Việc làm phi chính thức

18 triệu lao động phi nông nghiệp Việt Nam là lao động phi chính thức

Lần đầu tiên, Việt Nam công bố báo cáo thống kê đầu tiên về việc làm phi chính thức.

Tin | Ngày 04 tháng 10 năm 2017
HÀ NỘI – Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức – chiếm tới 57% tổng số việc làm phi nông nghiệp trên cả nước.

Những phát hiện này được đưa ra trong báo cáo thống kê đầu tiên của Việt Nam về việc làm phi chính thức được Tổng Cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động – Xã hội công bố tại Hà Nội ngày 04/10. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của ILO. Các dữ liệu được đưa ra trong báo cáo được phân tích từ Báo cáo Điều tra Lao động – Việc làm kể từ năm 2014.

Hầu hết việc làm phi chính thức nằm trong các nhóm: công nghiệp chế biến – chế tạo, xây dựng, và bán buôn bán lẻ - sửa chữa ô tô, mô tô xe máy.

Trong lực lượng lao động có việc làm, hai nhóm tuổi có tỷ lệ lao động làm các công việc phi chính thức cao nhất độ tuổi từ 15 tới 24 (chiếm 60%) và độ tuổi từ 55 tới 59 trở lên (chiếm 69%) vào năm 2016.

“Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ việc làm phi chính thức cao tại Châu Á – Thái Bình Dương” – Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định. “Quá trình hỗ trợ chuyển đổi từ phi chính thức sang chính thức là một thách thức lớn, bởi một nửa lực lượng lao động toàn cầu hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức.”

Việc làm phi chính thức được định nghĩa là “người lao động làm các công việc mà, theo luật định hoặc trên thực tế, không được pháp luật lao động bảo vệ, không phải đóng thuế thu nhập hoặc không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ việc làm khác”.

Theo các tiêu chuẩn về thống kê lao động quốc tế, việc làm phi chính thức bao gồm tất cả các công việc phi chính thức trong cả các doanh nghiệp thuộc khu vực chính thức, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức hay hộ gia đình. Nói cách khác, việc làm phi chính thức là tất cả các công việc nằm trong và ngoài khu vực phi chính thức (nghĩa là ở các đơn vị kinh tế như khu vực chính thức và hộ gia đình làm sản xuất).

Lao động phi chính thức thường có đặc điểm là việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc dài. Họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho biết: “Rất nhiều hộ gia đình và những người lao động với thu nhập thấp đang nằm trong khu vực này.”

Báo cáo trên chỉ ra rằng 98% lao động phi chính thức hiện nay không được đóng bảo hiểm xã hội và mức lương trung bình của họ chỉ bằng 2/3 mức lương của lao động trong khu vực chính thức.