Int'l Migrants Day (18 December)

Thúc đẩy và bảo vệ quyền và tự do cơ bản của tất cả người di cư

Người di cư có những đóng góp cơ bản và quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của quốc gia nơi họ tới làm việc cũng như quê hương họ. Tuy nhiên, những đóng góp này của họ thường không được ghi nhận mà thay vào đó dư luận xã hội bị bao phủ bởi thái độ bài ngoại và phân biệt đối xử, ở cả trong và ngoài nơi làm việc.

Statement | Hanoi, Viet Nam | 18 December 2013

Tuyên bố chung của Tổng Giám đốc Tổ chức lao đọng quốc tế (ILO) – Guy Ryder và Cao uỷ Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR) – Navi Pilay


Hôm nay, ngày 18/12/2013, Tổ chức Lao động quốc tế và Cao uỷ Liên hiệp quốc về Nhân quyền cùng vinh danh 232 triệu người di cư trên toàn thế giới, những người đã rời gia đình của họ để đi tìm một cuộc sống tốt hơn, giá trị hơn cho bản thân và gia đình họ.

Người di cư có những đóng góp cơ bản và quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của quốc gia nơi họ tới làm việc cũng như quê hương họ. Tuy nhiên, những đóng góp này của họ thường không được ghi nhận mà thay vào đó dư luận xã hội bị bao phủ bởi thái độ bài ngoại và phân biệt đối xử, ở cả trong và ngoài nơi làm việc.

Sự phân biệt đối xử do họ là người di cư không chỉ vi phạm quyền con người, mà còn là một rào cản đối với việc làm bền vững và hội nhập xã hội trên phạm vi rộng.

Người di cư không có giấy tờ hợp pháp là đối tượng đặc biệt thường gặp phải rủi ro bị lạm dụng vì họ dễ bị rơi vào tình cảnh bị phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng trong tất cả các khâu của quá trình di cư

Trong bối cảnh đó, đã đến lúc cần có sự thay đổi cơ bản trong cách thức chúng ta suy nghĩ, nhận thức về di cư. Chúng ta cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức về những sự đóng góp tích cực về kinh tế và xã hội của người di cư đối với xã hội. Đã đến lúc chúng ta thực hiện việc đảm bảo quyền con người và tiêu chuẩn lao động một cách hiệu quả hơn, cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể để xoá bỏ sự phân biệt đối xử và tâm lý bài ngoại đối với người di cư, bao gồm:

o Ban hành và sửa đổi chính sách pháp luật nhằm xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với người di cư;
o Tăng cường công tác thực thi luật pháp và xử lý hình sự các hành động mang tính bài ngoại và bạo lực, tạo điều kiện cho người di cư được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý;
o Thực hiện nhiều chiến dịch với sự tham gia của các bên có liên quan nhằm chấm dứt những thông tin tiêu cực, không chính xác trong xã hội và thúc đẩy sự ghi nhận, tạo điều kiện và tôn trọng người di cư;
o Thu thập và thông tin rộng rãi số liệu chính xác về sự phân biệt đối xử với người di cư, những đóng góp tích cực của người di cư đối với công cuộc phát triển của cả nước tiếp nhận và nước phái cử;

Tháng 10/2013, tại Đối thoại cấp cao về Di cư quốc tế và Phát triển, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc đã tái khẳng định nhu cầu cần thúc đẩy và bảo vệ một cách hiệu quả quyền và tự do cơ bản của tất cả người di cư, bất kể tình trạng di cư của họ. Họ cũng nhấn mạnh nhu cầu cần phải tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế và các quyền của người lao động tại nơi làm việc.

Hôm nay, trước thềm kỷ niệm 65 năm ngày thông qua Công ước quốc tế đầu tiên về quyền của lao động di cư (Công ước số 97) và 20 năm ngày thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, Tổ chức Lao động quốc tế và Cao Uỷ Liên hiệp quốc về Nhân quyền thúc giục các quốc gia thành viên thúc đẩy cam kết này với cách tiếp cận thực sự dựa trên quyền đối với vấn đề di cư quốc tế.

Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau, với tất cả các cơ quan hữu quan của các Chính phủ, các Cơ quan độc lập về Nhân quyền , các đối tác xã hội, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác có liên quan để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người của tất cả ngươi di cư trên toàn thế giới.