Bài phát biểu

Tác động của các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về những Nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động tới doanh nghiệp ở cấp quốc gia và cạnh tranh trong TPP

Bài phát biểu của Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam tại Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP HCM vào ngày 8/4/2016

Bài phát biểu | Ngày 08 tháng 4 năm 2016
Vào thời điểm then chốt này, tôi rất vinh hạnh phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. 71 năm đã trôi qua kể từ ngày độc lập và 30 năm đã qua kể từ khi tiến hành Đổi Mới. Giờ đây Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do.

Dưới sự lãnh đạo có tầm nhìn xa và với một ý thức mạnh mẽ về những mục tiêu chung giữa các thành viên trong xã hội, Việt Nam đã đạt được sự phát triển kinh tế ấn tượng, đồng thời giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong suốt ba mươi năm qua. Dựa trên những kinh nghiệm và bài học rút ra, Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Đó là một mục tiêu rất tham vọng, nhưng không phải là không thể đạt được.

Với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và gia nhập Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và TPP, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có vị thế rất tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường cải cách cơ cấu cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Các kinh tế gia khác nhau sẽ có dự báo khác nhau về tăng trưởng trong tương lai. Nhưng hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng hội nhập toàn cầu sâu hơn sẽ làm tăng tiềm năng tăng trưởng đáng kể , và nó sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam , đặc biệt đối với hàng may mặc và giày dép, và các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu khác.

Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Để hưởng lợi đầy đủ từ TPP và các Hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ phải tiến hành những cải cách quan trọng và rộng khắp với quan điểm nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật và các thiết chế như các đại biểu trước đó đã nêu. Và tôi không cần phải tái nhấn mạnh nhu cầu cần tăng năng suất lao động và khuyến khích đổi mới, đó là đòi hỏi thiết yếu cho phát triển kinh tế bền vững và nâng cấp công nghiệp cho bất cứ xã hội nào.

Cải cách về lao động

Đồng thời, Việt Nam sẽ phải tiến hành cải cách cơ bản về lao động, đặc biệt là hệ thống quan hệ lao động, nếu Việt Nam muốn có đủ điều kiện để hưởng lợi ích kinh tế từ TPP. Đây là chủ đề mà tôi sẽ tập trung nói đến với tư cách là Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam.

Giờ đây khi quý vị đã nghe tên Tổ chức mà tôi làm việc – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tôi muốn nhân cơ hội này để giới thiệu ngắn gọn về chúng tôi. ILO là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, tập hợp các đại diện của các Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đó để thiết lập ra các tiêu chuẩn lao động, các chính sách và đưa ra các chương trình thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các quyền trong lao động, khuyến khích các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và thúc đẩy đối thoại về các vấn đề liên quan đến công việc.

Như diễn giả trước đó, ông Cường của Bộ LĐTBXH, đã nêu, Hiệp định thương mại tự do TPP và Việt Nam – EU không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào. Hiệp định thương mại tự do TPP và cả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, tuy cách diễn đạt có đôi chút khác nhau, nhưng đều đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong điều lệ, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm:

a) Tự do liên kết và thừa nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể, được thể hiện trong Công ước 87 và 98 của ILO.
b) Xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, được thể hiện trong Công ước 29 và 105 của ILO
c) Xóa bỏ lao động trẻ em, được xác định trong Công ước 138 và 182 của ILO
d) Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, được xác định trong Công ước 100 và 111 của ILO.
 
