An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ

Thành tích của thanh niên Việt Nam tại Đại hội thế giới lần thứ 21 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc

Tại Đại hội thế giới lần thứ 21 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc diễn ra ở Singapore vào tháng 9 vừa qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 8 bạn trẻ đến từ Việt Nam đã có những đóng góp hết sức tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho lao động trẻ về những rủi ro và nguy cơ nghề nghiệp gặp phải tại nơi làm việc.

Nguyễn Thị Phương, giải nhất hạng mục phim của Cuộc thi Truyền thông An toàn cho lao động trẻ

HÀ NỘI - Tại Đại hội thế giới lần thứ 21 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc diễn ra ở Singapore vào tháng 9 vừa qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 8 bạn trẻ đến từ Việt Nam đã có những đóng góp hết sức tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho lao động trẻ về những rủi ro và nguy cơ nghề nghiệp gặp phải tại nơi làm việc. Đoàn đại biểu trẻ của Việt Nam bao gồm hai người lao động, hai cán bộ từ cơ quan nhà nước, một người sử dụng lao động và ba bạn sinh viên truyền thông về ATVSLĐ. Họ được lựa chọn từ hơn 350 bạn trẻ trên khắp thế giới tham gia vào Đại hội và thành lập mạng lưới quốc tế mới gồm 125 thanh niên đại diện cho những người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ nhà nước và các thành phần khác trong độ tuổi từ 15-24 tại 29 quốc gia. Đại hội An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ do ILO phối hợp với Bộ Nhân lực Singapore tổ chức theo lời mời của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế thuộc Đại hội Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc lần thứ 21.

Đại hội An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ

Trong thời gian diễn ra Đại hội, các quán quân thanh niên Việt Nam đã tham gia vào các nhóm tư duy thiết kế cùng nhiều bạn trẻ quốc tế khác nhằm đưa ra các giải pháp thử nghiệm đối với những thách thức về an toàn và sức khỏe mà lao động trẻ gặp phải tại nơi làm việc. Tiêu biểu là bạn Đinh Sơn Tùng, một cán bộ nhà nước trẻ, đã phối hợp với các bạn trẻ quốc tế khác phát triển mô hình trò chơi điện tử nhằm giáo dục người chơi về các nguy cơ an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc cũng như biện pháp kiểm soát phù hợp. Người chơi “Trò chơi chết chóc” (Dying Game) sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm trong môi trường làm việc và phải lựa chọn, trong đó lựa chọn tồi sẽ dẫn tới thương tích, ốm đau hoặc tử vong, và lựa chọn an toàn cho phép người chơi được chơi lên cấp tiếp theo. Mô hình trò chơi được ban giám khảo là các chuyên gia tại Đại hội đánh giá cao nhờ tính tương tác, sáng tạo và có tiềm năng để phát triển trong tương lai. Đinh Sơn Tùng chia sẻ: "Tại Đại hội lần thứ 21 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, chúng tôi được trao quyền để cùng nhau xây dựng, thử nghiệm, cải tiến và đề xuất các ý tưởng sáng tạo để cải thiện tình hình an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ. Thông qua mô hình trò chơi do nhóm sáng tạo, chúng tôi hi vọng sẽ chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của sức khoẻ và an toàn tại nơi làm việc cho những người trẻ như mình dựa trên những phương pháp học tập mới và có tính tương tác cao”.

Cuộc thi Truyền thông An toàn cho lao động trẻ

Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp với Liên hoan truyền thông quốc tế về phòng ngừa (IMFP) và Đại hội Thế giới lần thứ 21 về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc tổ chức cuộc thi Truyền thông an toàn cho lao động trẻ, mời gọi các bạn trẻ trên khắp thế giới gửi các bài hát, câu chuyện, tranh ảnh, và phim về tầm quan trọng của an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc cho lao động trẻ. Tổng cộng có 131 tác phẩm từ 20 quốc gia đã được gửi về ban tổ chức, trong đó có 5 tác phẩm từ Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương đã giành chiến thắng trong hạng mục phim dành cho lứa tuổi từ 18-24 với bộ phim tài liệu “Học từ sai lầm của người khác”. Bộ phim kể về câu chuyện có thật của một nam lao động nhập cư, làm thợ tại một công ty cơ khí ở thành phố Hồ Chí Minh. Do mệt mỏi vì làm việc trong thời gian dài trong nhiều đêm, anh đã bị tai nạn lao động và mất đi 2 đốt ngón tay. Bộ phim là một câu chuyện cảm động, giúp người xem học hỏi được từ kinh nghiệm của người khác và mang đến một thông điệp có ý nghĩa: “Dù bạn làm việc ở đâu, công việc của bạn là gì, bạn cần sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhận phù hợp”. Nguyễn Thị Phương chia sẻ khi khi biết mình giành chiến thắng: “Tôi rất hạnh phúc và rất bất ngờ khi nhận được giải thưởng này!”.

Để kết nối và tiếp tục các hoạt động thúc đẩy an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc cho lao động trẻ ở Việt Nam, các quán quân thanh niên Việt Nam tham gia Đại hội đã xây dựng trang facebook mang tên Về nhà an toàn và đang chuẩn bị kế hoạch hành động hưởng ứng Ngày Thế giới vì An toàn l và Sức khỏe tại nơi làm việc 28/04/2018 cũng như các hoạt động khác trong thời gian tới.

________________
Dự án được Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ theo Thỏa thuận hợp tác số IL-26690-14-75-K-11. 100% kinh phí dự án do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với tổng ngân sách là 11.443.156 đô la. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay các chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, hoặc những lần đề cập đến tên thương mại, sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức không có nghĩa bao hàm sự chứng thực của Chính phủ Hoa Kỳ.