Tuần lễ an toàn lao động

Phát biểu của Giám đốc ILO Việt Nam nhân tuần lễ quốc gia về an toàn lao động

Giám đốc ILO Việt Nam, Gyorgy Sziraczki, phát biểu tại buổi lễ lễ phát động Tuần lễ quốc gia về An toàn Vệ sinh Lao động và Phòng chống cháy nổ được tổ chức tại TP Huế vào ngày 16/3.

Statement | Hanoi, Viet Nam | 16 March 2014
• Kính thưa Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội!

• Kính thưa các vị đại biểu và các vị khách quý!


Hôm nay, tôi rất lấy làm vinh dự được cùng các bạn “suy nghĩ và hành động” để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe cho người lao động.

Trên thế giới, cứ 15 giây lại có một người chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Cứ 15 giây, có 160 người bị tai nạn lao động.

Tổn thất lớn lao về con người như vậy không thể là nền tảng cho sự tăng trưởng, phát triển hoặc chiến lược doanh nghiệp bền vững. Gánh nặng kinh tế do thiếu an toàn vệ sinh lao động gây ra cũng rất lớn, ước tính khoảng 4% GDP toàn cầu mỗi năm.
Nhưng những tổn thất này có thể phòng tránh được. Phòng ngừa hữu hiệu và ít tốn kém hơn so với khắc phục hậu quả.

Để làm được điều này, bước cơ bản là công nhận các khung chính sách của Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra để có cách phòng ngừa hiệu quả.

Bốn ngày trước, Việt Nam đã trở thành nước thứ ba tại khu vực Đông Nam Á và nước thứ 5 ở châu Á phê chuẩn Công ước 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, Việt Nam đặt an toàn lao động là ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự quốc gia.

Với việc gia nhập Công ước 187, Việt Nam trở thành tấm gương điển hình trong khu vực về việc đảm bảo nơi làm việc an toàn hơn, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ra thế giới rằng các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trong điều kiện an toàn. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại và nâng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Để tiếp tục phát huy, chúng ta cần:

Thứ nhất, cải thiện số liệu thống kê bởi kiến thức là chìa khóa phòng ngừa.

Thứ hai, thúc đẩy “văn hóa phòng ngừa” trong toàn xã hội.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức.

Thứ tư, cải thiện hệ thống giám sát y tế quốc gia và thanh tra lao động.

Thứ năm, tăng cường sự tham gia của các tổ chức của người lao động, người sử dụng lao động và đối thoại xã hội nhằm không ngừng cải thiện các chính sách và phương thức thực hành an toàn vệ sinh lao động.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đặt mục tiêu hành động cụ thể nhằm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Khó có thể thay đổi lớn trong một sớm một chiều, nhưng tiến bộ là điều hoàn toàn có thể đạt được, nhất là với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Tổ chức Lao động Quốc tế luôn sẵn sẵng hỗ trợ các bạn đẩy nhanh sự tiến bộ này.

Xin trân trọng cảm ơn. Kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe!