Lao động di cư

ILO phát động cuộc thi truyền thông toàn cầu về lao động di cư

Cuộc thi hướng đến việc khuyến khích đưa tin bài có chất lượng về lao động di cư để bảo vệ tốt hơn quyền của người lao động.

Thông tin báo chí | Ngày 16 tháng 9 năm 2019
GENEVA – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đang phát động Cuộc thi Truyền thông Toàn cầu lần thứ năm nhằm ghi nhận tin bài xuất sắc về lao động di cư. Chủ đề của cuộc thi năm nay là “tuyển dụng công bằng” và “tương lai của di cư lao động”.
Lần đầu tiên, cuộc thi có hạng mục giải thưởng giành cho sinh viên và lựa chọn giải thưởng là một học bổng.

Mục tiêu của cuộc thi là nhằm khuyến khích việc đưa tin bài có chất lượng về vấn đề lao động di cư. Người di cư trên toàn thế giới phải đối diện với định kiến, sự không khoan dung và sự kỳ thị tại nơi làm việc và trong cộng đồng. Những hình dung sai lệnh của công chúng có thể dẫn tới nguy cơ lạm dụng, bóc lột và tạo khó khăn cho việc gắn kết xã hội.
Việc đưa tin bài không mang tính thành kiến và phù hợp với đạo đức của người làm báo có thể góp phần quan trọng giúp thay đổi định kiến, những quan niệm sai lệch và làm nổi bật những đóng góp tích cực của người lao động di cư đối với quốc gia cung cấp nguồn lao động và quốc gia lao động đến làm việc.

Hội đồng giám khảo gồm những chuyên gia về di cư quốc tế và các nhà báo sẽ lựa chọn người đạt giải dựa trên các tiêu chí: tính sáng tạo, tính chính xác, không định kiến, bảo vệ người lao động và đưa ra hình ảnh tích cực khi đưa tin về lao động di cư.

“Năm nay là năm ILO kỷ niệm 100 năm thành lập, đánh dấu 100 năm thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng”. Tuyên bố Thế kỷ vì Tương lai Việc làm được Hội nghị Lao động Quốc tế thông qua trong năm 2019 tái khẳng định sứ mệnh của ILO là bảo vệ mọi người lao động, trong đó có người lao động di cư, và nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy bình đẳng trong đối xử và xóa bỏ phân biệt đối xử đối với người lao động, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương”, bà Michelle Leighton, trưởng bộ phận Di cư Lao động của ILO, đồng thời là một thành viên hội đồng giám khảo, cho biết.

“Chúng tôi mong muốn xác định được những nhà báo thể hiện cam kết trong việc đưa tin bài một cách công bằng và không định kiến nhằm đảm bảo tăng cường hơn nữa nhận thức của công chúng về những đóng góp của người lao động di cư đối với cộng đồng và từ đó đóng góp cho việc xóa bỏ nhận thức sai lầm của xã hội, sự bài ngoại và sự phân biệt đối xử đối với người lao động di cư”.

Cuộc thi cũng góp phần thực hiện một số mục tiêu đặt ra trong “Hiệp ước Toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và hợp pháp và Hiệp ước Toàn cầu cho người tị nạn” mới được thông qua, trong đó bao gồm mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc cho người di cư và thay đổi những nhận thức sai lầm về di cư lao động. Cuộc thi cũng góp phần tăng cường nhận thức về việc làm thỏa đáng và di cư, là một chủ đề được đặc biệt chú trọng trong Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030. 

Cuộc thi này nhận được sự hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC), Tổ chức của Người sử dụng lao động Quốc tế (IOE), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc (OHCHR), Liên đoàn Nhà báo Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, báo Equal Times, Trung tâm Đoàn kết và Diễn đàn Di cư Châu Á.

