Vai trò điều phối của công đoàn cấp trên giúp công đoàn cơ sở gắn kết với người lao động

Sự tham gia tích cực của công đoàn cấp trên cơ sở trong quá trình thương lượng tập thể về vấn đề tiền lương đã giúp ngăn chặn đình công tự phát và mở đường cho quan hệ lao động hài hòa hơn ở các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.

Tin | Ngày 17 tháng 5 năm 2013
BÌNH DƯƠNG – Sự tham gia tích cực của công đoàn cấp trên cơ sở trong quá trình thương lượng tập thể về vấn đề tiền lương đã giúp ngăn chặn đình công tự phát và mở đường cho quan hệ lao động hài hòa hơn ở các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Sau thông báo của Chính phủ về mức lương tối thiểu mới áp dụng trong năm 2013, tháng 12 vừa qua, công đoàn cơ sở tại 13 doanh nghiệp dệt may quy mô lớn ở Bình Dương đã thương lượng tập thể thành công về tiền lương với sự phối hợp và hỗ trợ của Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương.

Ngay khi nhận thông báo về mức lương tối thiểu mới, công đoàn cơ sở tại 13 doanh nghiệp trên đã cùng ngồi lại để thảo luận về vấn đề tiền lương dưới sự điều phối của Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương. Họ phải đối mặt với một tình huống đặc biệt nhưng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp có quy mô lớn, đó là mức lương thấp nhất trong các doanh nghiệp này hiện tại đã cao hơn mức lương tối thiểu mới sẽ áp dụng trong năm tới. Lo ngại về những bất ổn nghiêm trọng có thể xảy đến cho cả người lao động và người sử dụng lao động xuất phát từ thực trạng trên, các lãnh đạo công đoàn thấy rằng đây chính là cơ hội để họ thử nghiệm sáng kiến mới.

Với sự hỗ trợ của Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, sau khi thống nhất cùng hành động, các lãnh đạo công đoàn đã tổ chức họp với người lao động tại doanh nghiệp của mình để thảo luận về vấn đề tăng lương và quyết định thông qua đề xuất về mức nâng lương chung gửi tới người sử dụng lao động. Họ cũng nhất trí tiến hành thương lượng đồng thời giữa các công đoàn cơ sở với lãnh đạo doanh nghiệp trong khi vẫn duy trì thông tin liên lạc chặt chẽ với nhau dưới sự điều phối của Công đoàn các khu công nghiệp. Kết quả là những thỏa thuận đã được thiết lập và mức tăng lương tháng chung là 300.000 đồng đã được công bố tại tất cả 13 doanh nghiệp trên.

Sáng kiến mới
 

“Cơ chế đối thoại và thương lượng tập thể mới dưới sự lãnh đạo của công đoàn cấp trên cơ sở có lợi cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp," bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, cho biết.

Những năm trước đây, công đoàn không tham gia vào quá trình điều chỉnh tiền lương. Vấn đề tăng lương được do chủ doanh nghiệp đơn phương quyết định và người lao động phải chờ đến đầu năm mới biết được thông tin cụ về việc điều chỉnh lương tại doanh nghiệp mình theo quy định của pháp luật về lương tối thiểu.

Đánh giá về thực trạng này, bà Hạnh nói: “Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khi mà mỗi doanh nghiệp đưa ra một mức tăng lương khác nhau và thông báo và những thời điểm khác nhau. Nếu không hài lòng với quyết định của chủ doanh nghiệp, người lao động sẽ đình công tự phát, làm gián đoạn sản xuất. Đây là ác mộng đối với tất cả doanh nghiệp bởi đình công tự phát gây bất ổn và ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động".

Nhất trí với quan điểm trên, ông Lê Thanh Long – giám đốc nhân sự tại Công ty TNHH Bình Minh - Khu công nghiệp Sóng Thần, nhận định rằng những bất ổn về lao động thường liên quan tới việc điều chỉnh lương.
Theo ông, sự phối hợp trong thương lượng về tiền lương giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề đã giúp người quản lý và người lao động hiểu nhau hơn và giảm thiểu sự cạnh tranh không cần thiết giữa các doanh nghiệp này. Đồng thời, ông cũng rất kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của mô hình mang tính thực tiễn cao này.

Bản thân người lao động cũng cảm thấy mình được trao quyền nhiều hơn khi tham gia vào quá trình này.

“Giờ đây chúng tôi được tôn trọng hơn, không giống như trước đây khi chúng tôi không được tham dự vào quá trình thảo luận về mức nâng lương mới. Điều đó khiến chúng tôi có trách nhiệm hơn với công việc mình đang làm," chị Trần Thị Bích Lê-công nhân bộ phận ủi tại công ty Hansoll Vina chia sẻ.

Theo ông Yoon Youngmo - Cố vấn trưởng Dự án quan hệ lao động Việt Nam – ILO, việc phối hợp thương lượng về tiền lương tại Bình Dương có thể thực hiện được bởi "quyết tâm và năng lực của công đoàn cấp trong việc phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở".

“Đồng thời, Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương cũng giúp công đoàn cơ sở dựa vào người lao động trong việc xây dựng đề xuất tăng lương và quan trọng hơn là bắt đầu quá trình đàm phán với chủ doanh nghiệp", ông chia sẻ thêm. Thông qua việc chứng tỏ khả năng làm việc với người lao động hằng ngày trong quá trình tổ chức thương lượng về tiền lương, "công đoàn cơ sở đã tìm thấy con đường mới để tái hòa nhập với cuộc sống của người lao động tại doanh nghiệp".


Các công đoàn cơ sở tham gia vào sáng kiến của Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương là một phần của chương trình thí điểm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở trong thương lượng tập thể và quan hệ lao động.
Với sự hỗ trợ của Dự án quan hệ lao động Việt Nam - ILO, chương trình hướng tới cải thiện và tăng cường năng lực cho công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho người lao động, xây dựng và phát triển "nhóm công đoàn" (với sự tham gia của người lao động vào các hoạt động của công đoàn theo cấp độ dây chuyền/bộ phận hoặc nhà máy).

Thông qua sáng kiến này, công đoàn cơ sở tại nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đang phối hợp công tác trên cơ sở ứng phó với những thách thức, và khó khăn, cùng giúp đỡ và khuyến khích nhau tiến về phía trước. Sáng kiến này là bước khởi đầu của mô hình "đối thoại lao động theo nhiều cấp độ", nâng cao vai trò của công đoàn trong các vấn đề phát sinh liên quan đến tiền lương, điều kiện làm việc và thương lượng tập thể tại nơi làm việc.