MNE

Khởi động liên minh doanh nghiệp điện tử thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động

Mục tiêu cuối cùng của Liên minh là góp phần tạo việc làm ngày càng nhiều và tốt hơn đồng thời cải thiện các mối quan hệ lao động trong ngành điện tử Việt Nam.

Tin | Ngày 20 tháng 10 năm 2017
HÀ NỘI - Liên minh các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các thực hành lao động có trách nhiệm với xã hội trong ngành điện tử Việt Nam đã chính thức ra mắt ngày 20/11.


Mục tiêu cuối cùng của liên minh là góp phần tạo việc làm ngày càng nhiều và tốt hơn đồng thời cải thiện các mối quan hệ lao động trong ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Liên minh được kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn đối thoại giữa các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), các công ty trong nước và hiệp hội doanh nghiệp nhằm trao đổi những thực hành tốt tại nơi làm việc. Liên minh cũng sẽ thu thập, đồng thời đại diện cho tiếng nói của ngành điện tử trong một cuộc đối thoại chính sách rộng hơn với các bên liên quan khác, và cùng hành động giải quyết những thách thức mà ngành phải đối mặt.

Liên minh là một sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam(VEIA) với sự hỗ trợ của ILO và chính phủ Nhật Bản.

"Việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực lao động không chỉ hiệu quả trong việc làm tăng danh tiếng của doanh nghiệp, mà thực tế còn có thể giúp doanh nghiệp hình thành các kinh nghiệm hay và có tính bền vững," Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho biết. "Doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật lao động cũng như các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ nhận được những đánh giá cao từ các khách hàng quốc tế, tạo thuận lợi cho việc gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các khách hàng này."

Ngành điện tử Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong nhiều năm qua. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 500.000 lao động, so với 327.000 trong năm 2013 và 6.000 trong năm 2005.

Ngành điện tử Việt Nam chủ yếu do các MNE từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, thống lĩnh, trong khi đó các doanh nghiệp nội địa chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động hẹp, phần lớn là khâu lắp ráp thâm dụng lao động.

Nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra rằng trong số 100 doanh nghiệp điện tử lớn nhất Việt Nam thì 99 là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp còn lại (đứng thứ 100) là một doanh nghiệp nhà nước. Tốp 20 doanh nghiệp đứng đầu chiếm tới một nửa tổng số lao động trong ngành.

Hoạt động của cácMNE ngành điện tử liên kết lỏng lẻo với các doanh nghiệp trong nước do thiếu sự phát triển của cách ngành công nghiệp phụ trợ nội địa.

Tuy nhiên cũng đã có những trường hợp doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc tham gia chuỗi giá trị điện tử toàn cầu do các MNE đứng đầu.

"Sự phối hợp giữa MNE và các nhà cung cấp (được xây dựng và duy trì thông qua đối thoại thường xuyên) là một trong những nguồn lực giúp tăng cường tính cạnh tranh của toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời là ví dụ điển hình về liên kết giữa các hoạt động lao động có trách nhiệm với xã hội với năng lực của doanh nghiệp" Giám đốc ILO Việt Nam, ông Chang-Hee Lee, cho biết. "Một mối quan hệ hợp tác hài hòa giữa các MNE và doanh nghiệp trong nước chính là điều ILO hy vọng sẽ được nhân rộng tại Việt Nam."

Điều này phù hợp với Tuyên bố ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan tới doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội, trong đó đưa ra những hướng dẫn chính sách giúp tối ưu hóa đóng góp tích cực của các MNE đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể có. Tuyên bố này cũng đưa ra cụ thể vai trò và trách nhiệm của quốc gia đầu tư, quốc gia sở tại, MNE, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động để có thể hiện thực hóa trách nhiệm xã hội của MNE thông qua các hoạt động lao động và kinh doanh.