Ngày Người Khuyết tật VN

Thấu hiểu và bảo vệ

Được sự hộ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế và Chính phủ Ireland, môn Luật Người Khuyết tật trở thành môn học tự chọn một trong những trường luật nổi tiếng nhất Việt Nam từ năm 2012.

Tin | Ngày 18 tháng 4 năm 2014

Một nhóm sinh viên nhận học bổng cho bài trình bày xuất sắc về Luật Người Khuyết tật. © ILO
HÀ NỘI – Giờ học cuối cùng môn Luật Người Khuyết tật tại Đại học Luật Hà Nội trong năm học này trở nên đông đúc lạ thường.

Hàng trăm sinh viên tập trung tại phòng học, cùng theo dõi những bài trình bày theo nhóm về những vấn đề khác nhau về người khuyết tật.

‘Đấy là lần đầu tiên em được giao lưu với người khuyết tật,’ sinh viên Nguyễn Phương Thảo, lớp NO3, kể về chuyến đi thực tế tại Trường Nguyễn Đình Chiểu – một ngôi trường đặc biệt dành cho các em khiếm thị -- và Hội Người Khuyết tật Quận Hoàng Mai để lấy tư liệu cho bài thuyết trình. ‘Tìm hiểu về khả năng cũng như nguyện vọng của họ em thấy rất thú vị.’

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Ireland, môn Luật Người Khuyết tật trở thành môn học tự chọn tại một trong những trường luật nổi tiếng nhất Việt Nam từ năm 2012.

Luật có hiệu lực năm 2011, luật hóa quyền của hơn 7 triệu người khuyết tật Việt Nam, tương đương với 8% dân số cả nước, và việc các luật sư và thẩm phán tương lai được đào tạo kỹ càng về lĩnh vực này có thể giúp bảo vệ người khuyết tật tốt hơn.

TS Nguyễn Hiền Phương, giảng viên chính Bộ môn Luật Lao động và An sinh Xã hội, cho biết: ‘Môn học giúp trang bị kỹ năng cho sinh viên để khi ra trường các em chú ý đến nhóm người khuyết tật và bảo vệ họ tốt hơn trong thực tiễn của pháp luật.’

Cô chia xẻ niềm vui khi sinh viên viên của mình thay đổi hoàn toàn cách nhìn về người người khuyết tật và quyền của họ sau khóa học.

‘Tôi nhận ra rằng nhiều sinh viên rất nhân văn. Các em còn quay trở lại làm tình nguyện giúp đỡ những nơi các em đi thực tế.’

Đối với sinh viên năm cuối Tô Thị Cẩm Tú, việc quyết định học môn học này là ‘một lựa chọn đúng đắn’.

Em nói: ‘Em chắc chắn sẽ khuyên các bạn khóa sau nên chọn môn này.’

Ở Việt Nam, rất ít người khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp của người khuyết tật ở mức khoảng 30%, cao hơn nhiều so với các nhóm lao động khác.

Số người khuyết tật được tiếp cận với các chương trình vay vốn và cơ hội học nghề còn khá thấp.

Trong số 1,5 triệu người được đào tạo nghề hàng năm ở Việt Nam, chưa đầy 0,4% là người khuyết tật.

Trong vài năm qua, chỉ 1% trong tổng số 8.000 hội viên Hội Người Khuyết tật Hà Nội được tiếp cận với các chương trình tài chính vi mô.

ILO ước tính Việt Nam mất khoảng 3% GDP và các nước khác mất từ 3 đến 7% GDP mỗi năm vì loại trừ người khuyết tật khỏi thị trường lao động.