Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng 2017

ILO: Thế giới sẽ có thêm 3,4 triệu người thất nghiệp năm 2017

Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ở mức không mấy khả quan và thâm hụt về việc làm bền vững vẫn là vấn đề lớn.

Tin | Ngày 17 tháng 1 năm 2017
GENEVA – Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 5,7% lên 5,8% trong năm 2017, tương đương với thêm 3,4 triệu người thất nghiệp, một báo cáo mới của ILO cho thấy (bảng 1).

Số người thất nghiệp toàn cầu năm 2017 sẽ ở mức hơn 201 triệu – và dự báo sẽ tăng thêm 2,7 triệu trong năm 2018 – bởi tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động cao hơn tốc độ tạo việc làm, theo báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới – Xu hướng 2017 (WESO).

Bảng 1. Xu hướng thất nghiệp, việc làm dễ bị tổn thương và lao động nghèo và dự báo, 2016–2018

Ghi chú: Số liệu cho năm 2017 và 2018 là số liệu dự báo. Tỷ lệ lao động nghèo được định nghĩa là tỷ lệ dân số có việc làm sống nhưng trong tình cảnh nghèo cùng cực hoặc nghèo tương đối (chẳng hạn mức thu nhập hoặc tiêu thụ trên đầu người thấp hơn 3,1 USD/ngày).
* Số liệu của thế giới về lao động nghèo không bao gồm các nước phát triển.


Nguồn: Mô hình kinh tế lượng của ILO, tháng 11/2016.
“Chúng ta đang đối mặt với thách thức kép – vừa giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội toàn cầu, vừa tạo việc làm có chất lượng cho hàng chục triệu người mới gia nhập thị trường lao động mỗi năm,” Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, nhận định.

Ông cũng cho biết thêm: “Tăng trưởng kinh tế tiếp tục gây thất vọng và ở mức không mấy khả quan – cả về cấp độ và mức độ bao trùm. Điều này cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về kinh tế toàn cầu cũng như khả năng tạo đủ việc làm của nền kinh tế, chứ chưa nói đến công việc đảm bảo chất lượng. Việc các hình thức việc làm dễ bị tổn thương duy trì thường xuyên ở mức cao, kết hợp với việc thiếu cải thiện chất lượng việc làm – kể cả ở những nước con số này đang khá hơn – là dấu hiệu đáng báo động. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ một cách công bằng.”

Báo cáo cho thấy các hình thức việc làm dễ bị tổn thương – lao động gia đình không được hưởng lương và lao động tự làm – được dự báo sẽ vẫn cao hơn 43% tổng số việc làm, tương đương với 1,4 tỷ người trên thế giới trong năm 2017.

“Sự thực là, gần một nửa tổng số lao động ở các quốc gia mới nổi đang làm những công việc dễ bị tổn thương, và tỷ lệ này ở các nước đang phát triển là 4/5,” Chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO và tác giả chính của báo cáo, Steven Tobin, cho biết. Số người lao động làm các công việc dễ bị tổn thương được dự báo sẽ tăng thêm 11 triệu mỗi năm, và khu vực Nam Á và Châu Phi hạ Sahara sẽ là những nơi có tỷ lệ cao nhất.

Các xu hướng vùng đối lập

Các tác giả cũng cảnh báo rằng các thách thức về thất nghiệp đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-be nơi những vết sẹo của cuộc suy thoái gần đây sẽ vẫn còn hằn sâu trong năm 2017, cũng như ở khu vực Châu Phi hạ Sahara nơi vẫn ở mức tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỷ qua. Cả hai khu vực này đều phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng dân số bước vào độ tuổi lao động.

Ngược lại, thất nghiệp sẽ giảm trong năm 2017 tại các nước phát triển xuống mức 6,2% (từ 6,3%). Nhưng tốc độ cải thiện đang giảm dần và hiện đang xuất hiện dấu hiệu của thất nghiệp cơ cấu. Ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ, thất nghiệp dài hạn vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước khủng hoảng, và ở trường hợp của Châu Âu, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp nói chung giảm đi.

Thiếu việc làm bền vững tạo nên bất mãn trong xã hội và làn sóng di cư

Một xu hướng quan trọng khác được nhấn mạnh trong báo cáo là tốc độ giảm lao động nghèo đang chậm lại, đe dọa khả năng hoàn thành mục tiêu xóa nghèo trong Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Số người lao động có thu nhập dưới 3,10 USD/ngày được dự kiến sẽ còn tăng thêm 5 triệu người trong vòng hai năm tới ở các nước đang phát triển.

Đồng thời, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng bất ổn toàn cầu và thiếu việc làm bền vững, cùng các yếu tố khác, đang tạo nên bất ổn xã hội và làn sóng di cư tại nhiều nơi trên thế giới.

Từ 2009 đến 2016, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẵn sàng di cư ra nước ngoài đã tăng ở hầu hết các khu vực trên thế giới, ngoại trừ Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Nơi có sự gia tăng lớn nhất là tại khu vực Mỹ Latin, Ca-ri-be và các nước Ả-rập.

Kêu gọi hợp tác quốc tế

Quay trở lại việc khuyến nghị chính sách, các tác giả của báo cáo dự báo rằng việc phối hợp nỗ lực để tạo ra kích thích tài khóa kinh tế và tăng đầu tư công phù hợp với khả năng tài khóa của các quốc gia, sẽ trở thành cú hích cho bộ máy kinh tế toàn cầu và giảm 2 triệu người thất nghiệp trên thế giới trong năm 2018 so với sự báo ban đầu.

Tuy nhiên, nỗ lực như vậy cần phải có sự hợp tác quốc tế.

"Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách công bằng và toàn diện đòi hỏi tiếp cận chính sách nhiều mặt có thể giải quyết những nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng trì trệ dai dẳng như bất bình đẳng thu nhập, đồng thời có tính đến đặc thù của từng quốc gia," ông Tobin cho biết.