Báo cáo tiền lương toàn cầu

Tăng trưởng tiền lương toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua

Khôi phục tiền lương ở một số nền kinh tế phát triển – gồm Mỹ và Đức – không đủ để bù đắp mức sụt giảm ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Thông cáo báo chí | Ngày 16 tháng 12 năm 2016
© T.Aljibe / AFP
GENEVA - Tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới đã sụt giảm từ năm 2012, từ 2,5% xuống còn 1,7% vào năm 2015 – mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua. Theo Báo cáo tiền lương toàn cầu của ILO 2016 – 2017, nếu không tính đến Trung Quốc là quốc gia có mức tăng trưởng tiền lương nhanh nhất thế giới, tăng trưởng tiền lương toàn cầu đã giảm từ 1,6% xuống còn 0,9% trong giai đoạn này.

Trong hầu hết giai đoạn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, tăng trưởng tiền lương toàn cầu được cải thiện nhờ mức tăng trưởng tiền lương khá mạnh mẽ ở các quốc gia và khu vực đang phát triển. Tuy nhiên, gần đây xu hướng này đã chậm lại và đảo chiều.

Trong số các quốc gia đang phát triển và mới nổi thuộc G20, tăng trưởng tiền lương thực tế giảm từ 6,6% năm 2012 xuống 2,5% năm 2015. Ngược lại, tăng trưởng tiền lương trong các quốc gia phát triển trong G20 tăng từ 0,2% năm 2012 lên 1,7% năm 2015 – tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Năm 2015, tiền lương tăng 2,2% ở Mỹ, 1,5% ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Á, và 1,9% ở các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu.

“Tăng trưởng tiền lương nhanh hơn ở Mỹ và Đức lý giải một phần quan trọng của những xu hướng này. Tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng xu hướng đáng khích lệ này có thể tiếp tục được duy trì trong tương lai hay không do các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng về kinh tế, xã hội và chính trị,”, bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc ILO phụ trách về Chính sách, cho biết. “Trong bối cảnh nền kinh tế mà nhu cầu tiêu dùng thấp dẫn đến việc giảm phát, tiền lương sụt giảm có thể là gốc rễ của một mối quan ngại lớn do nó có thể làm tăng thêm áp lực giảm phát.”

Báo cáo Bất bình đẳng về tiền lương trong lao động ghi nhận sự khác biệt lớn giữa các khu vực trong các quốc gia đang phát triển. Ví dụ như, năm 2015, tăng trưởng tiền lương duy trì tương đối mạnh mẽ ở mức 4% ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, giảm xuống còn 3,4% ở Trung Á và Tây Á, và ở mức tương đương 2,1% ở các quốc gia A-rập và 2% ở Châu Phi. Nhưng tiền lương thực tế năm 2015 giảm còn 1,3% ở Châu Mỹ Latinh và Caribe và 5,3% ở Tây Âu.

Bất bình đẳng về tiền lương dốc hơn ở đỉnh

Báo cáo cũng xem xét đến việc phân bổ tiền lương trong các quốc gia. Ở hầu hết các quốc gia, tiền lương tăng dần ở đều khắp bảng phân bổ lương và nhảy vọt ở tốp 10% và thậm chí tăng cao nhất ở nhóm 1% người lao động được trả lương cao nhất.

Ở Châu Âu, tốp 10% người lao động được trả lương cao nhất chiếm trung bình 25,5% tổng tiền lương trả cho người lao động ở quốc gia của họ, gần tương đương với mức 50% người lao động nhận được mức lương thấp nhất (29,1%). Tỷ trọng của tốp 10% thậm chí còn cao hơn ở một số nền kinh tế mới nổi, ví dụ như Brazil (35%), Ấn Độ (42,7%) và Nam Phi (49,2%).

Bất bình đẳng về tiền lương thậm chí còn lớn hơn đối với phụ nữ. Trong khi khoảng cách thu nhập theo giờ giữa nam và nữ ở Châu Âu là khoảng 20%, khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ trong nhóm một phần trăm người có thu nhập cao nhất lên tới 45%. Giữa nam CEO và nữ CEO, là những người thuộc nhóm một phần trăm có thu nhập cao nhất, khoảng cách về thu nhập là trên 50%.

Vai trò của bất bình đẳng về tiền lương giữa các doanh nghiệp và trong nội bộ doanh nghiệp

Lần đầu tiên báo cáo xem xét đến việc phân bổ tiền lương trong doanh nghiệp. Báo cáo phân tích mức độ bất bình đẳng về tiền lương tổng thể là kết quả của tình trạng bất bình đẳng về tiền lương giữa các doanh nghiệp và trong nội bộ doanh nghiệp.

Tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở các quốc gia đang phát triển có xu hướng lớn hơn ở các quốc gia phát triển. Trong khi ở các quốc gia phát triển, tiền lương trung bình của nhóm 10% dẫn đầu của doanh nghiệp có xu hướng cao gấp hai đến năm lần nhóm 10% thấp nhất, tỉ lệ này ở Việt Nam là 8 lần và ở Nam Phi thậm chí là 12 lần.

“Tính trung bình, ở 22 quốc gia Châu Âu, bất bình đẳng trong doanh nghiệp chiếm 42% trên tổng số trường hợp bất bình đẳng về tiền lương, trong khi số còn lại là các trường hợp bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp”, bà Rosalia Vazquez-Alvarez, chuyên gia kinh tế của ILO và đồng thời là một tác giả của báo cáo, cho biết.

Khi so sánh tiền lương của từng người lao động với mức tiền lương trung bình của doanh nghiệp mà họ làm việc, báo cáo cho thấy ở Châu Âu, khoảng 80% được trả lương thấp hơn mức lương trung bình. Trong số một phần trăm được trả lương trung bình cao nhất của doanh nghiệp, nhóm một phần trăm người lao động được trả lương thấp nhất được trả trung bình 7,1 Euro mỗi giờ trong khi nhóm 1% dẫn đầu được trả trung bình 844 Euro mỗi giờ.

“Mức độ bất bình đẳng về tiền lương trong nội bộ doanh nghiệp góp phần khá lớn vào tình trạng bất bình đẳng về tiền lương nói chung, điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách về tiền lương ở cấp độ doanh nghiệp trong việc giảm bất bình đẳng một cách tổng thể”, theo bà Greenfield.

Báo cáo nêu bật những chính sách có thể được áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh quốc gia nhằm giảm bớt mức độ bất bình đẳng quá mức về tiền lương. Tiền lương tối thiểu và thỏa ước tập thể đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh này. Các biện pháp khác có thể áo dụng là việc quy định hay tự quy định về tiền công điều hành, nâng cao năng suất của các doanh nghiệp bền vững và giải quyết những nhân tố dẫn tới bất bình đẳng về tiền lương giữa các nhóm người lao động, bao gồm cả phụ nữ và nam giới.