COVID-19: Hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập

ILO ban hành hướng dẫn trở lại làm việc an toàn và khỏe mạnh trong đại dịch COVID-19

Những chính sách trở lại làm việc cần được xây dựng dựa trên cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, đặt quyền và các tiêu chuẩn lao động quốc tế làm trung tâm của các chiến lược kinh tế, xã hội và môi trường và đảm bảo rằng hướng dẫn chính sách được lồng ghép trong các hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp quốc gia.

Thông cáo báo chí | Ngày 26 tháng 5 năm 2020
A. Lallican H. Lucas/AFP
GENEVA – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới ban hành hai cuốn cẩm nang hướng dẫn tạo điều kiện trở lại làm việc an toàn và hiệu quả trong đại dịch COVID-19.

Tài liệu hướng dẫn cho biết những chính sách trở lại làm việc cần được xây dựng dựa trên cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, đặt quyền và các tiêu chuẩn lao động quốc tế làm trung tâm của các chiến lược kinh tế, xã hội và môi trường. Đối thoại xã hội, tập hợp các chính phủ và các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách hiệu quả và sự tin tưởng cần thiết để trở lại làm việc an toàn.

Trước khi trở lại làm việc, người lao động cần phải tin chắc rằng họ sẽ không phải đối diện với những rủi ro không đáng có...Và để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể vực dậy nhanh nhất có thể, người lao động sẽ cần phải hợp tác với những biện pháp mới này."

Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chính sách của ILO
Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên tài liệu hướng dẫn chuyên môn của ILO và các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, tạo quy chuẩn cho việc trở lại làm việc an toàn. Tài liệu nhấn mạnh rằng hướng dẫn chính sách cần được đưa vào những hệ thống An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp quốc gia do những hệ thống này tạo nền tảng xây dựng môi trường làm việc an toàn. Do vậy tài liệu hướng dẫn góp phần xây dựng một văn hóa liên tục cải tiến trong quản lý, thiết chế, luật pháp và quy định, thanh tra lao động, thu thập thông tin và các lĩnh vực khác ở cấp quốc gia.

Người lao động phải cảm thấy an tâm tại nơi làm việc, không phải lo ngại trước những rủi ro trực tiếp liên quan đến COVID-19 bao gồm vấn đề về tâm lý hay rủi ro liên quan đến công thái học phát sinh khi làm việc ở những tình huống bất tiện hay do cơ sở vật chất nghèo nàn khi làm việc từ xa. Họ cần được quyền dừng làm việc trong bất cứ tình huống nào “mà họ có lý do chính đáng để tin rằng tình huống đó tiềm tàng nguy cơ đe dọa đến tính mạng hay sức khỏe của mình”, và “cần được bảo vệ trước những hệ quả không đáng có có thể xảy ra”.

Hướng dẫn đưa ra đề xuất rằng cần tiến hành đánh giá từng môi trường làm việc, công việc hay nhóm công việc cụ thể trước khi trở lại làm việc và cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho mọi người lao động theo một khung phân cấp kiểm soát. Có thể loại bỏ nguy cơ lây nhiễm từ môi trường làm việc của những người làm việc tại nhà, còn đối với tất cả những lao động trở lại làm việc, cần ưu tiên áp dụng những phương án ít gây nguy hiểm hơn thay cho những tình huống gây nguy hiểm, chẳng hạn như tổ chức họp trực tuyến thay vì họp thực tế. Khi không thể kết hợp các biện pháp kiểm soát về cơ cấu và về tổ chức cần thiết để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cần triển khai các biện pháp cụ thể cho từng nơi làm việc, bên cạnh những thực hành lau dọn và vệ sinh, có thể sử dụng vật che chắn như tấm nhựa trong chắn giọt bắn khi hắt hơi, cải thiện vấn đề thông gió hay áp dụng cơ chế giờ làm việc linh hoạt. Hướng dẫn cũng nhắc rằng có thể cần sử dụng thêm các thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp để bổ sung cho các biện pháp khác, đặc biệt là đối với các công việc có tính chất nguy hiểm nhất và người lao động cần được cấp phát những trang thiết bị này miễn phí.

Cần tính đến nhu cầu của những lao động có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn, bao gồm người lao động cao tuổi, lao động đang mang thai, những người có bệnh nền, người tị nạn, người di cư và những người làm việc trong khu vực phi chính thức. Cần đặc biệt chú trọng đảm bảo những chính sách trở lại làm việc không tạo ra sự phân biệt về giới, tình trạng sức khỏe hay các yếu tố khác.

“Những thực hành lao động không an toàn ở bất cứ đâu là mối đe dọa đến cả sức khỏe và kinh doanh bền vững ở khắp mọi nơi. Vì thế, trước khi trở lại làm việc, người lao động cần phải tin chắc rằng họ sẽ không phải đối diện với những rủi ro không đáng có,” Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chính sách của ILO, cho biết. “Và để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể vực dậy nhanh nhất có thể, người lao động sẽ cần phải hợp tác với những biện pháp mới này. Điều đó có nghĩa là đối thoại xã hội sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng do đối thoại là cách thức hiệu quả nhất để cung cấp thông tin và ý kiến góp ý cho chính sách và hành động, từ đó tạo cơ hội tốt nhất cho một công cuộc phục hồi nhanh chóng và cân bằng.”

Cẩm nang hướng dẫn Trở lại làm việc an toàn và khỏe mạnh trong đại dịch COVID-19 có cung cấp một bảng kiểm gồm 10 điểm hướng dẫn thực hành cho người sử dụng lao động, người lao động và đại diện của họ. Đây là công cụ mang tính bổ trợ nhằm thực hành xây dựng các khoản mục chi tiết để trở lại làm việc an toàn nhưng không thay thế cho các quy định và hướng dẫn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của quốc gia.