Việc làm bền vững

Hưởng ứng toàn cầu hóa: Chương trình nghị sự về Việc làm Bền vững

Kỷ niệm ILO tròn 100 tuổi, chúng ta hãy cùng nhau xem lại một số sự kiện then chốt hình thành nên câu chuyện về tổ chức. Sự ra đời của Chương trình Nghị sự về Việc làm Bền vững vào đầu thế kỷ là một trong những cột mốc như vậy.

Bài viết | Ngày 28 tháng 12 năm 2018
GENEVA – Thúc đẩy “Việc làm Bền vững” là cốt lõi của chương trình nghị sự của ILO xuyên suốt sứ mệnh một thế kỷ của tổ chức. Nhưng chỉ đến đầu thế kỷ này thuật ngữ hiện được sử dụng rộng rãi mới lần đầu tiên được đưa ra như một nội dung trong một chương trình nghị sự đầy tham vọng.

“Việc làm Bền vững ngày nay là một nhu cầu toàn cầu, thách thức các nhà lãnh đạo chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tương lai của nhiều người chúng ta phụ thuộc vào cách mà chúng ta đáp ứng thách thức này”, Tổng Giám đốc của ILO khi đó, ông Juan Somavia, đã viết như vậy trong báo cáo của mình tại Hội nghị Lao động Quốc tế năm 1999.

Việc làm Bền vững không chỉ là có được một công việc. Nó liên quan đến các cơ hội việc làm với năng suất lao động cao và đem lại một thu nhập công bằng, an toàn tại nơi làm việc và bảo trợ xã hội cho gia đình. Đó là gốc rễ của sự gắn kết xã hội – nơi nào thiếu vắng Việc làm Bền vững, nơi đó cũng tồn tại sự nghèo đói, bất bình đẳng, căng thẳng xã hội hay xung đột xã hội công khai. Việc làm mà bó buộc con người trong nợ nần hay nghèo đói hay khiến họ phải đối mặt với các mối nguy hại, phân biệt đối xử và không an toàn, khiến cho các cá nhân – hay những nền kinh tế mà họ là một phần trong đó – không thể phát triển hay tận dụng được những tiềm năng của mình.

Khái niệm này đã được quốc tế chấp nhận rộng rãi và đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, với Mục tiêu số 8 kêu gọi thúc đẩy “tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, việc làm và công việc tử tế cho tất cả mọi người”.

Chương trình nghị sự về Việc làm Bền vững lần đầu tiên được nhắc tới trong báo cáo của ILO năm 1999 và được chính thức thông qua năm 2008, là một nội dung trong Tuyên bố của ILO về Công bằng Xã hội vì Toàn cầu hóa Công bằng. Chương trình nghị sự đã nêu rõ Việc làm Bền vững là nền tảng của các xã hội hiệu quả, công bằng và toàn diện. Chương trình chú trọng vào bốn mục tiêu chiến lược: việc làm, bảo trợ xã hội, đối thoại xã hội và quyền tại nơi làm việc – những nhân tố đã được chứng minh hết lần này đến lần khác là không thể thiếu nhằm đạt được tăng trưởng toàn diện và hòa bình xã hội.

ILO – với cấu trúc ba bên tập hợp chính phủ, những đại diện của người lao động và người sử dụng lao động – có vị thế lý tưởng để đấu tranh cho Chương trình nghị sự và đang tích cực giúp đỡ các quốc gia thành viên – thông qua các Chương trình Quốc gia về Việc làm Bền vững (DWCP) – để đưa Việc làm Bền vững thành một cấu phần then chốt trong các chiến lược phát triển của những quốc gia này.

Năm 2016-2017, hoạt động của ILO đã đóng góp vào những thành tựu đáng kể của 131 quốc gia, ở đó các chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động đã xây dựng được các chiến lược liên quan đến việc làm và nâng cao năng lực thể chế và kiến thức của họ để thúc đẩy việc làm, bảo trợ xã hội, đối thoại xã hội và những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Ngay cả khi chúng ta cố gắng để hiểu và đáp ứng một cách hiệu quả với một thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng, nguyên tắc về Việc làm Bền vững cho tất cả mọi người vẫn luôn được đặt lên hàng đầu trong những nỗ lực của ILO khi tổ chức này bước sang thế kỷ thứ hai đấu tranh vì công bằng xã hội.