Cuộc thi năm nay được thực hiện với sự hỗ trợ của dự án “Hành động toàn cầu nhằm cải thiện khuôn khổ tuyển dụng lao động di cư (REFRAME) do Liên minh Châu Âu tài trợ và dự án “Chương trình Toàn diện về Tuyển dụng Công bằng Pha II” (FAIR II) do Cơ quan hợp tác phát triển Thụy sỹ tài trợ.

Thể thức tham dự

Điền đơn tham dự trực tuyến thuộc hạng mục “chuyên nghiệp” hoặc “sinh viên”. Bài tham gia dự thi có thể thuộc thể loại bài viết, phóng sự ảnh, truyền thông đa phương tiện, báo hình và/hoặc báo tiếng. Xin xem Điều kiện và điều khoản tại đây để biết thêm chi tiết.  

Sản phẩm dự thi đủ điều kiện phải là tin bài được đăng tải trong khoảng thời gian từ 01 tháng 11 năm 2018 đến 31 tháng 10 năm 2019 (xem Điều khoản và Điều kiện để biết chi tiết). Có thể gửi bài dự thi bằng bất cứ ngôn ngữ nào, tuy nhiên cần cung cấp kèm theo bản dịch bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha nếu một phần hay toàn bộ bản gốc của bài dự thi sử dụng ngôn ngữ khác ngoài ba ngôn ngữ nêu trên.

Mốc thời gian chính


Hạn cuối gửi bài dự thi sử dụng Đơn tham dự trực tuyến: 31 tháng 10 năm 2019 (muộn nhất là 23:59, theo giờ Trung Âu)

Thời gian công bố người đạt giải (người đạt giải sẽ được liên hệ trước): 18 tháng 12 năm 2019 (Ngày Người di cư Quốc tế).

Giải thưởng

Có tổng cộng bốn giải thưởng chuyên nghiệp (hai giải cho chủ đề “tuyển dụng lao động di cư công bằng” và hai giải cho chủ đề “tương lai của lao động di cư”) và một giải thưởng dành cho sinh viên. Người đạt giải có thể lựa chọn nhận giải thưởng bằng tiền mặt (giá trị 1.000 đô la Mỹ đối với hạng mục chuyên nghiệp và 300 đô la Mỹ đối với giải thưởng dành cho sinh viên) hay lựa chọn một học bổng để tham dự một khóa học tại Trung tâm Đào tạo Quốc tế tại Turin về tuyển dụng công bằng hay di cư lao động vào năm 2020 (Xin xem Điều khoản và Điều kiện tại đây để biết thêm chi tiết). 

Chủ đề dự thi

Tuyển dụng lao động di cư công bằng

Bài dự thi thuộc chủ đề này cần nêu bật những thực tiễn tuyển dụng lao động di cư quốc tế có tác động như thế nào tới đời sống của người lao động di cư, cơ hội có được việc làm thỏa đáng và nguy cơ họ bị bóc lột, lạm dụng, bạo lực dựa trên giới, lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và buôn bán người. Bài dự thi cũng có thể lựa chọn hay bổ sung thêm nội dung công tác tuyển dụng lao động xuyên biên giới được điều tiết và quản trị một cách phù hợp có thể góp phần nâng cao kỹ năng, tạo việc làm và giúp thị trường lao động hoạt động hiệu quả như thế nào. Xem Sáng kiến Tuyển dụng công bằng của ILO, Các nguyên tắc chung và Hướng dẫn thực hành tuyển dụng công bằng của ILO và Định nghĩa về phí tuyển dụng và các phí có liên quan.

Tương lai của di cư lao động

Bài dự thi thuộc chủ đề này cần thể hiện những thách thức và cơ hội của người lao động di cư trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng trong bối cảnh những xu hướng hiện tại và tương lai định hình thế giới việc làm, bao gồm toàn cầu hóa, gia tăng bất bình đẳng, thay đổi nhân khẩu học, tiến bộ công nghệ, những hình thức việc làm không theo tiêu chuẩn, số lượng lớn lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng như sự cần thiết đảm bảo bình đẳng giới, học tập suốt đời và tạo việc làm có năng suất.