Tuyên bố là kết quả của cuộc tranh luận toàn cầu những năm 1990 giữa các Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ Lao động của các nước phát triển và đang phát triển xem là liệu rằng WTO có nên thành lập một liên kết trực tiếp giữa các tiêu chuẩn thương mại và các tiêu chuẩn lao động. Năm 1996, các Bộ trưởng Thương mại của các quốc gia thành viên WTO, họp ở Singapore, đã tuyên bố rằng ILO là cơ quan có thẩm quyền thiết lập và xử lý các tiêu chuẩn lao động cơ bản, và xác nhận sự ủng hộ của họ đối với các hoạt động của ILO. Cuộc họp cấp bộ trưởng của các quốc gia thành viên WTO đã mở đường cho việc thông qua Tuyên bố năm 1998 của các đại diện Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động của các quốc gia thành viên của ILO. Tuyên bố cam kết các quốc gia thành viên của ILO sẽ tôn trọng và thúc đẩy các nguyên tắc và quyền được nêu trong 8 Công ước cơ bản, dù họ đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn những Công ước này.

Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong tổng số 8 Công ước cơ bản. Kết thúc đàm phán TPP, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phê chuẩn 3 Công ước về tự do hiệp hội, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức. Mặc dù TPP và thỏa thuận song phương Việt Nam – Hoa Kỳ không tự tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động nào nhưng lại yêu cầu Việt Nam có nghĩa vụ tiến hành cải cách để thực hiện đầy đủ các Nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo cách thức dưới đây:
  • Việt Nam cần sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn phù hợp với thỏa thuận song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, thỏa thuận này diễn giải cụ thể các tiêu chuẩn của ILO. Chỉ sau khi Việt Nam thực hiện điều này, TPP mới có hiệu lực với Việt Nam.
  • Việc thực hiện các quy định pháp lý tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn của ILO có liên hệ với kế hoạch cắt giảm thuế quan. Nói cách khác, chỉ khi Việt Nam chứng minh được rằng mình thực sự tôn trọng và thực hiện đầy đủ những cải cách theo đòi hỏi của bản thỏa thuận không chỉ về mặt luật pháp và quy định mà còn về mặt thực tiễn, thì Việt Nam mới có thể hưởng lợi ích kinh tế đầy đủ của việc được giảm thuế. Vì mục đích này, việc giám sát thường xuyên sẽ được thực hiện.
  • ILO sẽ được tin tưởng giao phó thực hiện một chương trình hỗ trợ kỹ thuật quy mô lớn để hỗ trợ chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động nhằm cải cách hệ thống quan hệ lao động của Việt Nam bao gồm pháp luật, thiết chế và thực hành. Đồng thời, có thể Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mời ILO làm một đại biểu độc lập trong Ủy ban chuyên gia lao động song phương. Ủy ban này sẽ giám sát và rà soát việc thực hiện bản thỏa thuận về lao động.

Tự do liên kết

Trọng tâm của yêu cầu của TPP là Việt Nam cần tôn trọng đầy đủ nguyên tắc tự do liên kết và đây được coi là phần khó khăn nhất trong các thách thức về lao động của Hiệp định TPP.

Như quý vị biết rõ, hiện tại, tất cả các công đoàn phải là một phần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN), thuộc Tổng LĐLĐVN. Theo TPP, người lao động phải có quyền tự do thành lập hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn. Đây là một thay đổi quan trọng không chỉ đối với người lao động và Tổng LĐLĐVN mà còn đối với người sử dụng lao động và Chính phủ. Bởi vì người sử dụng lao động có thể phải ứng phó với các tổ chức của người lao động không thuộc Tổng LĐLĐVN tại nơi làm việc và Chính phủ sẽ phải xây dựng một hệ thống hiệu quả để xác nhận các tổ chức này với tư cách là tổ chức đại diện của người lao động tham gia vào thương lượng tập thể và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động.

Tôi biết điều này có thể gây ra một số quan ngại cho các lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp. Nhưng tôi muốn nói rằng quý vị “đừng lo lắng”, bởi vì phần lớn các quốc gia trên thế giới có hệ thống quan hệ lao động vận hành rất hiệu quả trên cơ sở tự do liên kết, trừ một số ít quốc gia.

Về điểm này, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN rất đáng được ca ngợi khi tuyên bố dứt khoát rõ ràng sự ủng hộ của mình đối với việc cải cách Tổng LĐLĐVN và cam kết tôn trọng quyền tự do hiệp hội, mặc dù nó đặt ra một thách thức đối với Tổng LĐLĐVN. Các lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Việt Nam đã đưa ra những cam kết chính trị để cải cách quan hệ lao động phù hợp với những tiêu chuẩn của ILO. Tôi thực sự tin rằng Việt Nam nên sử dụng thách thức mà TPP đem lại như một cơ hội vàng để chuyển đổi hệ thống quan hệ lao động lỗi thời thành hệ thống quan hệ lao động hiện đại và có hiệu quả, phục vụ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, người lao động Việt Nam và xã hội Việt Nam.

Có những dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng và hiển nhiên cho thấy hệ thống quan hệ lao động hiện tại đã lỗi thời và đang không hoạt động hiệu quả.

Kể từ khi ban hành Bộ luật lao động năm 1994, cả nước đã có hơn 5.500 cuộc đình công. Tất cả các cuộc đình công này đều là đình công tự phát, không có một trường hợp ngoại lệ nào. Điều này trước hết có nghĩa là không có cuộc đình công nào do công đoàn tổ chức và tiếp nữa là không có cuộc đình công nào diễn ra theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Đây là ví dụ điển hình nhất về một hệ thống quan hệ lao động không hoạt động hiệu quả ở Việt Nam. Điều này cho thấy hầu hết công đoàn tại cấp cơ sở đều không thể đại diện cho người lao động, và thực tế là, họ còn gắn kết mật thiết hơn với người sử dụng lao động tại nơi làm việc bởi vì thông thường chủ tịch công đoàn là quản lý nhân sự, và họ cũng gắn bó mật thiết với chính quyền địa phương và đảng ủy cấp quận và cấp tỉnh hơn là với người lao động. Nền tảng của hệ thống quan hệ lao động hiện đại trong nền kinh tế thị trường là các công đoàn mang tính đại diện, là những tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Chúng ta cần hiện đại hóa công đoàn theo nguyên tắc tự do liên kết nếu chúng ta muốn có một hệ thống quan hệ lao động hoạt động hiệu quả ở Việt Nam.

Chúng ta cũng gặp phải thách thức về vận hành hệ thống quản lý lao động hiệu quả cho người lao động, người sử dụng lao động và xã hội Việt Nam. Hệ thống quản lý lao động trong xã hội hiện đại cung cấp những dịch vụ hiệu quả cho người sử dụng lao động và người lao động nhằm ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, thúc đẩy thương lượng tập thể và quan hệ lao động lành mạnh, tư vấn để tuân thủ tốt hơn và tăng cường hiệu lực thực thi của pháp luật và quy định. Hệ thống này cần phản ánh nhu cầu và thực tiễn của người sử dụng lao động và người lao động. Về điểm này, vẫn còn nhiều khả năngđể cải thiện phương thức làm việc của Bộ LĐTBXH và Sở LĐTBXH. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng TPP đem lại một cơ hội vàng để cải thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý lao động của Việt Nam nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động.

TPP cũng đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp hiện đại hóa nhân sự và thực hành quan hệ lao động để đáp ứng với những thách thức mới của các công đoàn độc lập tại nơi làm việc. Về khía cạnh này, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng những chính sách nhân sự hiện đại. Đồng thời nó cũng tạo cơ hội cho các đối tác khác nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân, các nhà cung cấp và các doanh nghiệp đa quốc gia, bắt đầu đối thoại và hợp tác theo một cách có hệ thống hơn, theo quan điểm cải thiện quyền lao động và các thực hành nhân sự nhằm tuân thủ yêu cầu của TPP và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đồng thời tìm cách phân chia công bằng hơn các lợi ích kinh tế thu được từ TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.

Quan hệ lao động hài hòa có lợi cho các bên

Kinh nghiệm quốc tế và các nghiên cứu so sánh toàn cầu cho thấy hệ thống quan hệ lao động hiệu quả sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên có liên quan.

