ILO: Lao động làm việc tại nhà cần được bảo vệ tốt hơn

Trong bối cảnh số lượng người lao động làm việc tại nhà gia tăng đột biến do đại dịch COVID-19, nhiều người trong số họ phải làm việc trong điều kiện lao động không đảm bảo. Ước tính từ trước khủng hoảng, số người lao động làm việc tại nhà đã là 260 triệu toàn thế giới.

Thông cáo báo chí | Ngày 13 tháng 1 năm 2021
 
GENEVA – Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những người làm việc tại nhà cần được bảo vệ tốt hơn. Số lượng nhóm lao động này gần đây gia tăng đáng kể do sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Do những công việc được thực hiện tại nhà diễn ra trong không gian cá nhân nên thường “vô hình”. Chẳng hạn như ở các nước thu nhập thấp và trung bình, hầu như tất cả những người làm việc tại nhà (90%) đều làm công việc phi chính thức.

Họ thường bị trả công thấp hơn so với những người ra ngoài làm việc, ngay cả với những công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Thu nhập trung bình của người làm việc tại nhà ở Anh thấp hơn những người làm việc ở ngoài 13%, ở Hoa Kỳ thấp hơn 22%; ở Nam Phi thấp hơn 25% và con số này ở Argentina, Ấn Độ và Mexico là khoảng 50%.

Những người làm việc tại nhà cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn và sức khỏe hơn và ít có cơ hội được đào tạo hơn so với những người không làm việc tại nhà, và điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của họ.

Báo cáo Làm việc tại nhà. Từ vô hình đến việc làm thỏa đáng cũng cho thấy lao động làm việc tại nhà không được hưởng mức an sinh xã hội như những người lao động khác. Họ cũng ít có khả năng sẽ gia nhập một tổ chức công đoàn nào đó hay là đối tượng điều chỉnh của bất cứ một thỏa ước lao động tập thể nào.

Vấn đề cấp thiết mới

Theo ước tính của ILO, trước cuộc khủng hoảng COVID-19, trên toàn thế giới có khoảng 260 triệu lao động làm việc tại nhà, chiếm 7,9% tổng số việc làm toàn cầu và 56% trong số họ (147 triệu người) là nữ.

Đối tượng này gồm có những người lao động làm việc từ xa thường xuyên, và một số lượng lớn những người lao động tham gia những khâu sản xuất hàng hóa không thể tự động hóa được như thêu ren, thủ công mỹ nghệ và lắp ráp đồ điện tử. Nhóm thứ ba là lao động làm việc trên nền tảng kỹ thuật số cung cấp các loại hình dịch vụ, như xử lý yêu cầu thanh toán bảo hiểm, hiệu đính văn bản, hay chú thích dữ liệu phục vụ công tác đào tạo của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

© Bench Accounting
Ước tính trong những tháng đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát, có khoảng một phần năm lực lượng lao động trên thế giới đã phải làm việc tại nhà. Con số này có lẽ sẽ tăng lên đáng kể so với năm trước, khi có số liệu thống kê đầy đủ của năm 2020.

Báo cáo cho biết sự gia tăng số lượng lao động làm việc tại nhà có khả năng vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tới, và việc giải quyết những vấn đề mà lao động làm việc tại nhà và người sử dụng lao động của họ gặp phải sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.

Công tác điều tiết kém đi kèm với thiếu tuân thủ pháp luật

Việc quản lý, điều tiết hình thức làm việc tại nhà và việc tuân thủ luật pháp hiện hành còn yếu kém vẫn là một thách thức. Trong nhiều trường hợp, người lao động làm việc tại nhà được xếp vào nhóm nhà thầu độc lập, do đó, họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động.

Mới chỉ có 10 Quốc gia thành viên của ILO đã phê chuẩn Công ước số 177 về thúc đẩy đối xử bình đẳng giữa lao động làm việc tại nhà và các đối tượng làm công ăn lương khác và rất ít quốc gia có chính sách toàn diện về hình thức làm việc tại nhà."

Bà Janine Berg, Chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO
Bà Janine Berg, chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO đồng thời là một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành pháp luật, đôi khi được bổ trợ bởi các thỏa ước lao động tập thể, nhằm giải quyết những vấn đề thâm hụt việc làm thỏa đáng khác nhau liên quan đến hình thức làm việc tại nhà. Tuy nhiên mới chỉ có 10 Quốc gia thành viên của ILO đã phê chuẩn Công ước số 177 về thúc đẩy đối xử bình đẳng giữa lao động làm việc tại nhà và các đối tượng làm công ăn lương khác và rất ít quốc gia có chính sách toàn diện về hình thức làm việc tại nhà.”

Khuyến nghị

Báo cáo đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm giúp hình thức làm việc tại nhà được biết đến nhiều hơn và từ đó được bảo vệ tốt hơn.
Đối với lao động làm việc tại nhà thuộc lĩnh vực công nghiệp, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện giúp họ chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức bằng cách mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật, cải thiện công tác tuân thủ pháp luật, phổ cập việc giao kết hợp đồng bằng văn bản, tạo điều kiện tiếp cận an sinh xã hội và giúp người lao động làm việc tại nhà hiểu được các quyền mà họ được hưởng. 

© Nevil Zaveri
Đối với lao động làm việc tại nhà trên nền tảng kỹ thuật số, đây là đối tượng mà công việc của họ đặt ra những thách thức quan trọng về tuân thủ pháp luật do công việc có thể vượt ra phạm vi của một quốc gia. Báo cáo khuyến nghị sử dụng dữ liệu do công việc của họ tạo ra để giám sát điều kiện làm việc và các công cụ để định ra mức lương công bằng.

Đối với lao động làm việc từ xa, báo cáo kêu gọi những nhà hoạch định chính sách triển khai những hành động cụ thể nhằm giảm thiểu những nguy cơ về tâm lý và ban hành “quyền được ngắt kết nối” nhằm đảm bảo tôn trọng ranh giới giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân.

Báo cáo cho biết, hình thức làm việc tại nhà có khả năng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong những năm tới đây.

Các chính phủ, cùng với các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động cần phối hợp với nhau nhằm đảm bảo mọi người lao động làm việc tại nhà, dù là người đan mây tại Indonesia, hay chế biến bơ hạt mỡ tại Ghana, gắn thẻ ảnh tại Ai Cập, may khẩu trang tại Uruguay hay làm việc từ xa tại Pháp, được chuyển dịch từ công việc vô hình tới việc làm thỏa đáng.