Phòng chống lao động trẻ em
Hỗ trợ sinh kế giúp mẹ đơn thân nuôi bốn con ăn học và đầu tư cho tương lai của các con
Một người mẹ sống tại Hà Nội được hưởng lợi từ hoạt động hỗ trợ phát triển chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn, bước đầu mang lại nguồn thu nhập bền vững giúp chị trang trải chi phí học tập của các con.

Năm 2016, chồng chị qua đời, chị trở thành chỗ dựa duy nhất của gia đình. Để có thu nhập trang trải cuộc sống trong những năm qua, chị Hoan đã phải phân chia thời gian vừa đan gia công hàng mây tre, vừa nấu rượu và nuôi lợn. Năm 2020, bà mẹ này không chỉ đối mặt với những tác động của đại dịch COVID-19, mà chị còn bị tổn thất về kinh tế do đàn gia súc mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lấy đi nguồn thu nhập chính của chị. Với cuộc sống bấp bênh, gia đình chị được chính quyền địa phương xác định thuộc nhóm nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, các con chị có nguy cơ phải lao động sớm.
Mặc dù tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam giảm đều trong những năm qua, nhưng đây vẫn là một rủi ro đáng kể đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với con số báo cáo là hơn 1 triệu trẻ em tham gia lao động sớm trên toàn quốc vào năm 2018. Theo dự đoán, tác động kinh tế xã hội của COVID-19 khiến nhiều gia đình sử dụng lao động trẻ em hơn cùng với mức thu nhập giảm đi, mất việc làm và tình trạng thiếu việc làm ngày càng tăng.
Để giúp giảm thiểu rủi ro này đối với các con của chị Hoan, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và Liên minh Hợp tác xã Hà Nội hỗ trợ gia đình chị cải thiện điều kiện sinh kế. Gia đình chị được nhật hai con lợn giống và một con lợn nái, cùng với việc tham gia các khóa đào tạo tăng cường kiến thức, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và quy trình chăn nuôi bền vững. Chị Hoan là một trong số 27 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội được hưởng lợi từ hoạt động can thiệp này nhằm giúp các gia đình có đủ khả năng tiếp tục cho con đi học thay vì phải lao động sớm.
Gói hỗ trợ được tổ chức ILO thực hiện trong khuôn khổ Dự án Nâng cao Năng lực Quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động Trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE), phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Dự án do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ.
Nhờ sự hỗ trợ của dự án, chị Hoan đã tự tin hơn trong việc chăn nuôi và có vốn để tái đầu tư. Sau 7 tháng chăn nuôi, cùng với sự hỗ trợ liên tục của chuyên gia kỹ thuật, cuối cùng chị Hoan đã có thể xuất chuồng lứa lợn và bán cho các cơ sở giết mổ gia súc tại địa phương, đồng thời mua thêm bảy con lợn về nuôi. Việc chăn nuôi của chị hiện đang phát triển tốt nhờ những kiến thức, kỹ thuật mới mà chị học được trong quá trình tham gia các lớp đào tạo.
Đối với chị Hoan, sự hỗ trợ mà chị nhận được là rất quan trọng giúp chị duy trì việc học của các con.
“Thu nhập có được từ chăn nuôi lợn giúp tôi dễ dàng hơn rất nhiều trong việc trang trải tiền học cho các con vốn là một khoản tốn kém vào đầu mỗi năm học. Trước đây, tôi thường phải đi vay để trang trải những chi phí này,” chị cho biết.
Ngoài học phí, chi phí sách vở, đồng phục, ăn trưa ở trường và các dụng cụ học tập khác cũng đặt lên vai người mẹ một gánh nặng tài chính đáng kể. Ngoài những hỗ trợ nêu trên, dự án ENHANCE cũng đã hỗ trợ gia đình thông qua việc cung cấp đồ dùng học tập cho các con của chị.
Mặc dù điều kiện tài chính của gia đình chưa hết khó khăn, chị Hoan vẫn mong muốn các con mình được tiếp tục đi học và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Con gái lớn của chị hiện đang theo học ngành kế toán của một trường đại học, lĩnh vực học mà em hy vọng sẽ giúp mình tìm được việc làm phù hợp để giúp đỡ gia đình sau khi tốt nghiệp.
“Tôi không muốn con mình làm nghề chăn nuôi lợn; tôi mong muốn các cháu được học hành để có thể tìm được việc làm tốt hơn với thu nhập ổn định,” chị Hoan chia sẻ.
Ngoài những hỗ trợ về sinh kế, chị Hoan cũng được tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng do dự án và chính quyền địa phương tổ chức, điều này đã giúp chị hiểu hơn về tác động tiêu cực của lao động trẻ em và lợi ích lâu dài của giáo dục.
Mặc dù con gái lớn có thể phụ giúp chị đan mây tre vài tiếng mỗi ngày nhưng chị Hoan vẫn quyết tâm ưu tiên việc học cho các con.
Chị cho biết: “Với những kiến thức có được thông qua việc tham gia các sự kiện nâng cao nhận thức và được tập huấn kỹ thuật, tôi muốn mở rộng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình để có thể đầu tư nhiều hơn vào việc học hành của các con.”
Khi Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình quốc gia nhằm phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật, ILO sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện các can thiệp sinh kế, nhằm mở rộng quy mô các mô hình này trên toàn quốc. Mục tiêu là cung cấp cho các gia đình đang gặp khó khăn như gia đình chị Hoan các giải pháp thay thế bền vững cho lao động trẻ em, giúp họ khả năng đặt việc giáo dục con cái lên hàng đầu.