COVID-19

Đối thoại: chìa khóa giúp doanh nghiệp tồn tại và vượt khó tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 đã để lại những tác động nghiêm trọng tới ngành dệt may, da giầy, túi xách, với gần một phần tư người lao động mất việc. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ các đối tác thúc đẩy đối thoại tại cấp doanh nghiệp để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất.

Bài viết | Ngày 03 tháng 8 năm 2020
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (cầm micro) đối thoại với người lao động tại công ty Regina Việt Nam.
HẢI PHÒNG – Trong khi Việt Nam đã làm tốt trên mặt trận kiềm chế dịch bệnh và đã có được một môi trường vắng bóng virus trong khoảng thời gian dài, nhưng ngành dệt may – một trong những ngành mũi nhọn của đất nước – vẫn vật lộn với những ảnh hưởng của COVID-19.

Giãn cách xã hội, những đơn hàng bị hủy, chậm thanh toán, đã khiến ngành công nghiệp này bị xáo trộn nghiêm trọng. Để tồn tại, nhiều công ty đã phải áp dụng các biện pháp giảm giờ làm, cắt giảm phúc lợi và cho người lao động nghỉ việc.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành bị mất việc hoàn toàn; số còn lại thu nhập cũng bị giảm 40%. Đình công đã diễn ra tại nhiều nhà máy do người lao động không hài lòng với cách ban giám đốc giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, Regina Miracle International Việt Nam, một doanh nghiệp may với hơn 31.000 lao động tại Hải Phòng, đã vượt qua những thách thức do đại dịch toàn cầu tạo ra, giữ ổn định quan hệ lao động tại năm nhà máy của mình.

“Đối thoại tốt đã giúp chúng tôi đứng vững, không bị rơi vào bất ổn,” chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, trưởng phòng nhân sự của công ty cho biết.

Con đường để tồn tại

Thực hiện theo hướng dẫn của chương trình Better Work Việt Nam (thuộc ILO) về sắp xếp lao động trong thời kỳ COVID-19, ban lãnh đạo của Regina đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, lấy ý kiến với đại diện của công đoàn, đồng thời kết nối trực tiếp với người lao động qua nhiều kênh khác nhau.

Thông qua những cuộc thương lượng này, công ty đã đạt được sự đồng thuận để áp dụng những giải pháp nhằm giữ toàn bộ việc làm, bao gồm nghỉ phép năm, nghỉ ngừng việc vẫn hưởng lương, dừng làm thêm giờ, và một sô bộ phận ngừng làm thứ Bảy.

“Với người lao động, nếu bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời điểm này quả thực sẽ đẩy họ vào tình thế rất khó,” anh Vũ Đình Phi, chủ tịch công đoàn của công ty, chia sẻ. “Tôi rất mừng vì người lao động và ban lãnh đạo đã có thể đạt được đồng thuận thông qua đối thoại cởi mở để giúp cả hai bên vượt qua thời kỳ khủng hoảng này.”

Chị Bích, giải thích thêm: “Đây là lúc Regina phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất kể từ khi công ty mở cửa tại Việt Nam vào năm 2014. Lúc này, điều quan trọng là ban lãnh đạo và người lao động hiểu nhau, chia sẻ với nhau. Đối thoại giúp chúng tôi giải quyết tốt những thách thức về quan hệ lao động không thể tránh khỏi trong và sau khủng hoảng.”

Theo một cuộc khảo sát gần đây do ILO thực hiện với 58 doanh nghiệp tại Việt Nam, hơn 60% các doanh nghiệp đưa ra quyết định cắt giảm chi phí lao động một cách đơn phương hoặc chỉ tham vấn với quản lý bộ phận.

Trụ cột để phục hồi sau khủng hoảng

Trong khung chính sách giúp giải quyết các tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19, ILO luôn nhấn mạnh đối thoại xã hội đóng vai trò là một trong bốn trụ cột giúp phục hồi.

“Đối thoại giữa đại diện của người lao động và đại diện của người sử dụng lao động giúp doanh nghiệp có được những quyết định cân bằng, đảm bảo được nhu cầu của người lao động, một cách công bằng và minh bạch. Do đó, đối thoại không chỉ giúp ổn định quan hệ lao động tại nơi làm việc, mà còn tăng mức độ cam kết của người lao động với thành công của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chưa từng có hiện nay,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết. “Khởi động quá trình đối thoại càng sớm thì càng có thể tối đa hóa tác động của nó.”

Tại Việt Nam, đối thoại xã hội được quy định lần đầu trong Bộ Luật Lao động năm 2012 và được tăng cường trong Bộ Luật Lao động năm 2019.

“So sánh với Bộ Luật Lao động năm 2012, thì những điều khoản liên quan đến đối thoại trong Bộ Luật năm 2019 cụ thể hơn và tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, ở cấp doanh nghiệp, chúng tôi vẫn rất cần những hướng dẫn chi tiết để có thể thực hiện được tốt,” chị Bích nhận định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hiện đang trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động năm 2019 về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. ILO hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng nghị định thông qua một dự án khác có tên Khung khổ Quan hệ Lao động Mới (NIRF). Văn bản pháp luật được người sử dụng lao động và người lao động trông đợi này sẽ được ban hành vào cuối năm 2020.





* Dự án Chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 5,1 triệu USD. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ.