Tăng cường chức năng đại diện của công đoàn và người sử dụng lao động trong khung khổ quan hệ lao động mới (Dự án NIRF/ Nhật Bản)

Mục tiêu của dự án là xây dựng nền tảng về pháp luật và thiết chế hiệu quả cho khung khổ quan hệ lao động mới ở Việt Nam dựa trên Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động của ILO, với điểm nhấn đặc biệt vào Công ước 87 và Công ước 98, có tính đến bối cảnh cụ thể của quốc gia.

Các đối tác
  • Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở tại các địa phương thí điểm,Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, và Mạng lưới chuyên gia tư vấn pháp luật công đoàn;
  • Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (PTMCNVN), chi nhánh PTMCNVN tại các khu vực và hiệp hội ngành nghề được lựa chọn;
  • Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các Sở LĐ-TB&XH tại các địa phương thí điểm; các Ủy ban liên quan của Quốc hội.
Đối tượng hưởng lợi
  • Tổ chức của các đối tác xã hội (TLĐLĐVN và PTMCNVN);
  • Cán bộ tổ chức và cán bộ tham gia thương lượng tại các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở;
  • Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp trong các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu;
  • Các cán bộ quản lý lao động (Bộ và các Sở LĐ-TB&XH) cấp trung ương và cấp tỉnh;
  • Các chuyên gia pháp luật.
Địa bàn dự án
Dự án tập trung vào các tỉnh thành có mật độ công nghiệp hóa cao tại Việt Nam, bao gồm: Hải Phòng, Hồ Chí Minh,Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng.

Thông tin chung về Dự án

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi sự điều chỉnh không chỉ các chính sách kinh tế và thương mại, mà cả các chính sách lao động – xã hội hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững, đảm bảo công bằng xã hội ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Từ khi trở thành thành viên của ILO vào năm 1992, Việt Nam luôn cam kết tôn trọng và thúc đẩy Công ước của ILO năm 1998 về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động (FPRW). Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước của ILO và có những cải cách tiến bộ và chắc chắn về luật pháp, chính sách và các thực hành pháp luật trong 10 năm qua.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ đối với các cải cách pháp luật và thiết chế, được đề cập trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, cũng như Chiến lược Hội nhập Quốc tế của Việt Nam tới năm 2020 – tầm nhìn tới 2030. Cam kết này không chỉ xuất phát từ nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, mà quan trọng hơn là từ nhu cầu đổi mới quan hệ lao động phục vụ người lao động, người sử dụng lao động và xã hội Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Mục tiêu của Dự án

Mục tiêu tổng thể của chương trình là xây dựng nền tảng về pháp luật và thiết chế hiệu quả cho khung khổ quan hệ lao động mới ở Việt Nam dựa trên Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động của ILO, với điểm nhấn đặc biệt vào Công ước 87 về Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền tổ chức và Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, có tính đến bối cảnh cụ thể của quốc gia.

Mục tiêu trung hạn của Dự án là các chức năng đại diện cho NLĐ và NSDLĐ được tăng cường trong khung khổ quan hệ lao động mới.

Mục tiêu ngắn hạn của Dự án bao gồm:
  • Tăng cường đối thoại xã hội hai bên/ba bên để cải thiện QHLĐ thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và các bài học rút ra từ thực tiễn
  • Tăng cường sự tham gia của TLĐLĐVN trong quá trình sửa đổi luật pháp và tích cực đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn
  • Tăng cường năng lực công đoàn trong công tác tổ chức, thương lượng tập thể và đối thoại xã hội ở các cấp thông qua các sáng kiến thí điểm
  • Tăng cường sự tham gia của Phòng TMCNVN và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc sửa đổi pháp luật lao động và các kế hoạch đổi mới
  • Tăng cường cơ chế hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện QHLĐ tại nơi làm việc ở các địa phương thí điểm

Các kết quả/hoạt động chính của Dự án

  • Hợp tác hai bên/ba bên được cải thiện ở các địa phương thí điểm.
  • Các thực hành tốt và bài học kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm được tổng hợp và chia sẻ rộng rãi để nhân rộng.
  • Các khuyến nghị từ tổ chức đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động về dự thảo các văn bản pháp luật sửa đổi được xây dựng và thảo luận với các đối tác liên quan.
  • Các đề xuất chính sách để đổi mới công đoàn nhằm tăng cường vai trò đại diện cho NLĐ được xây dựng.
  • Các sáng kiến nâng cao năng lực đại diện và bảo vệ đoàn viên của công đoàn được triển khai ở các địa phương thí điểm.
  • Mạng lưới các cán bộ công đoàn tiên phong được xây dựng và mở rộng để thúc đẩy việc tổ chức công đoàn và thương lượng tập thể với phương pháp tiếp cận từ dưới lên.
  • Mạng lưới chuyên gia pháp luật về công đoàn được thiết lập, tăng cường năng lực và hoạt động.
  • Kế hoạch đổi mới được Phòng TMCNVN và các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề xây dựng và thực hiện để đại diện và hỗ trợ tốt hơn các thành viên của mình tại các địa phương thí điểm.
  • Mạng lưới NSDLĐ và cán bộ quản lý nhân sự được thành lập và củng cố để đại diện tốt hơn cho các thành viên của mình.
  • Năng lực của NSDLĐ và cán bộ quản lý nhân sự được cải thiện để thúc đẩy QHLĐ tại một số địa phương và ngành thí điểm được lựa chọn.

Thông tin liên hệ

Bà Tạ Thị Bích Liên
Điều phối viên Quốc gia/Phụ trách Dự án
Điện thoại: +84 24 3734 0902 /máy lẻ 211
Email: bichlien@ilo.org

Ông Nguyễn Bá Lâm
Điều phối viên Quốc gia
Điện thoại: +84 24 3734 0902 /máy lẻ 215
Email: lam@ilo.org