Q&A

Tại sao năng suất lao động lại quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế?

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, giải thích về ý nghĩa của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với năng suất lao động của Việt Nam và Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm của những nước láng giềng.

Tin | Ngày 28 tháng 1 năm 2015

1. Tại sao năng suất lao động lại quan trọng?
 


Năng suất lao động quan trọng ít nhất ở 4 điểm sau:
  • Thứ nhất, năng suất lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế có năng suất cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào,
hoặc
  • Sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn.

Thứ hai, năng suất lao động ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
  • Đối với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư.
  • Đối với người lao động tăng năng suất lao động dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm.
  • Đối với Chính phủ, tăng năng suất lao động giúp tăng nguồn thu từ thuế.

Thứ ba, thực tế năng suất lao động của Việt Nam hiện nay là một yếu tố quan trọng.

Trong 2 thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình khoảng 4,5% mỗi năm – tốc độ nhanh nhất trong số các nước ASEAN. Vì thế, Việt Nam đã thu hẹp phần nào khoảng cách tương đối với các nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức.
  • Năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn ở gần mức đáy trong số các nước ASEAN.
  • Nếu giữ nguyên tốc độ tăng năng suất lao động gần đây, Việt Nam sẽ chỉ đuổi kịp Philippines vào năm 2038, Thái Lan vào năm 2069 và mất nhiều thời gian hơn nữa để bắt kịp với nhiều nước khác.
Thứ tư, già hóa dân số và hội nhập kinh tế quốc tế cũng là những vấn đề cần được cân nhắc.
  • Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những vấn đề về già hóa dân số như ở Nhật Bản hiện nay. Việc nhanh chóng thúc đẩy tăng năng suất lao động là cách duy nhất giúp Việt Nam đạt được sự thịnh vượng trước khi dân số Việt Nam già đi.
  • Cuối cùng, việc hội nhập kinh tế sâu rộng, bao gồm sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sẽ mang lại nhưng cơ hội cũng như những thách thức mới đối với Việt Nam.

2. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có ý nghĩa như thế nào đối với năng suất lao động của Việt Nam?

Việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tăng các dòng thương mại và đầu tư. Nhờ vậy, tốc độ thay đổi cấu trúc từ các ngành có năng suất lao động thấp hơn sang các ngành có năng suất lao động cao hơn sẽ gia tăng. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế dựa trên năng suất lao động cao hơn.

Theo nghiên cứu của ILO và ADB được xuất bản năm vừa rồi, Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn từ quá trình hội nhập ASEAN. Nếu có được sự quyết tâm và những chính sách đúng đắn, GDP của Việt Nam có thể tăng 14,5% vào năm 2025 trong khuôn khổ AEC, so với không tăng cường hội nhập; việc làm có thể tăng thêm 10,5%; và năng suất lao động có thể tăng hơn gấp hai lần vào năm 2025.

Một số cơ hội và thách thức đi kèm với AEC bao gồm:

Thứ nhất, với hơn 40% lực lượng lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp, sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp vốn có năng suất lao động thấp sang các ngành dịch vụ và công nghiệp có năng suất lao động cao hơn vẫn là một phương thức tăng năng suất lao động cho cả nền kinh tế. Nhưng phương thức này sẽ dần dần không còn tác dụng nữa bởi việc làm trong ngành nông nghiệp sẽ thu hẹp lại và dân số sẽ già hóa. Bởi vậy, cần phải tập trung vào cải thiện năng suất lao động “theo ngành” (bằng cách cải thiện quản lý, công nghệ, tổ chức công việc, nghiên cứu phát triển để tăng tính hiệu quả). Tăng năng suất lao động “theo ngành” sẽ trở thành nhân tố chính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội về dài hạn.

Thứ hai, chế biến thực phẩm và dệt may chiếm tới hơn một nửa tổng số việc làm trong ngành công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Vì các ngành thuê nhiều nhân công này đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng người lao động, bao gồm cả những người lao động từ các khu vực nông nghiệp và nông thôn, năng suất lao động của các ngành công nghiệp đó cần phải được cải thiện. Một điều quan trọng không kém là công nghiệp chế tạo phải được đa dạng hóa hơn nữa và hướng tới các tiểu ngành có năng suất lao động cao hơn và có giá trị gia tăng cao hơn. Việc đa dạng hóa và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn đóng vai trò chủ chốt đối với tăng trưởng xuất khẩu bền vững và tạo ra sự thịnh vượng trong quá trình hội nhập về lâu dài.

