Đánh giá độc lập về Better Work

Chương trình hỗ trợ ngành may mặc của ILO-IFC cải thiện cuộc sống của người lao động và giúp doanh nghiệp vững mạnh hơn

Một nghiên cứu độc lập về chương trình Better Work (với số lao động từ nhà máy tham gia chiếm một phần năm tổng lao động trong ngành may mặc tại Việt Nam) cho thấy sự thay đổi đáng kế về chất lượng cuộc sống của người lao động đang làm việc tại những nhà máy mà chương trình tư vấn cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và lợi nhuận.

Thông cáo báo chí | Ngày 27 tháng 9 năm 2016
HÀ NỘI – Một nghiên cứu độc lập về chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cho thấy sự cải thiện tích cực về điều kiện làm việc tại các nhà máy may ở bảy quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Tufts ở Hoa Kỳ, chương trình Better Work (chương trình Việc làm Tốt hơn) đã hỗ trợ các nhà máy ra khỏi danh sách những nơi làm việc có giờ làm việc kéo dài, trả lương thấp, đe dọa sa thải, và lạm dụng hợp đồng thử việc. Ở Việt Nam, công nhân tại các nhà máy tham gia Better Work cho biết lương hàng tuần tăng (khác với mức tăng lương tối thiểu), và hiện tại ít lo ngại về việc phải làm tăng ca quá nhiều và lương thấp so với tình trạng cách đây năm năm.

Có khoảng 15% nhà máy tham gia Better Work không tuân thủ các yêu cầu về mức lương tối thiểu trong giai đoạn đầu của nghiên cứu này nhưng con số này đã giảm xuống còn 3% sau năm năm tham gia chương trình.

Dịch vụ tư vấn và đào tạo của Better Work cũng giúp ngăn chặn việc lạm dụng hợp đồng thử việc, điều này có nghĩa công việc của người lao động hiện tại được đảm bảo hơn, ít bị đe dọa sa thải, đặc biệt là khi họ từ chối tăng ca.

Báo cáo cũng ghi nhận tình trạng nhiều nhà máy ở Việt Nam áp dụng cách truyền thống là “trả lương cơ bản thấp” và người lao động buộc phải làm thêm giờ nếu muốn tăng thu nhập. Trong khi đây vẫn là vấn đề nghiêm trọng của ngành, thì tỷ lệ nhà máy tham gia Better Work có mức tăng ca vượt quá thời gian quy định giảm từ 90% trong giai đoạn đầu nghiên cứu còn 50% sau năm năm.

Trong cùng thời gian, báo cáo cũng cho thấy thời gian làm việc của công nhân may tại Việt Nam giảm từ 59 giờ thông thường xuống còn 55 giờ/tuần.

Đào tạo chuyền trưởng nữ - một bước ngắn cho lợi ích lớn

Các nhà nghiên cứu của Đại học Tufts cũng ghi nhận chương trình Đào tạo Kỹ năng quản lý cho chuyền trưởng (SST) là một chiến lược hiệu quả để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng lực cho lao động nữ làm việc trong ngành.

Tại Việt Nam, phân tích cho thấy các chuyền sản xuất được giám sát bởi các chuyền trưởng nữ đã tham gia đào tạo bởi Better Work đạt được mục tiêu sản xuất nhanh hơn những người chưa qua đào tạo, góp phần tăng năng suất thêm 22%.

Lợi ích cho doanh nghiệp

Báo cáo nghiên cứu đưa ra kết luận rằng việc cải thiện điều kiện làm việc không ảnh hưởng đến chi phí cho hoạt động kinh doanh; nhà máy thực sự có thể thực hiện được. Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa điều kiện lao động tốt hơn và lợi nhuận cao hơn theo thời gian. Qua việc theo dõi các nhà máy tại Việt Nam, sau bốn năm tham gia Better Work, lợi nhuận trung bình tăng thêm 25%.

Các đánh giá của Better Work cũng đang trở thành tiêu chuẩn của ngành, có nghĩa là các nhà máy hiện tại đang nhận số lần đánh giá trùng lập ít hơn từ các khách hàng mà họ đang cung cấp, đồng nghĩa với việc giúp nhà máy tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Bằng chứng của kết quả hai bên cùng có lợi – cải thiện được điều kiện làm việc trong khi vẫn thúc đẩy tăng cao lợi nhuận – cho đến giờ vẫn hầu như chỉ tồn tại ở một số trường hợp riêng lẻ. Bởi vậy, báo cáo đánh giá tác động của Đại học Tufts đã tạo nên những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập bằng chứng cho mối quan hệ này,” – Giáo sư Drusilla Brown, tác giả chính của báo cáo này cho biết.

Về Chương trình Better Work

Chương trình Better Work, sáng kiến chung của ILO và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên của Ngân hàng Thế giới, bắt đầu hoạt động từ năm 2009 hướng tới mục tiêu cải thiện điều kiện lao động và nâng cao tính cạnh tranh trong các chuỗi cung ứng may mặc toàn cầu. Làm việc với hơn 50 nhãn hàng quốc tế, chương trình thiết lập mối quan hệ đối tác với khách hàng trong chuỗi cung ứng, cũng như hỗ trợ nhà máy nâng cao năng lực thông qua dịch vụ tư vấn và đào tạo. Hiện tại chương trình đang hoạt động ở 7 quốc gia: Việt Nam, Bangladesh, Cam-pu-chia, Indonesia, Jordan, Haiti và Nicaragua.

Chương trình Better Work tại Việt Nam được sự tài trợ của Chính phủ các nước Ireland, Bộ Ngoại giao Hà Lan, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Bộ Phát triển Việc làm và Xã hội Canada (ESDC), Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL). Chương trình hiện đang cung cấp dịch vụ cho hơn 400 nhà máy với hơn 517.000 lao động – chiếm 21% tổng số lao động trong ngành.