Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 109

Hội nghị của ILO đạt thỏa thuận toàn cầu hành động vì công cuộc phục hồi từ khủng hoảng COVID-19

Hội nghị Lao động Quốc tế đã thông qua Lời kêu gọi hành động toàn cầu trong đó nêu ra những biện pháp nhằm tạo dựng một công cuộc phục hồi từ đại dịch lấy con người làm trung tâm và tránh để lại vết sẹo lâu dài cho các nền kinh tế và xã hội.

Tin | Ngày 17 tháng 6 năm 2021
 
GENEVA – Đại biểu đến từ 181 quốc gia tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) đại diện cho các Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động đã nhất trí thông qua Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng COVID-19 lấy con người làm trung tâm, ưu tiên tạo việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người và giải quyết tình trạng bất bình đẳng do khủng hoảng gây nên.

Lời kêu gọi Hành động Toàn cầu vì một công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm đề ra một chương trình nghị sự toàn diện. Theo đó, các quốc gia cam kết rằng công cuộc phục hồi kinh tế và xã hội từ khủng hoảng đảm bảo tính “bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu”.

Nghị quyết này thống nhất hai nhóm hành động. Nhóm hành động thứ nhất bao gồm các biện pháp do các chính phủ và “đối tác xã hội” là tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn thực hiện nhằm đạt được một công cuộc phục hồi tạo nhiều việc làm, tăng cường đáng kể các biện pháp bảo vệ người lao động và an sinh xã hội cũng như hỗ trợ doanh nghiệp bền vững.

Nhóm hành động thứ hai đề cập đến hợp tác quốc tế và vai trò của các thiết chế đa phương, trong đó có cả ILO, với mục đích tăng cường mức độ và tính nhất quán trong hỗ trợ các chiến lược phục hồi sau đại dịch “lấy con người làm trung tâm” của quốc gia.

Nếu chúng ta không chú trọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng do khủng hoảng thì nguy cơ vô cùng hiện hữu là những hệ quả kinh tế và xã hội sẽ để lại vết sẹo lâu dài."

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO
Nghị quyết kêu gọi ILO – với sứ mệnh vì công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng – đảm nhận vai trò lãnh đạo và sử dụng mọi phương cách hành động để hỗ trợ thiết kế và triển khai các chiến lược phục hồi không để ai bị bỏ lại phía sau, gồm cả việc thông qua tăng cường hợp tác với các thiết chế khác trong hệ thống đa phương.

Lời kêu gọi Hành động được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố Thế kỷ của ILO vì Tương lai Việc làm, đã được thông qua tại ILC năm 2019. Lời kêu gọi đặt ra một lộ trình để thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố một cách thực chất thông qua các chính sách và các khoản đầu tư tăng cường nhằm hỗ trợ một công cuộc phục hồi trên diện rộng và mang tính bao trùm. Nghị quyết cũng kêu gọi triển khai hành động tức thì và đồng bộ trong các lĩnh vực liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế và đoàn kết, nhằm đảm bảo sự tiếp cận toàn cầu và bình đẳng với vắc-xin, các phương pháp điều trị và các biện pháp phòng ngừa.

Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, hoan nghênh việc thông qua nghị quyết: “Tạo dựng một công cuộc phục hồi mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách công. Nghị quyết này vạch ra một đường hướng rõ ràng và toàn diện, tạo điều kiện cho các quốc gia biến ước vọng đạo đức và chính trị mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau thành hành động cụ thể.”

Ông cho biết thêm: “Tính hiệu quả và bền vững của công cuộc phục hồi từ COVID-19 sẽ phụ thuộc lớn vào phạm vi cũng như mức độ bao trùm về xã hội có thể đạt được. Nếu chúng ta không chú trọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng do khủng hoảng thì nguy cơ vô cùng hiện hữu là những hệ quả kinh tế và xã hội sẽ để lại vết sẹo lâu dài, đặc biệt là đối với những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề hơn như thanh niên và phụ nữ cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, hiện là nguồn tạo phần lớn việc làm trên toàn thế giới.”

Tại phiên họp đặc biệt của ILC, trước khi thông qua Lời kêu gọi Hành động, các đại biểu đã tham dự ngày thứ nhất của Hội nghị Thượng đỉnh về Thế giới Việc làm: Hành động toàn cầu ứng phó COVID-19 lấy con người làm trung tâm kéo dài hai ngày. Hội nghị đã thảo luận về những tác động của đại dịch COVID-19 tới thị trường lao động và các chiến lược phục hồi thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng.

Hội nghị cũng được lắng nghe thông điệp từ những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới qua video, bao gồm Giáo hoàng Francis, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

© M. Crozet / ILO