Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai

Tỷ lệ lao động trẻ em của Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực

Theo cuộc điều tra gần đây nhất được thực hiện vào năm 2018, có hơn 1,7 triệu trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, trong đó có hơn 1 triệu trẻ là lao động trẻ em.

Thông cáo báo chí | Ngày 18 tháng 12 năm 2020

HÀ NỘI - Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam vừa được công bố hôm nay (ngày 18 tháng 12) xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em (LĐTE). Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.

Kết quả cuộc điều tra do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tỉ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.

“So sánh với kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018,” bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Có 58,8% trẻ tham gia làm việc tại Việt Nam là LĐTE. Các em phải làm các công việc trái pháp luật so với độ tuổi của các em, hay quá số giờ các em được phép làm hoặc do tính chất công việc các em phải thực hiện. LĐTE bao gồm các công việc gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc học hành và có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, 84% LĐTE tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều LĐTE bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% LĐTE là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương.

Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu."

TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam
“LĐTE thường tồn tại ở các hộ kinh doanh cá thể, không chính thức, thuộc các chuỗi cung ứng nên rất khó phát hiện. Việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào thương mại toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải đảm bảo các chuỗi cung ứng của mình không sử dụng LĐTE để hội nhập thị trường toàn cầu,” TS Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, giải thích.

Cuộc điều tra cho thấy có gần 520.000 LĐTE tại Việt Nam làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,là những công việc có những nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ. LĐTE làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỉ lệ LĐTE làm các công việc độchại trong khu vực nông nghiệp thấp hơn. Số giờ làm việc của LĐTE làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần.

Ngoài những nguy cơ về sức khỏe và sự an toàn của trẻ, cuộc điều tra đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực của việc tham gia các hoạt động kinh tế đến việc đi học của trẻ. Khi mức độ tham gia các hoạt động kinh tế của các em càng tăng thì tỉ lệ trẻ được đến trường càng giảm. So sánh với tỉ lệ đi học bình quân trên toàn quốc là 94,4% thì chỉ có một nửa số LĐTE được đi học, con số này trong nhóm LĐTE làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm còn thấp hơn, chỉ có 38,6%. Tuy nhiên, số liệu điều tra cho thấy có xu hướng tiến triển tích cực trong tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường là 63%, so với con số này năm 2012 chỉ là 43,6%.

Tuy kết quả của cuộc điều tra cho thấy những tín hiệu tiến triển tích cực từ năm 2012 đến năm 2018, LĐTE hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng trở lại do những tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới, nhiều gia đình buộc phải sử dụng LĐTE như một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội. Đồng thời, do hậu quả tàn phá của các trận lũ lụt miền trung gần đây, nguy cơ các gia đình bị ảnh hưởng phải đối mặt với gánh nặng kép của cả đại dịch lẫn thảm họa thiên nhiên.

Cần sớm có những hành động để giảm thiểu tổn hại của đại dịch và các thảm họa thiên nhiên đang đe dọa những thành tựu đã đạt được trong công cuộc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE và dẫn tới nguy cơ gia tăng số lượng các trường hợp LĐTE. Vì vậy, những nỗ lực quốc gia nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức cần sớm được thực hiện. Là quốc gia tiên phong của Liên Minh Toàn Cầu 8.7, Việt Nam cam kết tiến hành các nghiên cứu, chia sẻ thông tin và thực hiện những sáng kiến nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu này.

Để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ LĐTE, khẩn cấp hơn bao giờ hết, Đại Hội Đồng LHQ đã chọn năm 2021 là Năm Quốc tế về Xóa bỏ LĐTE. Để có thể vượt qua những thách thức và thực hiện vai trò là quốc gia tiên phong, Chính Phủ Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDG) 8.7 và Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2021 - 2030.


Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

  • Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục Trưởng Cục Trẻ Em, Bộ LĐTBXH + 84-4-37478424; email: vukimhoa67@gmail.com
  • Trần Quỳnh Hoa, Cán bộ truyền thông quốc gia, ILO Việt Nam; +84-24-38506127 ; email : hoahancom@ilo.org
  • Nguyễn Mai Oanh, Quản lý Dự án ENHANCE, ILO Việt Nam; + 84-4-37340902 số lẻ 104; email: oanh@ilo.org