TOR for Service Contract

The Vision Zero Fund Global is looking consultancy service from eligible national consulting companies/research institute to conduct a Feasibility study “to identify opportunities to address occupational safety and health challenges linked to climate change in the agricultural supply chains in Viet Nam”.

Điều khoản tham chiếu: Nghiên cứu khả thi để xác định cơ hội giải quyết những thách thức về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) liên quan đến biến đổi khí hậu trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp ở Việt Nam

Quỹ Tầm nhìn Zero (VZF) - một sáng kiến của Nhóm G7 và được các quốc gia G20 ủng hộ - nhằm mục đích góp phần đạt được mục tiêu không có tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng gây chết người trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quỹ VZF hiện đang thực hiện một mô hình hành động tập thể, có sự tham gia của nhiều bên liên quan và nhiều nguồn lực khác nhau để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu ATVSLĐ nghiêm trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các can thiệp tập trung vào 3 kết quả sau:

1. Các bên liên quan ở cấp toàn cầu và cấp quốc gia khẳng định cam kết của họ đối với ATVSLĐ bằng cách hành động để cải thiện ATVSLĐ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu;

2. Tăng cường hệ thống dịch vụ, luật pháp, chính sách, dữ liệu sẵn có và tuân thủ ATVSLĐ ở các quốc gia mục tiêu; và

3. Người lao động (NLĐ) nam và nữ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và tại các quốc gia mục tiêu được hưởng lợi từ việc giảm tiếp xúc với các mối nguy ATVSLĐ và khả năng tiếp cận bảo hiểm thương tích nghề nghiệp được cải thiện.

Quỹ VZF thực hiện các hành động toàn diện thông qua cách tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống, thu hút sự tham gia của những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu cũng như với một số nhóm lao động nam và nữ dễ bị tổn thương nhất đang làm việc tại các quốc gia kém phát triển nhất thế giới.

Quỹ VZF do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quản lý và thực hiện. Quỹ là một phần của Chương trình “An toàn và Sức khỏe cho mọi người” của ILO.

Tháng 06/2022, Quỹ VZF đã được Nhóm G7 ủy thác thực hiện các dự án thí điểm nhằm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với ATVSLĐ của NLĐ. Trong một Thông cáo của mình, lãnh đạo G7 công nhận “tầm quan trọng của các biện pháp ATVSLĐ hiệu quả nhằm bảo vệ NLĐ, đảm bảo việc làm thỏa đáng, duy trì năng suất cao và thúc đẩy khả năng có việc làm - kể cả khi đối mặt với những thách thức mới do thay đổi cơ cấu và biến đổi khí hậu gây ra.”1

Quỹ VZF hiện đang triển khai các hoạt động thí điểm ở Mexico, Madagascar và Việt Nam. Trọng tâm ở Mexico và Madagascar sẽ chủ yếu nhằm giải quyết tác động của stress nhiệt do biến đổi khí hậu gây ra đối với an toàn và sức khỏe của NLĐ trong ngành nông nghiệp và dệt may.

Tại Việt Nam, Quỹ VZF sẽ tiến hành 1 nghiên cứu khả thi để đánh giá tác động chung của biến đổi khí hậu đối với an toàn và sức khỏe của lao động nông nghiệp và xác định các biện pháp thích ứng phù hợp2 có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ

Theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu 2020,3 Việt Nam đứng thứ 6 trong số tất cả các quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan được dự đoán sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới, làm gia tăng số người có nguy cơ mắc các bệnh nhạy cảm với khí hậu và đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống y tế của đất nước - nếu không bổ sung hành động kịp thời4. Do đó, gần đây chính phủ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch Quốc gia Thích ứng với Biến đổi Khí hậu. Mục tiêu chính là giảm mức độ tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của cộng đồng, các ngành kinh tế và hệ sinh thái, đồng thời thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược và quy hoạch.5

Lao động nam và nữ thường là những người đầu tiên tiếp xúc với các tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian dài hơn và ở cường độ lớn hơn so với người dân nói chung vì họ không thể lựa chọn để tránh các mối nguy hiểm liên quan.6