Thứ nhất, nghiên cứu và kinh nghiệm cho thấy rằng đối thoại xã hội hiệu quả giúp doanh nghiệp và chính phủ đưa ra quyết định tốt hơn căn cứ trên những thông tin thu được. Khi tiếng nói của người lao động được người đại diện và công đoàn của họ chuyển tải qua cơ chế đối thoại thường xuyên, sẽ giúp cho các quyết định kinh doanh trở nên có chất lượng hơn, phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Nó cũng giúp Chính phủ đưa ra các quyết định khi Chính phủ có thể thu nhận được những phản ánh, góp ý thường xuyên của các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động. Và như vậy thì tốt cho cả doanh nghiệp và tốt cho cả việc quản trị.

Thứ hai, hệ thống quan hệ lao động hiệu quả tạo ra môi trường ổn định và dự đoán được cho doanh nghiệp và nền kinh tế hiện đại bởi vì xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động có thể được xử lý một cách có trật tự thông qua thương lượng tập thể và đối thoại xã hội để tìm ra giải pháp chung nhằm giải quyết vấn đề. Điều này tốt cho doanh nghiệp và tốt cho xã hội.

Cuối cùng, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống thương lượng tập thể hiệu quả và toàn diện góp phần làm cho phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội. Đây là một chức năng vô cùng quan trọng của quan hệ lao động mà chúng ta cần xem xét nghiêm túc. Việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu có xu hướng nới rộng khoảng cách giữa các thành phần kinh tế khác nhau và tăng biến động trong một xã hội, điều này có thể đe dọa sự gắn kết xã hội và bền vững lâu dài của phát triển kinh tế. Cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và duy trì hài hòa xã hội. Quan hệ lao động hiệu quả tốt cho toàn cầu hóa và tốt cho xã hội.

Xuất phát điểm thuận lợi

Dĩ nhiên tôi hoàn toàn nhận thức được rằng sẽ là không dễ dàng cho bất kỳ quốc gia nào để chuyển đổi từ hệ thống quan hệ lao động cũ sang một hệ thống mới. Và điều hoàn toàn tự nhiên là mọi người sẽ thấy lo lắng và hồi hộp về những thay đổi khi mà không ai có kinh nghiệm xử lý chúng như thế nào cả. Nhưng tôi vui mừng chia sẻ với các bạn rằng Việt Nam hầu như đã sẵn sàng để chuyển đổi. ILO đã làm việc với chính phủ, người sử dụng lao động và công đoàn trong hơn một thập kỷ, để dần dần cải thiện môi trường pháp lý cho quan hệ lao động, để nâng cao nhận thức cơ bản của các cán bộ làm về quan hệ lao động, và để thí nghiệm những cách thức mới và sáng tạo nhằm quản lý quan hệ lao động. Tôi đã chứng kiến những cải tiến đầy ý nghĩa ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong 10 năm qua. Tuy rằng những cải tiến này chưa đủ để tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống nhưng những kinh nghiệm đó là xuất phát điểm quan trọng cho hành trình của chúng ta hướng tới xây dựng quan hệ lao động hiệu quả. ILO không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hoạch định chính sách ở cấp quốc gia mà còn thực hiện rất nhiều hoạt động với các đối tác ở cấp tỉnh và thậm chí ở cấp doanh nghiệp.

