Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành kinh doanh và lao động có trách nhiệm trong ngành Điện tử ở Việt Nam

Báo cáo nghiên cứu này nhằm trả lời câu hỏi các doanh nghiệp có thể tạo thêm việc làm và tăng chất lượng việc làm như thế nào thông qua các thực hành lao động và kinh doanh có trách nhiệm xã hội trong ngành điện tử Việt Nam xét đến sự phát triển của cơ cấu sản xuất xuyên quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngành điện tử đã trở thành một ngành theo định hướng xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam, và chủ yếu do sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đa quốc gia (DNĐQG) lớn.

Mặc dù các cơ hội việc làm mới được tạo ra do sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu, nhiều câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để hiện tượng đó góp phần cải thiện điều kiện lao động. Điều kiện lao động là kết quả đầu ra của các khía cạnh thực hành nội bộ về lao động và kinh doanh gắn kết chặt chẽ với các chiến lược về việc làm và nguồn nhân lực của từng doanh nghiệp; tuy nhiên, điều kiện lao động cũng bị tác động bởi các khía cạnh bên ngoài thông qua rất nhiều yếu tố trong đó có điều kiện thị trường lao động địa phương, khung thể chế và quy chế có liên quan, và quan trọng hơn cả là vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và các mối quan hệ của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác. Đây là đặc điểm nổi bật của ngành điện tử Việt Nam trong đó các DNĐQG đóng vai trò chủ đạo trong việc điều phối việc làm và chuỗi giá trị. Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế địa phương, mối liên kết ngược giữa các DNĐQG trong ngành điện tử với các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu do các ngành công nghiệp phụ trợ địa phương kém phát triển. Báo cáo nghiên cứu này trình bày các trường hợp điển hình về thực hành tốt để các bên liên quan chính ở Việt Nam có thể căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho tương lai. Báo cáo căn cứ vào các điều khoản của Tuyên bố Ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan đến Doanh nghiệp Đa quốc gia và Chính sách Xã hội (Tuyên bố DNĐQG của ILO), là khuôn khổ toàn cầu thể hiện sự đồng thuận ba bên về việc làm thế nào để các doanh nghiệp có thể đóng góp tốt nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội và việc làm bền vững.