Lao dộng nông nghiệp nói riêng là một trong số những nhóm NLĐ tiếp xúc nhiều nhất với các rủi ro ATVSLĐ liên quan đến biến đổi khí hậu. Một đặc điểm của hầu hết các công việc nông nghiệp là được thực hiện ngoài trời và đa số lao động nông nghiệp phải tiếp xúc với các điều kiện khí hậu phổ biến7

Tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp có thể dẫn đến sản lượng cây trồng thấp hơn và giảm đáng kể diện tích canh tác,8 làm tăng chi phí đầu vào và gây áp lực lên năng suất. Hơn nữa, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối sản xuất nông nghiệp và do đó, đến nguồn cung lương thực và thị trường toàn cầu.9

Nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết tốt, bao gồm nhiệt độ cao và thấp, lượng mưa, cường độ gió và nhiều yếu tố khác; điều này có thể đe dọa tính bền vững của sinh kế của nông dân. Những ảnh hưởng sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra làm trầm trọng thêm các vấn đề trên. Do đó, cần hiểu rõ hơn về sự giao thoa giữa biến đổi khí hậu và ATVSLĐ để thiết kế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa và thích ứng phù hợp.

Mục tiêu chung của nghiên cứu này là xác định các mối nguy ATVSLĐ chính (phổ biến) do biến đổi khí hậu gây ra mà lao động nông nghiệp ở Việt Nam phải đối mặt, và xếp thứ tự các mối nguy này theo mức độ nghiêm trọng (mức độ rủi ro về ATVSLĐ) và cơ hội khắc phục (tính khả thi của các can thiệp). Nghiên cứu cần xác định các cơ hội để tăng cường khả năng chống chịu của đối tượng thụ hưởng trực tiếp - chẳng hạn như các đối tác ba bên của ILO (chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và của NLĐ) và các bên liên quan chính khác - đối với các mối nguy ATVSLĐ liên quan đến biến đổi khí hậu. Đối tượng thụ hưởng cuối cùng của sự giảm thiểu mức độ tổn thương phải là lao động nam và nữ trong ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu cần đưa ra khuyến nghị về các biện pháp thích ứng (tại nơi làm việc, ở cấp ngành, cấp thể chế/chính sách) có thể được thực hiện theo phương thức hành động tập thể, cụ thể là hợp tác với các đối tác của ILO - bao gồm các doanh nghiệp đa quốc gia tìm nguồn cung ứng từ trong nước. Các biện pháp được đề xuất phải dựa trên bằng chứng và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Các biện pháp đó cũng cần thúc đẩy tính tự chủ và bền vững.

Một số mối nguy10 do biến đổi khí hậu gây ra (trong số nhiều mối nguy khác) bao gồm:

o điều kiện thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện liên quan (sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy, cháy rừng, sạt lở đất)

o nhiệt độ tăng;

o ô nhiễm không khí gia tăng;

o tia cực tím (UV);

o các bệnh do véc tơ truyền và môi trường sống mở rộng;

o mối nguy tâm lý xã hội (vd: căng thẳng vì lý do kinh tế)

Mỗi mối nguy này cần được đánh giá xem những rủi ro ATVSLĐ mà chúng tạo ra nghiêm trọng dến mức nào trong bối cảnh Việt Nam, đồng thời đánh giá các cơ hội mà Dự án VZF Việt Nam có thể khắc phục mỗi mối nguy trên nhằm thúc đẩy và thực hiện các biện pháp thích ứng ở cấp quốc gia, cấp ngành và tạ nơi làm việc.

Ví dụ, các biện pháp thích ứng tại nơi làm việc để giải quyết stress nhiệt có thể bao gồm: trang phục phù hợp, khu vực nghỉ ngơi có bóng râm, cung cấp nước, trao quyền cho NLĐ tự điều chỉnh tốc độ làm việc, kiểm tra sức khỏe, v.v. Ở cấp thể chế/chính sách, các biện pháp thích ứng có thể bao gồm: thay đổi thời gian làm việc / chính sách tổ chức thời gian làm việc, hệ thống cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, v.v. Tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu, mỗi mối nguy có thể sẽ cần phải có các biện pháp kiểm soát rủi ro ATVSLĐ riêng.

