An toàn vệ sinh lao động

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu tại Vũng Tàu trong Lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Tại Lễ phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động Vũng Tàu, 15 tháng 3 năm 2015

Statement | Hà Nội, Việt Nam | 15 March 2015
Kính thưa Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Kính thưa Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Kính thưa Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Kính thưa các vị đại biểu và các vị khách quý

Thưa toàn thể các bạn!

Hôm nay, chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc là quyền cơ bản của con người và là điều kiện cần cho sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, số nạn nhân phải chịu mất mát, thương tật tại nơi làm việc trên toàn cầu nhiều hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào. Theo ước tính, hàng năm có 2.3 triệu người lao động thiệt mạng do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hàng triệu người lao động bị thương tật và đau ốm. Con số này không chỉ phản ánh sự mất mát về con người, tổn thất về tài chính đối với người lao động và gia đình họ, mà còn là gánh nặng kinh tế và xã hội vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp, cộng đồng và quốc gia.

Hầu hết các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đều có thể phòng tránh được. Phòng ngừa hữu hiệu và ít tốn kém hơn so với khắc phục hậu quả.

Xây dựng văn hóa an toàn trong an toàn vệ sinh lao động là một phần không thể thiếu trong việc tăng cường luật pháp, chính sách và xây dựng chiến lược. Cải thiện công tác thu thập, phân tích số liệu về rủi ro và nguy cơ tại nơi làm việc; tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc là những ưu tiên có vai trò quan trọng như nhau.

Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật trong công tác cải thiện an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc và thúc đẩy văn hóa phòng ngừa. Việt Nam đã phê chuẩn các công ước liên quan của ILO và xây dựng các chương trình quốc gia về An toàn vệ sinh lao động. Gần đây nhất, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quốc hội đã xây dựng dự thảo Luật An toàn, vệ sinh - lao động, trong đó thúc đẩy văn hóa phòng ngừa và mở rộng phạm vi của Luật tới khu vực kinh tế phi chính thức. ILO đánh giá cao những tiến bộ này.

Rõ ràng, Việt Nam đặt an toàn lao động là một ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc gia. Với những nỗ lực như vậy, Việt Nam trở thành một ví dụ điển hình trong khu vực về đảm bảo nơi làm việc an toàn hơn và đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ra thế giới rằng các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trong điều kiện làm việc đảm bảo. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, và quan trong hơn cả là đem lại nhiều công việc an toàn hơn cho người lao động.

Trong thời gian tới, việc thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động là một nhiệm vụ quan trọng. Để làm được điều này, chúng ta cũng phải hướng tới gia đình, cộng đồng, và trường học - nơi tài sản lớn nhất của chúng ta là các bạn trẻ đang sống, học tập và trang bị kiến thức, kĩ năng cho công việc. Những lao động trẻ cần được trang bị kiến thức tốt hơn về các rủi ro nghề nghiệp, kĩ năng cần thiết để phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa chú trọng tới phòng ngừa, an toàn và sức khỏe.

Trong khuôn khổ các chương trình hợp tác hiện nay và trong thời gian tới, ILO luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải thiện công tác an toàn tại nơi làm việc và thúc đẩy văn hóa phòng ngừa.

Xin trân trọng cảm ơn. Kính chúc các quý vị đại biểu sức khỏe!