Lao động cưỡng bức

Tài liệu hướng dẫn đầu tiên giúp phòng ngừa lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam

Tài liệu trang bị cho người sử dụng lao động những hiểu biết cần thiết để nhận diện lao động cưỡng bức và làm thế nào để loại bỏ nguy cơ lao động cưỡng bức trong hoạt động và trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Tin | Ngày 30 tháng 3 năm 2016
HÀ NỘI – Tài liệu hướng dẫn đầu tiên ở Việt Nam về lao động cưỡng bức trong ngành dệt may sẽ được công bố chính thức vào ngày 31/3 nhằm giúp các doanh nghiệp phòng chống lao động cưỡng bức trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) xây dựng, bộ tài liệu bao gồm hướng dẫn cho người sử dụng lao động hướng dẫn cho giảng viên.

Ngành dệt may là một ngành sản xuất mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ năm trên thế giới.

“Khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, như việc tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, việc đảm bảo tuân thủ các quyền lao động cơ bản, bao gồm xóa bỏ lao động cưỡng bức, nên là một ưu tiên quan trọng,” TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết. “Lao động cưỡng bức trước hết là sự vi phạm nhân quyền, đồng thời có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp bởi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn trên thế giới.”

Trong bối cảnh đó, tài liệu hướng dẫn giúp trang bị cho người sử dụng lao động những hiểu biết cần thiết để nhận diện lao động cưỡng bức và làm thế nào để loại bỏ nguy cơ lao động cưỡng bức trong hoạt động cũng như trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Theo ước tính của ILO, có khoảng 21 triệu người trên thế giới là nạn nhân của lao động cưỡng bức và ngành sản xuất là một trong những ngành có nguy cơ cao nhất.

Thông tin chi tiết về lễ công bố

Thời gian: 8:30-11:30, 31/03/2016
Địa điểm: Khách sạn Nikko, 84 Trần Nhân Tông, Hà Nội