Lao động di cư

Công bố xếp hạng lần 4 các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Việc xếp hạng doanh nghiệp được tiến hành dựa trên kết quả đánh giá việc triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thông cáo báo chí | Ngày 17 tháng 4 năm 2017
Các doanh nghiệp nhận chứng chỉ xếp hạng 5 sao.


HÀ NỘI – Hôm nay, Hiệp hội Xuất khẩu Lao động Việt Nam (VAMAS) đã công bố kết quả đánh giá hàng năm các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với 43% doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao.

Đây là lần thứ 4 việc xếp hạng doanh nghiệp được tiến hành dựa trên kết quả đánh giá việc triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Quy tắc ứng xử này được xây dựng vào năm 2010. Việc giám sát đánh giá được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Bộ Quy tắc ứng xử là một công cụ tự nguyện được áp dụng đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm cải thiện mức độ tuân thủ với luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy quản lý doanh nghiệp tốt hơn và bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài khỏi việc bị bóc lột, kể cả lao động cưỡng bức và mua bán người.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS, cho biết “ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng Bộ quy tắc ứng xử đã có những tiến bộ” trên nhiều lĩnh vực như chọn đối tác và đơn hàng tốt, tuyển chọn, đào tạo cho người lao động, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài và chắp nối việc làm cho người lao động trở về.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết các vi phạm của doanh nghiệp khi thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong năm 2016 bao gồm không báo cáo theo định kỳ, đào tạo không đầy đủ, thu phí cao hơn quy định và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được phép.

Trong số 86 doanh nghiệp được xếp hạng năm 2016, có 37 doanh nghiệp được xếp hạng 5 sao; 41 doanh nghiệp được xếp hạng 4 sao và số còn lại được xếp hạng 3 sao. Những doanh nghiệp được xếp hạng này đã đưa trên 60% tổng số người lao động đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2016.

Trong năm tới, số lượng doanh nghiệp tham gia đánh giá, xếp hạng này sẽ tăng lên 106 doanh nghiệp.

Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong “bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài khỏi các hành động bị bóc lột hoặc lừa đào trong quá trình họ đi làm việc ở nước ngoài, giảm chi phí di cư cũng như tăng cường đóng góp cho phát triển của lao động di cư”.

“Kinh nghiệm cho thấy hoạt động tuyển dụng chuẩn mực sẽ đem lại kết quả tốt trong lao động di cư, và điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững cho người lao động, gia đình họ, cộng đồng và cả đất nước Việt Nam,” TS Lee cho biết.

Số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong vòng 2 thập kỷ qua. Trong năm 2016, có 278 doanh nghiệp được cấp giấy phép đang hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phái cử được 126.000 lao động đi làm việc ngoài nước – số lượng hàng năm cao nhất cho đến nay.

Hầu hết trong số khoảng 232 triệu người di cư trên thế giới đã rời đất nước của họ để tìm việc làm bền vững nhằm cải thiện cuộc sống và gia đình. Theo Chương trình Nghị Sự về di cư Bình đẳng của ILO, mặc dù sự phân biệt đối xử, lạm dụng lao động vẫn còn phổ biến, chi phí đi làm việc ở nước ngoài còn cao, hoạt động di cư lao động vẫn có thể thúc đẩy phát triển con người và tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Quang Anh, Quản lý cao cấp về Thương mại và Phát triển, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, nhà tài trợ chính cho Dự án về di cư lao động khu vực ASEAN (Dự án Tam giác) cho biết: “tất cả lao động di cư, không phân biệt giới tính, cần được tiếp cận đầy đủ với hoạt động di cư công bằng và việc làm bền vững”.

Xem kết quả đánh giá xếp hạng các doanh nghiệp tuyển dụng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại đây.