Báo cáo Xu hướng Việc làm và Xã hội Thế giới 2015

Dự báo thất nghiệp tăng trong 5 năm tới do bất bình đẳng kéo dài

Báo cáo của ILO cho thấy việc trì trệ trong phục hồi việc làm và bất ổn xã hội là hậu quả của bất bình đẳng.

News | 20 January 2015
 
Where will unemployment be the highest over the next five years? 

GENEVA – Báo cáo mới của ILO cho thấy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới khi kinh tế toàn cầu bước vào một giai đoạn mới với kết hợp tăng trường chậm hơn, làm tăng thêm sự bất bình đẳng và biến động.

Theo Báo cáo Xu hướng Viễn cảnh Việc làm và Xã hội Thế giới 2015, đến năm 2019, sẽ có hơn 212 triệu người sẽ không có việc làm so với con số 201 triệu hiện nay.

“Thế giới đã mất đi hơn 61 triệu việc làm kể từ khi bắt đầu khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và dự báo của chúng tôi cho thấy thất nghiệp sẽ còn tăng cao cho đến cuối thập kỷ này. Điều này có nghĩa là khủng hoảng việc làm vẫn còn chưa kết thúc và chúng ta không thể ngồi yên bằng lòng với con số này,’ ông Guy Ryder, Tổng Giám Đốc ILO cho biết.

Tình hình việc làm đã được cải thiện ở Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng còn khó khăn ở một số nền kinht ế phát triển, đặc biệt là ở Châu Âu.

Việc làm dễ bị tổn thương

Hai vùng Nam Á và Châu Phi hạ Sahara có số việc làm dễ bị tổn thương chiếm ba phần tư trên toàn thế giới. Còn khu vực Đông Á lại có khả năng tốt nhất trong việc giảm tỷ lệ lao động dễ bị tổn thương, từ 50,2% năm 2007 xuống 38,9% năm 2019.

Tình hình việc làm không được cải thiện nhiều ở khu vực Châu Phi hạ Sahara, mặc dù kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt hơn. Còn ở khu vực Ả Rập, một số vùng thuộc Châu Mỹ La Tinh và vùng biển Caribe, viễn cảnh việc làm đang có xu hướng xấu đi.

Giá dầu và khí đốt giảm mạnh và nếu vẫn tiếp tục, sẽ hỗ trợ cải thiện triển vọng việc làm phần nào tại nhiều nước phát triển và một vài nước Châu Á khác. Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt lại ảnh hưởng xấu tới các thị trường lao động các nước chuyên sản xuất dầu và khí đốt, cụ thể là khu vực Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Ả Rập.

Lao động trẻ trong độ tuổi từ 15-24 đặc biệt bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, với tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên trên toàn cầu lên tới gần 13% năm 2014 và sẽ còn tăng cao nữa trong những năm tới. Ngược lại, lao động trưởng thành vẫn ở tình trạng khá tốt kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển ngày càng tăng

Ở các nước đang phát triển, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 34% trong tổng số lao động. Tỷ lệ gia tăng tầng lớp này có thể thấy rõ rệt nhất ở các nước mới nổi và có thu nhập thấp.

“Tin vui là số người lao động làm việc dễ bị tổn thương và lao động nghèo đều đã giảm đáng kể trên thế giới. Tuy nhiên, việc gần một nửa số lao động trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận các nhu cầu cơ bản và công việc tử tế là không thể chấp nhận được,” ông Ryder cho biết. “Đối với phụ nữ, tình còn tệ hơn nữa.”

Bất bình đẳng thu nhập, thất nghiệp và tình trạng bất ổn xã hội

Bất bình đẳng ngày càng gia tăng và dai dẳng cũng như triển vọng không chắc chắn đối với đầu tư doanh nghiệp đã gây ra nhiều khó khăn cho các quốc gia để có thể phục hồi từ khủng hoảng.

“Mức lương thấp dẫn đến việc người tiêu dùng ít mua hàng hơn, đầu tư còn dè dặt, điều này rõ ràng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến phát triển. Bất bình đẳng trong thu nhập ở một số quốc gia tiên tiến hiện đã đạt đến mức thường thấy ở các nền kinh tế mới nổi. Ngược lại, các quốc gia mới nổi đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm mức độ bất bình đẳng vốn ở mức cao,” người đứng đầu ILO cho biết.

Báo cáo cho thấy bất bình đẳng trong thu nhập sẽ còn gia tăng, với 10% số người giàu nhất có thu nhập chiếm 30% đến 40% trong tổng thu nhập của tất cả người lao động trong khi 10% nhóm người nghèo nhập có thu nhập chỉ chiếm khoảng 2% đến 7% tổng thu nhập.

Những xu hướng này đã làm giảm lòng tin vào Chính phủ và có nguy cơ cao gây bất ổn xã hội, báo cáo cảnh báo. Tình trạng bất ổn xã hội là đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia và khu vực có tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao hoặc đang trên đà gia tăng.

Đồng hành với tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng, tình trạng bất ổn xã hội cũng tăng vọt kể từ khi bắt đầu khủng hoảng năm 2008 và đã cao hơn gần 10% so với trước khủng hoảng.

Chỉ các nền kinh tế và quốc gia phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương là đã chứng kiến đà suy giảm của bất ổn xã hội – sau khi đạt đến đỉnh điểm trước hoặc trong thời gian khủng hoảng kinh tế. Nhưng ngay cả ở đó, mức độ bất ổn xã hội vẫn cao hơn rất nhiều so với trung bình của lịch sử.

Thử thách phía trước

Báo cáo chỉ ra rằng các yếu tố khác trong thế giới việc làm, ví dụ như giảm nguồn cung lao động – phần lớn là do già hóa dân số trên nhiều khu vực trên thế giới – làm giảm tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu.

Một số các yếu tố khác bao gồm sự thay đổi lớn về nhu cầu về kỹ năng. Ở mức độ toàn cầu, tỷ lệ người lao động kỹ năng thấp, công việc không thường xuyên ví dụ như nhân viên an ninh và nhân viên chăm sóc cá nhân, cũng như các công việc kỹ năng cao không thường xuyên ví dụ như luật sư, kỹ sư phần mềm đang tăng cao. Bên cạnh đó, các công việc thường xuyên cần kỹ năng trung bình – ví dụ như quản thư, văn thư đang giảm dần.

“Xu hướng trước mắt rất đáng lo nhưng chúng ta có thể cải thiện được bức tranh kinh tế tổng thể nếu chúng ta có thể đối diện giải quyết những điểm yếu chính, đặc biệt là việc liên tục thiếu tổng cầu, sự trì trệ ở khu vực đồng Euro, triển vọng không chắc chắn cho việc đầu tư hiệu quả, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như bất bình đẳng tăng cao,” ông Ryder nhận định.