Cuộc chiến chống lại kẻ giết người vô hình

Mỏ đá là một trong những nơi làm việc nguy hiểm nhất tại Việt Nam. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang giúp tăng cường công tác tự thanh tra và tập huấn về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân làm việc tại đây.

Bài viết | Ngày 23 tháng 4 năm 2012

Thợ khoan Đặng Quốc Đại, mỏ đá Hưng Thịnh © ILO/Hoa Trần
HÀ TĨNH, VIỆT NAM – Cái nóng đến 40 độ C đã biến mất chỉ sau một đêm gió mùa đông bắc tràn về tỉnh miền trung Hà Tĩnh – một trong những địa phương nghèo nhất Việt Nam.

Nhiệt độ giảm giúp hơn 30 công nhân làm việc tại mỏ khai thác đá Hưng Thịnh thở phào nhẹ nhõm.

Thợ khoan Đặng Quốc Đại hào hứng khởi đầu một ngày làm việc mới với găng tay đã được cởi ra và khẩu trang bảo hộ bỏ trong túi áo.

Người đàn ông 32 tuổi, bố của hai đứa con nhỏ, này cho biết: “Mình thường ít khi đeo khẩu trang hay đi găng tay, nhất là lúc trời gió mát thế này”.

Anh không biết rằng cái nghề anh đã làm 3 năm nay không chỉ nổi tiếng với những tai nạn chết người mà còn có tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp đáng báo động. Hàng năm, ước tính có hàng ngàn công nhân trở thành nạn nhân của các loại bệnh có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời.

“Mình khỏe thế này cơ mà,” Đại hét lên để át tiếng ồn của máy khoan ở sườn núi bụi mù trong khi đôi tay đậm màu sương gió điều khiển chiếc máy.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh bụi phổi silic – một loại bệnh gây ra do người lao động hít phải bụi có chứa silic tự do – rất phổ biến tại các mỏ khai thác đá ở Việt Nam.

Ước tính 76 % số tiền bồi thường cho các chi phí điều trị bệnh nghề nghiệp trong năm 2011 liên quan tới bệnh bụi phổi silic.

Triệu chứng của căn bệnh nan y này thường phải sau hàng năm mới thấy rõ nhưng có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, dẫn tới khó thở, ảnh hưởng tới thính giác, mệt mỏi, sụt cân và có thể tử vong.

Tự thanh tra và tập huấn
 

Với nỗ lực phòng tránh bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực khai thác đá, tổ chức ILO tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá giúp công tác tự thanh tra và tập huấn các quy định về ATVSLĐ tại các mỏ đá. Đây là một phần của dự án “An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao” do Nhật Bản tài trợ.

Vi phạm về an toàn lao động xảy ra thường xuyên tại các mỏ khai thác đá ở Việt Nam, vì thường các nơi này có quy mô nhỏ và chủ yếu thuê lao động phổ thông. Do đó, tăng cường công tác tự thanh tra và tập huấn trong ngành có nguy cơ cao này là hết sức cần thiết để bảo vệ cuộc sống của người lao động.

“Do lực lượng thanh tra nhà nước hiện nay còn thiếu, chỉ có cách đẩy mạnh công tác tự thanh tra," Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bùi Hồng Lĩnh cho biết. "Mỗi doanh nghiệp cần tự thanh tra, giao dục, huấn luyện cho người lao động, người quản lý sản xuất trực tiếp về các kiến thức an toàn vệ sinh lao động.”

Theo đánh giá của Bộ, nhiều lao động trong ngành khai thác đá chỉ được thuê ngắn hạn hoặc thời vụ, nên họ thường có ít cơ hội được đào tạo, bao gồm các kiến thức liên quan tới ATVSLĐ.

“Những lao động này thường xuất thân từ nông thôn, thiếu kỹ năng làm việc và kỷ luật lao động,” thứ trưởng nhận định. "Mỗi doanh nghiệp cần tự thanh tra, giao dục, huấn luyện cho người lao động, người quản lý sản xuất trực tiếp về các kiến thức an toàn vệ sinh lao động.”
 
