Phỏng vấn

Chào mừng Giám đốc mới của ILO Việt Nam!

Giám đốc mới của Văn phòng ILO tại Việt Nam, Change-Hee Lee, chia sẻ quan điểm và tầm nhìn của ông nhân dịp nhậm chức ngày 15/9/2015

Bài viết | Ngày 24 tháng 9 năm 2015

Là một người bạn lâu năm của Việt Nam (VN), ông có suy nghĩ gì khi trở lại VN ở cương vị mới?

Tôi cảm thấy như đang trở về quê hương tôi lớn lên. Chính VN là nơi tôi có được những trải nghiệm đầu tiên về những thách thức thực sự trong công tác phát triển kinh tế xã hội thông qua quá trình làm việc cùng các đồng nghiệp VN trong Chính phủ, công đoàn và cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2000.

Giờ đây tôi trở lại Hà Nội ở cương vị mới là Giám đốc Văn phòng ILO tại VN. Tôi hy vọng mối quan hệ mật thiết dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau sẽ tạo điều kiện để chúng tôi tìm ra hướng đi theo cách của Việt Nam để phát triển toàn diện, đưa việc làm bền vững đến với tất cả mọi người.

Là người đã tham gia vào quá trình cải cách toàn diện pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động của VN, theo ông, quá trình đổi mới đã đem lại những kết quả gì?

Kể từ đầu những năm 2000, VN đã trải qua 3 giai đoạn cải tổ pháp luật lao động (năm 2002, 2006 và 2012). Tôi có vinh dự được tham gia cả 3 quá trình quan trọng trên. Sự cải cách đã mang lại những tiến bộ trong hệ thống luật pháp của đất nước và tạo ra các thiết chế mới như Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó. Dù đã cải cách pháp luật lao động, tất cả các cuộc đình công trong suốt 20 năm qua vẫn là đình công tự phát. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự yếu kém không chỉ ở pháp luật mà còn ở thể chế và tổ chức. VN hoàn toàn có thể thay đổi điều này. ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác ba bên - Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động - trong hành trình xây dựng mối quan hệ lao động bền vững, dựa trên Công ước 98 của ILO (Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể) và Công ước 87 (Quyền Tự do Hiệp hội và về việc Bảo vệ Quyền được Tổ chức).

Theo ông, đâu là những thách thức chính đối với VN trong lĩnh vực lao động, việc làm trong những năm tới?

VN đã có được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo kể từ công cuộc Đổi Mới năm 1986. VN đã đạt được hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đây là kết quả đáng ghi nhận!

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại về chất lượng và độ bền vững của mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại (phần lớn phụ thuộc vào các sản phẩm dựa vào tài nguyên thiên nhiên, ngành chế biến có giá trị gia tăng thấp và khả năng cạnh tranh dựa trên nguồn nhân công giá rẻ và không có kỹ năng). Do đó, phát triển bền vững thông qua cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, việc làm tử tế và phát triển doanh nghiệp bền vững là một thách thức quan trọng nếu VN muốn xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa có sức cạnh tranh.

Mặc dù VN đã đạt được những tiến bộ về giảm nghèo, tốc độ giảm nghèo đã bị chậm lại, cùng với đó bất bình đẳng thu nhập lại gia tăng. Và đói nghèo có mối quan hệ chặt chẽ với việc làm dễ bị tổn thương. Làm sao để đảm bảo phát triển công bằng và toàn diện thông qua bảo trợ xã hội – bao gồm bảo hiểm xã hội – và giải quyết nhu cầu việc làm bền vững của nhóm người chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương là một vấn đề quan trọng khác. Đưa việc làm bền vững trở thành hiện thực với mọi người dân Việt Nam là một thách thức lớn như đã được chỉ ra trong Chương trình Quốc gia Việc làm bền vững (2012-2016).

Đâu sẽ là ưu tiên hàng đầu của ILO tại VN dưới sự điều hành của ông?

Năm 2015 đánh dấu cột mốc quan trọng của VN trong quá trình tăng cường hội nhập kinh tế toàn cầu, với các sự kiện như việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hoàn thành Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, và quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.

Sang năm 2016 sẽ là năm đầu tiên cộng đồng quốc tế thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 (SDG), trong đó chương trình việc làm bền vững của ILO được đặt làm trọng tâm. Đặc biệt, đây cũng là năm kỷ niệm 30 năm Đổi Mới của VN – một cơ hội lịch sử để VN đặt nền móng phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo của Đổi Mới, đó là những cải tiến về “thể chế” đối với nền tảng chính sách xã hội và thị trường lao động.

ILO sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc tham gia hiệu quả Sáng kiến Một Liên Hợp Quốc, tiếp cận với các tổ chức tài chính quốc tế và làm việc cùng Chính phủ và các đối tác xã hội nhằm giúp VN đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030.

Ngoài ra, ILO cũng đã thành công trong việc hỗ trợ VN củng cố pháp luật và chính sách quốc gia kể từ ngày thành lập văn phòng tại VN năm 2002 đến nay. Đã đến lúc chúng ta đưa những thành quả về luật pháp và chính sách trở thành những tiến bộ thực sự đối với đời sống của người lao động, gia đình họ và đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Để thực hiện được những điều đó, khả năng “thể chế” và “tổ chức” của các bên tham gia tại các cấp cần phải được nâng cao. VN có thể cải thiện pháp luật lao động nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi hoạt động thanh tra lao động có thể hướng người lao động và người sử dụng lao động tuân thủ pháp luật một cách hiệu quả. VN có thể cải thiện luật công đoàn, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi công đoàn có thể tổ chức và đại diện hiệu quả cho người lao động trong đàm phán với người sử dụng lao động.

ILO cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với đối tác ba bên tại các cấp một cách thống nhất nhằm tạo ra những cải thiện về mặt hệ thống và bền vững, dựa trên sự hỗ trợ đầy đủ và cam kết chung của đối tác ba bên ở cấp quốc gia.

Sau cùng, ILO sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập trong năm 2019, đánh dấu một thế kỷ nỗ lực vì công bằng xã hội trong lĩnh vực lao động việc làm. Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về ý tưởng và nguyên tắc trong Bản giới thiệu Hiến chương ILO và lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1919 gửi đoàn đại biểu Hội nghị Hòa bình Paris. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng về một thời kỳ mới của nhân quyền và công lý, và đề nghị sự tôn trọng đối với quyền tự do hiệp hội. Việc xây dựng thể chế và các thực tiễn thị trường lao động dựa trên các nguyên tắc chung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi và nằm trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế, đặc biệt là Công ước số 98 vầ 87, là ưu tiên quan trọng đối với VN và cộng đồng quốc tế.