Nghiên cứu cũng nên rà soát các thực hành và thay đổi hành vi của NLĐ mà có thể làm gia tăng / làm trầm trọng thêm các rủi ro ATVSLĐ, ví dụ: việc sử dụng ngày càng nhiều các hóa chất nông nghiệp như phân bón để cải thiện đất bạc màu, hoặc sử dụng thuốc trừ sâu để xử lý các loài gây hại mới / sâu hại gia tăng do thời tiết thay đổi.

Về mặt cấu trúc, nghiên cứu nên bao gồm các cấu phần chính sau đây:

lập bản đồ và phân tích các sáng kiến hiện có về biến đổi khí hậu trong nước và/hoặc trong khu vực, đặc biệt là các sáng kiến tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và giải quyết các khía cạnh ATVSLĐ;

đánh giá môi trường pháp lý và chính sách của quốc gia liên quan đến sự giao thoa giữa biến đổi khí hậu và thế giới việc làm, bao gồm các cam kết mà chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong nước đã thực hiện để đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu cấp quốc tế, khu vực và quốc gia;

đánh giá rủi ro ATVSLĐ liên quan đến biến đổi khí hậu ở (các) khu vực được chọn và (các) chuỗi giá trị nông nghiệp. Điều này là cần thiết vì các mối nguy liên quan đến biến đổi khí hậu có thể rất khác nhau giữa các khu vực, giữa các hoạt động.

đánh giá rủi ro sẽ bao gồm (bên cạnh một số nội dung khác): đánh giá mức độ tiếp xúc, tính chất vật lý của công việc, đặc điểm sinh lý của lực lượng lao động, khả năng thích ứng của doanh nghiệp và NLĐ;

đề xuất các biện pháp thích ứng ở cấp quốc gia và tại nơi làm việc mà mỗi nhóm đối tượng liên quan có thể thực hiện để giảm thiểu tác động của các rủi ro sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bất kỳ can thiệp nào được đề xuất nhằm ngăn ngừa thương tích và bệnh nghề nghiệp do biến đổi khí hậu gây ra đều phải phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan và bối cảnh địa phương.

Chuyên gia tư vấn sẽ thực hiện nhiệm vụ này thông qua rà soát tài liệu và hoạt động thực địa bao gồm phỏng vấn các biên liên quan chủ chốt, thảo luận nhóm tập trung và khảo sát. Khi bắt đầu nhiệm vụ tư vấn, nhóm cán bộ dự án VZF Việt Nam và Ban thư ký VZF toàn cầu sẽ chia sẻ các tài liệu kỹ thuật chính do ILO xây dựng cũng như những nghiên cứu bên ngoài để chuyên gia rà soát, bao gồm “Bộ công cụ ATVSLĐ trong các chuỗi giá trị toàn cầu” và một số tài liệu liên quan khác, chẳng hạn như kết quả đánh giá ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, chiến lược VZF 2019-2023, chiến lược VZF về gắn kết khu vực tư nhân, và hướng dẫn về giới của VZF.

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, chuyên gia tư vấn trưởng nhóm sẽ hợp tác chặt chẽ với một nhóm chuyên gia tư vấn trong nước có chuyên môn về những chủ đề nghiên cứu được chọn. Khi cần thiết, chuyên gia kỹ thuật của ILO sẽ hướng dẫn kỹ thuật bổ sung.

Ngoài ra, chuyên gia tư vấn phải tham gia vào một hội thảo với các bên liên quan nhằm trình bày kết quả đánh giá và các biện pháp can thiệp được đề xuất. Sau hội thảo, chuyên gia tư vấn sẽ hoàn thiện báo cáo đánh giá và đề xuất can thiệp – sau khi đã điều chỉnh dựa trên kết quả thảo luận trong hội thảo tham vấn.

Nghiên cứu này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 6/2023. Trong thời gian này, chuyên gia tư vấn sẽ hợp tác chặt chẽ với nhóm cán bộ dự án VZF Việt Nam và tham gia các cuộc họp thường xuyên để thảo luận về tiến độ của nghiên cứu

1. Xác định các tài liệu quan trọng và tiến hành rà soát.

2. Tiến hành ít nhất 10 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia kỹ thuật của ILO ở Cục LABADMIN/OSH (trụ sở Geneva), các đối tác ba bên của Việt Nam, đối tác khu vực công và tư, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan đã được xác định trong quá trình rà soát tài liệu để:

o Thu nhận kiến thức chuyên môn và hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với lao động nông nghiệp (cần xem xét các yếu tố làm tăng mức độ tổn thương như lao động phi chính thức, mang thai, v.v.), khía cạnh nào của biến đổi khí hậu có thể phù hợp nhất trong bối cảnh Việt Nam và xác định những can thiệp sẽ xúc tác cho sự thay đổi tích cực. Những can thiệp này nên đi kèm một danh sách các bên liên quan chính (bao gồm - nhưng không giới hạn ở - các đối tác của ILO) mà Dự án có thể hợp tác, vai trò dự kiến của mỗi bên liên quan trong việc thiết kế và thực hiện các biện pháp thích ứng có liên quan.

o Lồng ghép các vấn đề xuyên suốt (vd: giới) vào phân tích – nếu phù hợp.

3. Tiến hành ít nhất 3 cuộc thảo luận nhóm tập trung với nông dân. Kết quả của những thảo luận này nên được kiểm tra chéo với dữ liệu trung gian có sẵn tại các cơ sở y tế ở cộng đồng (nếu có).

4. Xây dựng một báo cáo ngắn gọn và đầy đủ thông tin với đầu vào từ các hoạt động nêu trên. Báo cáo cần bao gồm đánh giá toàn diện về rủi ro biến đổi khí hậu/ATVSLĐ, mức độ tổn thương của lao động nông nghiệp và đề xuất các biện pháp can thiệp thực tế.

5. Thiết kế và tiến hành hội thảo với các bên liên quan để xác nhận và thảo luận về các phát hiện và khuyến nghị cũng như thu thập thông tin bổ sung để hoàn thiện báo cáo. Bài trình bày PowerPoint và các tài liệu khác (đồ thị, biểu đồ, hình ảnh trực quan khác) mô tả các phát hiện và đề xuất chính cần được chuyên gia tư vấn xây dựng và sử dụng trong hội thảo này.

(Các) chuyên gia tư vấn sẽ phải nộp các sản phẩm sau:

Nhiệm vụ sẽ được thực hiện từ ngày 08/02/2023 đến ngày 14/06/2023.

Chuyên gia tư vấn phải có kinh nghiệm và kỹ năng sau đây:

Kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với các chuỗi giá trị nông nghiệp;

Kiến thức sâu về ATVSLĐ, bao gồm sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, đồng thời có kinh nghiệm xác định mối nguy nghề nghiệp và đánh giá rủi ro tại cơ sở nông nghiệp;

Hiểu biết tốt về các vấn đề giới, biết cách lồng ghép giới vào nghiên cứu như một chủ đề xuyên suốt;

Kiến thức tốt về bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội Việt Nam (đã từng có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam sẽ là một lợi thế);

Khả năng thiết lập và làm việc trong một nhóm đa lĩnh vực - bao gồm các chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước;

Kỹ năng phân tích dữ liệu xuất sắc;

Kỹ năng viết tiếng Anh tốt và khả năng viết báo cáo chất lượng cao;

Kỹ năng xã hội, tổ chức và kỹ năng quản lý tri thức tốt.

Dự kiến chuyên gia tư vấn sẽ làm việc với sự tham vấn chặt chẽ của cán bộ dự án VZF Việt Nam và các chuyên gia ATVSLĐ của ILO cấp khu vực và toàn cầu.

Để nộp đơn thực hiện nhiệm vụ này, đề nghị chuyên gia tư vấn gửi thư bày tỏ quan tâm tới ILO. Đề xuất kỹ thuật của chuyên gia tư vấn cần bao gồm tối thiểu: CV, kế hoạch làm việc dự kiến và ước tính kinh phí. Hạn nộp hồ sơ: 22/01/2023.

(Các) chuyên gia tư vấn sẽ báo cáo cho bà Kristina Kurths (kurths@ilo.org) - Quản lý dự án VZF Việt Nam, và ông Paul Wallot (wallot@ilo.org) - Cán bộ chương trình VZF.