Từ năm 2009, ILO cùng với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã và đang triển khai chương trình Việc làm tốt hơn (Better Work) nhằm tăng cường sự tuân thủ pháp luật quốc gia và các tiêu chuẩn ILO tại các nhà máy dệt may. Hiện tại chương trình Better Work Việt Nam đã bao trùm 360 nhà máy dệt may với gần nửa triệu lao động trong ngành. Đã có sự cải thiện đáng kể trong tuân thủ liên quan đến không phân biệt đối xử và thực hiện thương lượng tập thể. Một đánh giá tác động của Better Work chỉ ra rằng các nhà máy tham gia vào Chương trình giờ đây đã trở thành các nhà cung cấp được ưa thích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nghĩa là họ có cơ hội tốt hơn để kinh doanh thành công. Những tư vấn của Chương trình Better Work giúp nâng cao năng suất lao động và cải thiện duy trì đội ngũ nhân viên. Cũng theo nghiên cứu này, lợi nhuận tăng hơn 7% ở các nhà máy mà người lao động báo cáo là điều kiện lao động có được cải thiện. 5% cải thiện trong việc tuân thủ của nhà máy dẫn đến tăng 10% trong thu nhập của người lao động và 3% cải thiện sức khỏe người lao động. Nói ngắn gọn, cải thiện điều kiện làm việc và tăng cường tuân thủ tốt cho người lao động, tốt cho doanh nghiệp và cũng tốt cho xã hội.

Điểm chung của lịch sử

Như vậy là có một ví dụ mạnh mẽ cho việc tăng cường tuân thủ và cải thiện quan hệ lao động. Chắc chắn là Chương Lao động trong Hiệp định TPP đã đặt ra thách thức trong việc xây dựng quan hệ lao động mới. Và chúng ta có cả một chặng đường dài trước mắt. Trước khi bắt đầu hành trình dài này, tôi muốn nhìn lại lịch sử chung giữa ILO và Việt Nam.

ILO được thành lập năm 1919 như là một phần của Hiệp ước Véc xây kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ I nhằm phản ánh niềm tin rằng hòa bình thế giới rộng khắp và vĩnh cửu chỉ có thể đạt được nếu nó dựa trên công bằng xã hội và niềm tin rằng thất bại của bất cứ quốc gia nào trong việc áp dụng những điều kiện nhân văn trong lao động cũng là rào cản đối với các quốc gia có mong muốn cải thiện những điều kiện đó ở chính đất nước mình. ILO là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc có cơ chế ra quyết định ba bên, trong đó, các đại diện không phải chỉ của chính phủ mà còn của người sử dụng lao động và người lao động sẽ ngồi lại cùng nhau để cùng thống nhất ra quyết định. Bản thân ILO chính là hiện thân của đối thoại xã hội và quan hệ lao động. Đó là lý do tại sao Hiến chương ILO thông qua năm 1919 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên của mình tôn trọng và thừa nhận nguyên tắc tự do liên kết, bên cạnh những nguyên tắc khác nữa.

Vào năm 1919, còn có một người đàn ông khác cũng có chung ý tưởng này. Đó là một người có Tổ quốc là thuộc địa của Pháp, một người đã không được phép tham dự Hội nghị Hòa bình năm 1919. Trong thư gửi cho các đoàn đại biểu của Hội nghị Hòa Bình, ông yêu cầu quyền tự do liên kết, bên cạnh những yêu sách khác nữa. Có quý vị nào biết ông là ai không? Tên ông là Hồ Chí Minh. Ông có cùng lý tưởng và nguyên tắc với những người sáng lập ILO. Điều cũng làm tôi thấy thú vị là vào năm 1919, cả Hiến chương ILO và Hồ Chí Minh đều yêu cầu con người có quyền được trao cơ hội học tập, đào tạo nghề, thừa nhận tầm quan trọng của người lao động có tay nghề đối với phát triển quốc gia.

ILO sẽ kỉ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 2019. Tôi thực sự hi vọng rằng năm 2019 chúng ta có thể cùng nhau ăn mừng việc thừa nhận nguyên tắc tự do liên kết, đó là lý tưởng không chỉ của ILO mà còn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và điều này không chỉ để thỏa mãn yêu cầu của TPP mà quan trọng là để xây dựng nền tảng pháp lý, thiết chế và tinh thần cho một hệ thống quan hệ lao động hiệu quả, để hệ thống này có thể phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, nhu cầu của người lao động Việt Nam và nhu cầu của xã hội Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn.