Chương trình Hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, an sinh xã hội và việc làm (hợp phần Việt Nam) do ILO-Irish Aid tài trợ

Các đối tác chính
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đặc biệt là Vụ Bảo hiểm xã hội và Cục Bảo trợ xã hội);
Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Đối tượng hưởng lợi cuối cùng
Mọi người dân Việt Nam, bao gồm cả nam giới và phụ nữ, trong đó tập trung vào người lao động phi chính thức (và các nhóm đối tượng liên quan, chẳng hạn như người sử dụng lao động và các cơ sở kinh doanh quy mô siêu nhỏ), người lao động tự do, người lao động không hưởng lương, phụ nữ, người khuyết tật, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Bối cảnh chương trình

Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được thông qua tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII vào tháng 5/2018. Đề án đặt mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, tiến tới bao phủ toàn dân, gắn kết chặt chẽ giữa bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội. Một trong những nội dung chính của Đề án là mục tiêu đạt bao phủ toàn dân thông qua hệ thống an sinh xã hội đa tầng, trong đó kết hợp tầng an sinh xã hội có đóng góp (bảo hiểm xã hội) và tầng an sinh xã hội không đóng góp (do ngân sách tài trợ). Bên cạnh đó, Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội được phê duyệt tại Quyết định 488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận trợ giúp xã hội là một trụ cột quan trọng thiết yếu của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Kế hoạch hành động triển khai Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường cơ chế quản lý điều hành và liên kết chặt chẽ hơn giữa hệ thống bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.

Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực để xây dựng nền tảng cho tiến trình mở rộng bao phủ an sinh xã hội đến toàn dân, bảo vệ cho người dân trước mọi rủi ro về an sinh xã hội trong toàn bộ vòng đời. Nhằm thực hiện mục tiêu bao phủ toàn dân, cần tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho những người chưa có khả năng đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời cần xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội đa tầng.

Về tình hình an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay, các chế độ an sinh xã hội cho hộ gia đình và trẻ em nhìn chung còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa toàn diện. Cụ thể, hệ thống trợ giúp xã hội chỉ bao gồm một vài chế độ cho một số lượng hạn chế nhóm đối tượng hộ gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm xã hội không có chế độ trợ cấp trẻ em và hộ gia đình đối với cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; chế độ trợ cấp thai sản bằng tiền mặt chỉ có trong bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không có trong bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, hệ thống an sinh xã hội một mặt chưa thể bảo vệ đầy đủ cho các hộ gia đình trước mọi rủi ro phát sinh trong vòng đời, mặt khác còn bỏ lại phía sau hàng triệu hộ gia đình và trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là các đối tượng thuộc nhóm bị bỏ sót trong chính sách- những người không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội nhưng cũng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình

Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm tăng cường liên kết giữa hệ thống ASXH dựa trên quan hệ đóng hưởng và hệ thống ASXH do Ngân sách chi trả thông qua các hoạt động đánh giá và đối thoại xã hội nhằm xây dựng và hoàn thiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội; rà soát, đánh giá văn bản pháp luật để đề xuất phương án điều chỉnh, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; nâng cao năng lực cho các đối tác trong nước; và xây dựng chiến lược truyền thông nhằm hỗ trợ mở rộng bao phủ an sinh xã hội.

Chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ mở rộng bao phủ an sinh xã hội và nâng cao hiệu quả triển khai chế độ, chính sách an sinh xã hội, sao cho ngày càng nhiều người dân Việt Nam được tiếp cận các quyền lợi an sinh xã hội.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình

  • Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2018-2030 và các Kế hoạch Hành động tương ứng được triển khai trong khuôn khổ hệ thống an sinh xã hội thống nhất, phù hợp với khả năng ngân sách.
  • Khung pháp lý hoàn thiện, phản ánh các mục tiêu trong Đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội và Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, phụ nữ thai sản, trẻ em, trợ giúp khẩn cấp, các dịch vụ trợ giúp xã hội.
  • Luật Bảo hiểm xã hội được rà soát, điều chỉnh, góp phần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện hơn cho hệ thống an sinh xã hội có đóng góp, tạo điều kiện tiến tới mở rộng bao phủ, nâng cao mức hưởng, duy trì bền vững hệ thống bảo hiểm xã hội.
  • Các cơ chế quản lý, phối hợp, theo dõi và đánh giá được tăng cường, nhờ đó các chế độ, chính sách an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả hơn và có hiệu suất sử dụng nguồn lực tốt hơn.

Các hoạt động chính

  • Nghiên cứu về chi phí và dư địa tài khoá cho an sinh xã hội; nghiên cứu các phương án xây dựng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp trẻ em đa tầng, trợ cấp hưu trí xã hội); đảm bảo bao phủ cho người lao động phi chính thức.
  • Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến các bằng chứng về tính thoả đáng của mức trợ cấp an sinh xã hội và phương án điều chỉnh mức trợ cấp an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ vận động tăng phân bổ ngân sách cho an sinh xã hội.
  • Đánh giá, khuyến nghị, tiến hành đối thoại nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết giữa hệ thống ASXH dựa trên quan hệ đóng hưởng và hệ thống ASXH do Ngân sách chi trả nhằm mục tiêu đạt bao phủ toàn dân và đạt mức hưởng an sinh xã hội thoả đáng.
  • Hỗ trợ xây dựng chiến lược nâng cao nhận thức cho công chúng về chế độ, chính sách xã hội, trình Chính phủ phê duyệt.
  • Tổ chức diễn đàn đối thoại cấp quốc gia về thiết kế chương trình và lộ trình triển khai chế độ, chính sách an sinh xã hội mới, chẳng hạn như toạ đàm về chiến lược an sinh xã hội, chương trình thí điểm chế độ ngắn hạn, hệ thống hưu trí đa tầng, hệ thống trợ giúp xã hội ứng phó với các cú sốc và rủi ro thiên tai.
  • Nghiên cứu, rà soát văn bản pháp luật, với đóng góp từ Tổ chức Lao động Quốc tế và các cơ quan khác của Liên hợp quốc, góp phần đặt nền tảng áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền.
  • Hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan, tổ chức trong nước về một số nội dung trọng tâm trong triển khai chính sách an sinh xã hội.
  • Nghiên cứu về tình trạng bất bình đẳng giới trong diện bao phủ và quyền lợi hưởng an sinh xã hội phát sinh từ tình trạng bất bình đẳng trong thị trường lao động và hạn chế của quy định pháp luật về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với chế độ hưu trí; khuyến nghị một số phương án điều chỉnh mức hưởng để đảm bảo mức sống thoả đáng hơn và để thu hẹp khoảng cách giới trong diện bao phủ và quyền lợi hưởng.
  • Phân tích một số điểm hạn chế và khuyến nghị phương án mở rộng bao phủ an sinh xã hội cho nhóm đối tượng bị bỏ sót (những người không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội nhưng cũng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội), trong đó chú trọng vào người lao động có việc làm phi chính thức, người lao động tham gia các hình thức việc làm mới (chẳng hạn như người lao động trên nền tảng số).


Thông tin liên hệ
André Gama
Giám đốc Chương trình
Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam
304 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Email: dasilvagama@ilo.org
Điện thoại: +84 383102755