Thứ ba, cùng với quá trình hội nhập kinh tế ASEAN, nhu cầu đối với việc làm có kỹ năng trung bình sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Điều này đòi hỏi sự cải thiện chất lượng giáo dục trung học và đào tạo nghề. Luật Giáo dục Nghề nghiệp mới đây tạo một nền tảng vững chắc, nhưng làm thế nào để thực thi luật có ý nghĩa quan trọng, và cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa ngành giáo dục và doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một phần lớn số lượng các việc làm. Vậy nên, giúp các doanh nghiệp này nắm bắt cơ hội để hội nhập sâu hơn là một nhiệm vụ quan trọng để tăng thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động trên diện rộng và phát triển xã hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ (như thông tin, thị trường, công nghệ và đào tạo).

Thứ năm, Chính phủ trong năm qua đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung thể chế vững chắc, bao gồm việc thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm phát triển kinh tế thị trường. Nhưng Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 và những năm sau này. Năm 2015 là năm AEC có hiệu lực và quá trình đàm phán thương mại quan trọng như với EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp hoàn thành, đó chính là lúc chuyển các mục tiêu về GDP và tăng trưởng việc làm sang các mục tiêu về hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và chất lượng việc làm. Một số quốc gia Châu Á có thể là những bài học thành công để Việt Nam học tập.

3. Việc Nam có được những bài học gì từ các nước láng giềng để tăng năng suất lao động?

Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và những nền kinh tế phát triển khác ở Châu Á đã tạo ra sự khác biệt trong việc phát triển lực lượng lao động của họ và thúc đẩy khả năng cạnh tranh dựa trên năng suất lao động. Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức nhất định, và cần phải giải quyết bằng những chính sách đặc biệt và điều chỉnh chiến lược năng suất lao động quốc gia mà họ đặt ra. Có lẽ, Singapore là nước có hệ thống toàn diện nhất, được thể chế hóa tốt nhất và thành công nhất. Những bài học được rút ra từ Singapore bao gồm:
  • Nền tảng của một chiến lược phát triển tập trung vào năng suất lao động là có được sự thống nhất và động thuận giữa các bên quan trọng (Chính phủ, doanh nghiệp, công đoàn, báo chí,…) về những nguyên tắc của chiến lược đó.
  • Một khi đã đạt được sự thống nhất về các nguyên tắc, cần có sự cam kết mạnh mẽ và giám sát hiệu quả từ bậc lãnh đạo cao nhất để dẫn dắt những nỗ lực trên cả nước nhắm cải thiện năng suất lao động.
  • Việc đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân, công đoàn, các hiệp hội ngành, và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
  • Để có thể biến những nguyên tắc của chiến lược trên thành hành động cụ thể, cần tạo ra các thể chế, cơ chế và phong trào nhằm thúc đẩy và bền vững hóa những cải thiện trong năng suất lao động. Việc thành lập Hội đồng Năng suất Lao động Quốc gia có thể là một mô hình hay mà Việt Nam có thể học tập.
  • Cần tập trung nguồn lực để thiết kế các chiến lược toàn diện, thống nhất, theo đó tiếp cận vấn đề theo hai mặt đồng thời. Một mặt là các chiến lược tăng năng suất lao động theo ngành cụ thể; mặt khác là các chương trình áp dụng cho cả nền kinh tế nhằm hỗ trợ năng lực, nghiên cứu phát triển, lộ trình tăng năng suất lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các chương trình tăng trưởng toàn diện.
  • Chính phủ cần hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động để họ hiểu về những thay đổi, đối mặt với nó và tự điều chỉnh thích hợp.
  • Cần học hỏi không ngừng từ những điển hình tốt thông qua hợp tác quốc tế.
  • Những chiến dịch với quy mô quốc gia đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự quyết tâm của cả nước trong công cuộc cải thiện, nâng cao năng suất lao động.