa, đã và đang có những tác động sâu sắc đến cơ cấu sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới.

Cùng với dân số già hóa và khoảng trống về năng suất và kỹ năng, bà Phạm Chi Lan cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư có thể là công cụ hữu hiệu giúp thúc đẩy sự chuyển dịch sang một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn, năng động hơn và hòa nhập xã hội tốt hơn.

Đó là thông điệp mà bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ: “Trong tương lai, sự thành công của doanh nghiệp sẽ không chỉ được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế mà còn dựa trên khả năng doanh nghiệp đó có thể đáp ứng nhu cầu của con người, hành tinh và lợi nhuận”. Bà cho biết “Để giải quyết được thách thức này, tất cả các bên liên quan cần phải đồng lòng, như vậy chúng ta mới có một môi trường pháp lý hỗ trợ cả người lao động và doanh nghiệp và một văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy sự bền vững”.

Hội nghị thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may và da giày trong nước, bao gồm các tổ gia công có trách nhiệm và các doanh nghiệp sản xuất dệt may đang hoạt động trong nước. Hội nghị chia sẻ những tầm nhìn chiến lược và xác định các cơ hội hợp tác để tái cấu trúc chuỗi cung ứng và đặt trách nhiệm xã hội ở trung tâm của hành vi doanh nghiệp.

Đại diện từ Nike và Esquel Garments tại Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn của doanh nghiệp về tính bền vững trong những năm tới, cùng với đó Better Work cũng chia sẻ cụ thể về những sáng kiến trong chiến lược năm năm mới nhằm củng cố quan hệ đối tác công-tư và thúc đẩy tính sở hữu của quốc gia đối với các mô hình Better Work. Chương trình Học viện Better Work và Tạo dựng kết nối đã và đang giúp nâng cao năng lực của đại diện các nhãn hàng và cán bộ Nhà nước nhằm nhân rộng các công cụ và cách tiếp cận của Better Work trong toàn ngành.

Lần đầu tiên sự kiện năm nay có sự tham dự của đại diện Chính phủ và các đối tác xã hội. Phát biểu về quan hệ công-tư hiệu quả, Chánh thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Nguyễn Tiến Tùng, đánh giá cao việc chương trình Better Work đã sớm khởi động đối thoại xã hội ở cấp doanh nghiệp, nội dung sau đó được đưa vào luật lao động, cũng như gần đây tăng cường phối hợp (với Thanh tra Bộ Lao động) nhằm thúc đẩy kỹ năng thanh tra và cùng quản lý các nhà máy có tình trạng không tuân thủ pháp luật kéo dài.

Cựu Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mai Đức Chính, người vừa kết thúc nhiệm kỳ, kêu gọi sự đầu tư chung lớn hơn trong việc đào tạo lực lượng lao động để đối phó với thách thức về năng suất lao động, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thương lượng tập thể là phương thức giúp người lao động có được điều kiện làm việc tốt hơn. Đây là một trong một số nội dung sẽ được chú trọng hơn trong quá trình sửa đổi luật lao động đang thực hiện, do vậy cần thiết phải hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp để giúp họ đáp ứng và tuân thủ trong tương lai. Đó cũng là lĩnh vực ưu tiên chính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký, cho biết.

Kết luận hội nghị, bà Hồng Hà khích lệ sự đồng thuận ngày càng cao giữa các bên liên quan. “Tôi rất vui mừng chứng kiến các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, hợp tác với VCCI và các bên hữu quan nhằm tìm cách nâng cấp và cải thiện hiệu suất trên các chuỗi cung ứng có trách nhiệm”, bà cho biết. Bà cũng nhấn mạnh cam kết của Better Work trong việc tạo kết nối cho những đối thoại hiện có và sự hợp tác đối với những mối quan tâm chính trong ngành như tiến trình cải cách pháp luật lao động và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động.

Tầm quan trọng của vai trò kết nối của chương trình cũng được đại diện các nhãn hàng khẳng định. Ông Sean Jung, Giám đốc Khu vực về Trách nhiệm Toàn cầu của Công ty Gap Inc, ghi nhận rằng thông qua kết nối các đối tác trong ngành, Better Work đóng vai trò là một đối tác tin cậy có thể nâng cao và nhân rộng tác động hơn nhiều khi doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ.