Câu chuyện doanh nghiệp

Bà Trương Thị Mai đề nghị nhân rộng mô hình các chương trình của ILO

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm các nhà máy tham gia Better Work Việt Nam và chương trình Đào tạo SCORE, tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động.

Tin | Ngày 13 tháng 11 năm 2017

HÀ NỘI – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trương Thị Mai, mong muốn nhân rộng mô hình của các chương trình của ILO trong ngành dệt may và chế biến gỗ với mục đích tăng cường tuân thủ pháp luật lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bà Mai thăm Công ty cổ phần may mặc Bình Dương (Protrade) và Công ty TNHH Tường Văn chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong khuôn khổ đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương tại tỉnh Bình Dương vào ngày 10/11.

Bà đánh giá cao nỗ lực của công ty Protrade, đặc biệt là việc thực thi pháp luật và đảm bảo quyền lợi người lao động thông qua thỏa ước lao động tập thể có nhiều điểm cao hợn quy định. Đồng thời, bà nêu bật tầm quan trọng vai trò của thương lượng tập thể trong việc đảm bảo liên tục cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc thông qua đàm phán tự nguyện.

Với 2.300 công nhân, trong đó 60% là nữ giới, năm 2009, Protrade tham gia Better Work Việt Nam (BWV), một chương trình hợp tác của ILO/IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế). Các dịch vụ và hỗ trợ nhà máy của BWV được đánh giá cao về chất lượng, thông qua việc giúp nâng cao tỷ lệ tuân thủ pháp luật nói chung trong ngành may mặc, trong đó đối thoại xã hội là chìa khóa của sự thành công. Một nghiên cứu độc lập cho thấy các nhà máy của BWV không chỉ trở thành môi trường làm việc an toàn hơn, năng suất hơn đối với người lao động mà doanh nghiệp đồng thời đạt thêm nhiều lợi nhuận và phát triển bền vững hơn.

Là nơi tạo việc làm cho 250 người lao động, Tường Văn tham gia chương trình Đào tạo SCORE (Phát triển doanh nghiệp bền vững) vào năm 2014, và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: thời gian chu kỳ sản xuất giảm 1/3 trong khi thu nhập hàng năm tăng đều đặn. Chương trình Đào tạo SCORE tập trung khuyến khích sự tham gia và cam kết của người lao động nhằm cải thiện hợp tác tại nơi làm việc, đối thoại xã hội và năng lực cạnh tranh. Qua đó, chương trình đã giúp tăng năng suất lao động và mang lại điều kiện làm việc tốt hơn tại các nhà máy. Các chuyên đề đào tạo của SCORE đã được VCCI và các hiệp hội ngành đưa vào chương trình đào tạo thường xuyên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng tham gia chuyến thăm của bà Trương Thị Mai, Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, cho biết: “Bằng chứng nghiên cứu trên toàn cầu đã cho thấy rằng đối thoại xã hội và quan hệ lao động hiệu quả tại nơi làm việc giúp mang lại năng suất lao động cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.”

Ông nhấn mạnh rằng để có thể tăng năng suất bền vững, cần có một cơ chế quan hệ lao động hiệu quả, ví dụ như thương lượng tập thể. Cơ chế này sẽ giúp người lao động được chia sẻ thành quả của tăng năng suất lao động.

Ghi nhận những tác động tích cực của BWV và chương trình Đào tạo SCORE, bà Mai đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng các chương trình, dự án của ILO trong thời gian tới, đồng thời hy vọng rằng các mô hình này sẽ được triển khai tại các địa phương khác trên cả nước.

Công đoàn, tiền lương, năng suất và kỹ năng
Trong chuyến thăm các doanh nghiệp, bà Mai nhấn mạnh về nhu cầu đại diện tập thể tại cấp doanh nghiệp.

“Cần thiết phải có tổ chức công đoàn để đại diện cho người lao động,” bà phát biểu. Bà giải thích rằng người sử dụng lao động không thể có thời gian tiếp xúc trực tiếp với từng người trong số hàng trăm công nhân của mình.

Tuy nhiên, bà lưu ý thành viên ban chấp hành công đoàn tại cơ sở nên là những người thực sự đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của người lao động, độc lập với Ban giám đốc.

Người đứng đầu của ILO Việt Nam đồng ý với quan điểm này. Ông khẳng định một điều kiện tiên quyết cho hoạt động công đoàn hiệu quả tại nơi làm việc là không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động. Đây cũng là yêu cầu của các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Tiền lương là một chủ đề khác Trưởng Ban Dân vận Trung ương quan tâm trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương. Bà ghi nhận nhu cầu tiếp tục tăng lương tối thiểu để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, lương tối thiểu cần được tham chiếu tốt hơn với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Và đối với những người lao động trên mức lương tối thiểu, tiền lương cần gắn với năng suất lao động.

Phát biểu về vấn đề đào tạo nghề, bà ghi nhận rằng Chính phủ nên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo cho người lao động, và mô hình hơp tác công tư (PPP) có thể giúp cải thiện kỹ năng của người lao động một cách thiết thực và hợp lý về chi phí.

Chương trình BWV hiện được tài trợ bởi Chính phủ Ireland, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Bộ Ngoại giao Hà Lan, và một số hoạt động được tài trợ bởi Bộ Lao động Mỹ (USDOL) và Bộ Phát triển Việc làm và Xã hội của Canada (ESDC).

Chương trình SCORE nhận hỗ trợ về tài chính từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Na-uy (NORAD) và SECO.