Hơn 55 triệu lao động giúp việc gia đình đứng trước nguy cơ mất sinh kế do COVID-19

Nhân kỷ niệm 9 năm thông qua Công ước về Lao động Giúp việc Gia đình, một báo cáo mới của ILO đã ước tính những rủi ro mà người lao động giúp việc gia đình gặp phải do đại dịch COVID-19.

Thông cáo báo chí | Ngày 16 tháng 6 năm 2020
© I. Bonham / ILO
GENEVA- Theo một ước tính mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), gần ba phần tư số lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới – tức hơn 55 triệu người – đứng trước nguy cơ lớn bị mất việc và thu nhập do các biện pháp phong tỏa và thiếu các cơ chế an sinh xã hội hiệu quả.

Phần đông trong số những lao động giúp việc gia đình này (37 triệu người) là phụ nữ.

Số liệu tính cho tháng 6 cho thấy những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Đông Nam Á và Thái Bình Dương với 76% lao động giúp việc gia đình có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tiếp đến là Châu Mỹ (74%), Châu Phi (72%) và Châu Âu (45%).

Mặc dù lao động làm công việc giúp việc gia đình cả chính thức và phi chính thức đều đã và đang bị ảnh hưởng, nhưng nhóm lao động phi chính thức chiếm tới 76% số người có nguy cơ bị mất việc hoặc cắt giảm giờ làm. Ở những quốc gia áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phong tỏa thì lao động giúp việc gia đình, dù là chính thức hay phi chính thức, đều không thể đi làm. Trong khi những người có công việc chính thức vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì với những lao động làm công việc giúp việc gia đình phi chính thức, không đi làm đồng nghĩa với việc mất sinh kế, không được hưởng sự bảo vệ từ hệ thống bảo trợ xã hội, khiến cho việc lo bữa ăn thôi cũng đã là khó khăn.

Khủng hoảng COVID-19 đã làm lộ rõ mức độ đặc biệt dễ bị tổn thương của lao động giúp việc gia đình phi chính thức, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đảm bảo họ được đưa vào diện bao phủ của bảo trợ xã hội và bảo hộ lao động một cách hiệu quả."

Claire Hobden, Chuyên gia của ILO về lao động dễ bị tổn thương
Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những vấn đề vốn đã xuất hiện từ trước. Chỉ có 10% lao động giúp việc gia đình được tiếp cận an sinh xã hội, nghĩa là họ không được nghỉ ốm hưởng nguyên lương, không được đảm bảo tiếp cận chăm sóc y tế, trợ cấp thương tật lao động hay bảo hiểm thất nghiệp. Thu nhập của nhiều lao động giúp việc gia đình chỉ bằng 25% mức tiền công trung bình khiến họ không có khoản tiết kiệm nào cho những trường hợp cấp bách về tài chính.

"Khủng hoảng COVID-19 đã làm lộ rõ mức độ đặc biệt dễ bị tổn thương của lao động giúp việc gia đình phi chính thức, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đảm bảo họ được đưa vào diện bao phủ của bảo trợ xã hội và bảo hộ lao động một cách hiệu quả”, chuyên gia của ILO về lao động dễ bị tổn thương, Claire Hobden, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này tác động đặc biệt nặng nề tới phụ nữ là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động giúp việc gia đình trên toàn thế giới.”

Ở một số khu vực, lao động giúp việc gia đình đa phần là lao động di cư. Họ dựa vào tiền lương để hỗ trợ gia đình ở đất nước quê hương. Việc không được trả lương và bị dừng các dịch vụ chuyển tiền khiến gia đình của những lao động di cư làm giúp việc gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh nghèo đói.

Phần lớn lao động giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà vẫn tiếp tục làm việc trong giai đoạn phải cách ly xã hội. Tuy nhiên, báo cáo cho biết họ phải làm việc nhiều giờ hơn do trường học đóng cửa và được yêu cầu làm nhiệm vụ lau dọn nhiều hơn.

Có những trường hợp người sử dụng lao động dừng trả lương cho lao động giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà do tình hình tài chính của bản thân họ hay cho rằng lao động giúp việc gia đình không cần đến lương vì không được ra ngoài.

Ở một số quốc gia theo luật yêu cầu lao động di cư làm giúp việc gia đình phải sống cùng chủ nhà, nhiều người đã phải lang thang ở ngoài đường sau khi bị người sử dụng lao động đuổi việc do sợ họ bị lây nhiễm virus. Điều này khiến họ có nguy cơ thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

ILO hiện đang phối hợp với các tổ chức của lao động giúp việc gia đình và các tổ chức của người sử dụng lao động để đảm bảo sức khỏe và sinh kế cho lao động giúp việc gia đình. ILO đang thực hiện đánh giá nhanh mức độ và bản chất của những nguy cơ mà người lao động giúp việc gia đình có thể phải đối diện để từ đó các chính phủ có thể đưa ra những chính sách đảm bảo diện bao phủ an sinh xã hội cơ bản bao gồm cả việc tiếp cận chăm sóc y tế thiết yếu và an ninh thu nhập cơ bản.

Đến nay đã có 29 quốc gia phê chuẩn Công ước số 189 của ILO về việc làm thỏa đáng cho lao động giúp việc gia đình, được Hội nghị Lao động Quốc tế thông qua 9 năm trước đây. Nhiều nước khác đã đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm mở rộng diện bao phủ của bảo trợ xã hội và bảo hộ lao động cho lao động giúp việc gia đình. ILO đã hỗ trợ khoảng 60 quốc gia thu hẹp khoảng cách trong diện bao phủ.

Mặc dù những biện pháp này đã giúp tăng số lượng lao động giúp việc gia đình có việc làm chính thức, tỷ lệ phi chính thức vẫn duy trì ở mức cao. ILO kêu gọi những nỗ lực khẩn trương thúc đẩy chính thức hóa công việc giúp việc gia đình để bảo vệ người lao động giúp việc gia đình trước những cú sốc trong tương lai.