Kể cả người quản lý cũng không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Khi đi kiểm tra công trường đầy bụi silic, giám sát trưởng của công ty khai thác đá Hưng Thịnh, anh Lê Thảo Trung, không hề đeo khẩu trang chống bụi.

Anh cho biết: “Thời tiết dễ chịu thế này, việc gì phải đeo khẩu trang? Chỉ cần đeo những hôm trời nóng và quá bụi thôi.”

Anh Trần Đình Thắng, giám đốc một mỏ đá khác ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, không biết nên trang bị loại khẩu trang nào cho hơn 40 công nhân trong công ty.

“Chúng tôi phát mới khẩu trang cho công nhân 2 lần một năm và đều là loại thường (không có lọc khí). Công ty dành khoảng 30 triệu mỗi năm để mua các trang thiết bị bảo hộ lao động nhưng thú thực tôi cũng không rõ loại nào phù hợp với công nhân mỏ đá.”

Dãy núi Hồng Lĩnh, niềm cảm hứng của rất nhiều văn nghệ sĩ, có 13 mỏ khai thác đá, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1000 người dân địa phương ở thị xã Hồng Lĩnh. Lao động trong ngành này, theo luật quy định, ít nhất phải được kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ 2 lần một năm. Thế nhưng, chỉ có 7 đơn vị gửi công nhân tới khám định kỳ tại trung tâm y tế dự phòng huyện năm ngoái. Phần lớn công nhân đều được chứng nhận sức khỏe loại A mặc dù trung tâm không được trang bị các thiết bị phát hiện bệnh bụi phổi.

Nâng cao hiểu biết về ATVSLĐ
 

Bộ công cụ tự thanh tra do ILO phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng sẽ giúp nâng cao hiểu biết về ATVSLĐ tại mỏ khai thác đá.

Thay vì các quy định ATVSLĐ của Chính phủ, thường được viết với ngôn ngữ khó hiểu và rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ sẽ được trang bị một bản liệt kê các quy định rất dễ hiểu cùng quá trình tập huấn.

“Nếu doanh nghiệp và người lao động hiểu được các quy định này, ví dụ như nồng độ bụi, quy trình nổ mìn, kiểm tra sức khỏe định kỳ hay các trang thiết bị bảo hộ lao động, họ có thể tự tuân thủ hoặc chúng tôi có thể giúp họ tìm ra cách để tuân thủ nhằm đảm bảo an toàn tại nơi làm việc,” ông Nguyễn Thái Hòa, điều phối viên quốc gia của dự án thuộc ILO Việt Nam cho biết.

May mắn thay, đây cũng là mong muốn của nhiều cán bộ quản lý mỏ đá như anh Trần Đình Thắng. Anh tâm sự: “Chúng tôi rất muốn được chỉ cho các cách có thể cải thiện điều kiện làm việc tại mỏ đá.”

Với Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, xây dựng một văn hóa làm việc an toàn có thể khiến công việc tại các mỏ đá “tạo nên sự sống chứ không còn là cướp đi sự sống”. Ông nói: “Hơn hết, một công việc tốt phải là công việc an toàn”.

Nhân ngày An Toàn Lao Động Thế Giới (28/4), ILO kêu gọi các nỗ lực toàn cầu cùng hành động để đẩy lùi bệnh nghề nghiệp. Ước tính các bệnh liên quan tới nghề nghiệp cướp đi sinh mạng của khoảng 2,02 triệu người hàng năm.

Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc – Những điều cần biết

• 2,02 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
• 321.000 người chết mỗi năm do tai nạn lao động.
• 160 triệu người mắc các bệnh nghề nghiệp không gây tử vong mỗi năm.
• 317 triệu tai nạn lao động không gây tử vong mỗi năm.

 
Điều này có nghĩa là:
• Cứ mỗi 15 giây, một công nhân chết vì một tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp.
• Cứ mỗi 15 giây, 151 công nhân bị tai nạn nghề nghiệp.

Tỷ lệ thương vong đặc biệt nghiêm trọng ở các nước phát triển, nơi một bộ phận lớn dân số tham gia vào các ngành nguy cơ cao như nông nghiệp, xây dựng, đánh cá và khai thác mỏ.