This story was written by the ILO Newsroom For official ILO statements and speeches, please visit our “Statements and Speeches” section.

Giảm nghèo

Miền quê nghèo Việt Nam đổi đời nhờ du lịch

Trong ba năm qua, dự án của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã giúp phát triển du lịch, tạo việc làm và giảm nghèo ở những khu vực kém phát triển hơn của đất nước.

Feature | 11 February 2015
Chị Đinh Thị Thìn, hướng dẫn viên du lịch địa phương và phó ban quản lý du lịch cộng đồng làng Bhờ Hoòng
QUẢNG NAM, VIỆT NAM – Du lịch đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cô gái 26 tuổi Đinh Thị Thìn và những người dân ở làng Bhờ Hoòng, huyện miền núi vùng sâu Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Là người dân tộc Cơ Tu – một trong những dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung, chị Thìn đã những tưởng rằng chị sẽ lãng phí hai năm học tại trường cao đẳng du lịch, để rồi cuối cùng vẫn chỉ an phận với cuộc sống làm nương rẫy và chăm lo gia đình.

Chị tâm sự: “Em đã rất may mắn là một trong số ít người ở làng được đi học cao đẳng. Nhưng lúc đó, em phần nào cũng đã chấp nhận an phận lập gia đình và sống cuộc sống như những người Cơ Tu khác, không tham gia làm kinh tế vì ở đây cũng không có việc gì.”

Sự hiện diện của ILO

Với gần 3.300km đường bờ biển và thu hút khoảng 7,8 triệu du khách quốc tế mỗi năm, du lịch đã và đang là một trong những động lực của nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển quan trọng của nền công nghiệp không khói có giá trị khoảng 10,7 tỷ USD này là một nguồn tạo việc làm chính, nhưng cơ hội không được phân bổ đều cho mọi miền đất nước và lực lượng lao động.

Phần lớn sự phát triển du lịch tập trung ở một số khu vực dọc bở biển, trong khi những vùng sâu trong đất liền được hưởng lợi không đáng kể.

Chẳng hạn, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được khá nhiều nguồn đầu tư quan trọng để phát triển hạ tầng du lịch dọc 125km bờ biển, với những dải san hô tuyệt đẹp, và hai địa danh di sản văn hóa của thế giới – Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Tuy nhiên, du lịch thường chỉ hạn chế ở những tour trong ngày xuất phát từ bờ biển, khiến các khu vực ở vùng sâu trong đất liền hầu như không được hưởng lợi.

Đưa du lịch đến với vùng sâu trong đất liền

Dự án của ILO tại tỉnh Quảng Nam cố gắng thúc đẩy một sự phát triển cân bằng hơn, sử dụng du lịch làm bàn đạp để giảm nghèo ở các khu vực miền núi và nông thôn.

Dự án do Chính phủ Luxembourg tài trợ này dựa trên phương pháp tiếp cận bền vững và sử dụng bộ Công cụ giảm nghèo thông qua du lịch của ILO. Mục tiêu của dự án là kết nối các cộng đồng dân cư nghèo và bị tách biệt với nền du lịch đang phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội để người dân địa phương bán các sản phẩm thủ công và các dịch vụ du lịch. Những người phụ nữ địa phương, như chị Thìn, đóng vai trò quan trọng trong cách tiếp cận này.

Phụ nữ dân tộc Cơ Tu tại làng Bhờ Hoòng
“Phân tích chuỗi giá trị của ngành du lịch trên thế giới chứng minh được mối quan hệ của ngành này với các ngành kinh tế khác, như nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ công ích và giao thông vận tải, góp phần vào công cuộc giảm nghèo. Một việc làm trong ngành du lịch có thể tạo thêm 1,5 việc làm gián tiếp cho các ngành kinh tế liên quan,” Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết.

Trong ba năm qua, dự án đã phát triển một bộ tài liệu tập huấn cho các khách sạn vừa và nhỏ và các cơ sở lưu trú, một bộ tài liệu đào tạo hướng dẫn viên du lịch và lái xe. Dự án đồng thời cũng kết nối các trường du lịch với các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh Quảng Nam.

Cũng trong khuôn khổ dự án, ba làng du lịch cộng đồng, bao gồm làng Bhờ Hoòng, mở cửa đón khách vào giữa năm 2013, và chỉ vài tháng sau đã báo cáo lợi nhuận ròng từ các hoạt động du lịch.

Nguồn thu nhập mới

Điệu nhảy truyền thống tại làng Bhờ Hoòng
Các hộ gia đình trong ba ngôi làng này giờ đây thu được tổng lợi nhận ròng khoảng 110 triệu đồng (5.100 USD) mỗi tháng từ các dịch vụ du lịch và bán các sản phẩm thủ công. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, đó là cả một gia tài, bởi gần 25% số hộ gia đình của tỉnh vẫn sống dưới hoặc cận chuẩn nghèo quốc gia (400.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn).

“Du lịch đã thổi luồng gió mới vào cuộc sống của chúng em – những gì mà trước đây em cũng chẳng dám mơ tới,” chị Thìn tâm sự. Nay chị đã là một người vợ và một người mẹ của bé gái 4 tuổi. “Nhờ dự án của ILO mà làng em có thể có nhiều kiến thức để làm du lịch cộng đồng. Giờ em được làm theo đúng sở thích và nhiều hộ gia đình khác trong làng cũng chọn du lịch làm sinh kế ngoài việc lên nương rẫy kiếm ăn.”

Chị Thìn hiện làm hướng dẫn viên du lịch, và là phó ban quản lý du lịch cộng đồng của làng, giúp xúc tiến tour du lịch và phát triển du lịch địa phương. Trong hai năm qua, chị cũng là tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho dân làng.

Tuy nhiên, những người dân địa phương không phải là những người duy nhất được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng ở vùng cao này.

Chị Phan Thị Hiền, phụ trách công ty Active Adventure – một trong những doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour tới làng Bhờ Hoòng cho biết: “Khách của chúng tôi rất thích những trải nghiệm ở đây. Họ thích dịch vụ homestay và các sản phẩm địa phương do chính dân làng cung cấp. Tôi rất hài lòng vì có thể đa dạng hóa các tour du lịch của mình, góp phần tăng doanh thu, đồng thời giúp cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.”

Ngoài Quảng Nam, bộ Công cụ giảm nghèo thông qua du lịch đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam áp dụng thành công ở tám tỉnh khác.

“Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng ra các địa phương khác, để có thêm nhiều người Việt Nam có thể hưởng lợi từ những cơ hội việc làm mới và năng suất cao trong ngành du lịch đang phát triển nhanh này,” Giám đốc ILO Việt Nam kết luận.