Diễn văn

Lao động cưỡng bức làm phương hại đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển của xã hội

Phát biểu khai mạc của Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam tại Lễ công bố bộ tài liệu hướng dẫn phòng ngừa lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam.

Bài phát biểu | Ngày 31 tháng 3 năm 2016
Thưa quý ông, quý bà,

Hôm nay, tôi rất vinh dự tham dự lễ công bố bộ tài liệu của ILO và VCCI gồm Hướng dẫn cho doanh nghiệp và Hướng dẫn cho giảng viên về Phòng ngừa lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam.

Bộ tài liệu hướng dẫn này là kết quả từ sự hợp tác lâu dài giữa VCCI và Dự án Hành động chống lao động cưỡng bức trong khu vực Châu Á của ILO (Dự án FLARE). Việc xây dựng tài liệu bắt đầu từ năm 2013 nhưng chưa bao giờ chủ đề lao động cưỡng bức lại sát với tình hình kinh doanh của Việt Nam hơn lúc này, trong buổi công bố bộ tài liệu hôm nay.

Lao động cưỡng bức là hình thức bóc lột lao động hình sự, tước đi quyền tự do và phẩm giá của người lao động. Lao động cưỡng bức xảy ra khi phụ nữ, nam giới cũng như trẻ em bị lừa gạt và mắc bẫy trong chính công việc của mình mà không thể thoát ra được. Theo ước tính của ILO, trên thế giới, có tới 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức. 12 triệu người trong số đó, nghĩa là hơn nửa số nạn nhân, ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là bất cứ thời khắc nào cũng có ít nhất 3 trong số 1.000 người Châu Á đang bị cưỡng bức lao động.

Lao động cưỡng bức đi ngược lại xu thế phát triển, nó cũng đồng thời phương hại đến sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức có thể kéo theo hậu quả tác động lên cả ngành, đặc biệt là nếu bị áp đặt các rào cản thương mại, các ngành xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Lao động cưỡng bức cũng làm méo mó thị trường kinh doanh vì doanh nghiệp tuân thủ tốt lại đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. ILO ước tính rằng lợi nhuận bất hợp pháp thu được thông qua việc sử dụng lao động cưỡng bức trong khu vực kinh tế tư nhân trên toàn thế giới lên tới 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Một phần ba số tiền này là từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Vậy tại sao vấn đề lao động cưỡng bức lại trở thành chủ đề nóng và sát sườn với kinh tế Việt Nam hiện nay? Tôi muốn nhấn mạnh một số lý do sau đây:

Lý do thứ nhất chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà chúng ta đang rất quan tâm hiện nay. Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong bốn quyền lao động cơ bản mà các bên tham gia TPP nhất trí thông qua và duy trì trong khung pháp lý và thực tiễn tại mỗi nước. Việt Nam, với vai trò thành viên của thỏa thuận này, công nhận mục tiêu loại trừ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc . Điều này đặt ra yêu cầu kiểm soát kỹ lưỡng và kỳ vọng mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Họ phải đảm bảo rằng rủi ro lao động cưỡng bức không có chỗ trong các hoạt động hay trong chuỗi cung ứng của họ. Hiệp định TPP cũng sẽ tạo áp lực mới lên Chính phủ Việt Nam trong việc phê chuẩn và thực hiện Công ước thứ hai của ILO về chủ đề này là Công ước số 105 năm 1957 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Lý do thứ hai liên quan đến cải cách mới đây trong khung pháp lý của Việt Nam. Bộ luật Hình sự ra đời tháng 11/2015 quy định cưỡng bức lao động là tội hình sự theo Điều 297. Cùng với việc nghiêm cấm cưỡng bức lao động trong Bộ luật Lao động và Luật Phòng, chống mua bán người, tội danh mới này thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn hành vi cưỡng bức tại Việt Nam. Những cải cách về thể chế này cũng là một bước quan trọng để khung pháp lý của Việt Nam phù hợp hơn với Công ước Lao động cưỡng bức của ILO năm 1930 (Công ước số 29), mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2007.

Khi doanh nghiệp Việt Nam bị kiểm soát kỹ lưỡng hơn, họ cần làm gì để đảm bảo rằng hoạt động cũng như chuỗi cung ứng của họ không có lao động cưỡng bức? Đây chính là câu hỏi mà các cuốn Hướng dẫn cho người lao động và Hướng dẫn cho giảng viên do ILO và VCCI phối hợp biên soạn tìm cách trả lời. Các tài liệu này được thiết kế để hướng dẫn thực tế cho các thành viên của VCCI và các doanh nghiệp khác ở Việt Nam về cách thức đánh giá, xác định và giảm thiểu rủi ro có lao động cưỡng bức trong hoạt động cũng như trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Như Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng đã đề cập, ngành may mặc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Để đảm bảo sự phát triển của ngành này trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng, 6.000 doanh nghiệp và 2,5 triệu người lao động dệt may cần sự hỗ trợ bền vững hơn nữa.

ILO kỳ vọng rằng Hướng dẫn cho người sử dụng lao động và Hướng dẫn cho giảng viên sẽ truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để đẩy mạnh những nỗ lực của họ đảm bảo tuân thủ trách nhiệm xã hội, và giúp toàn ngành gặt hái thành công trong thị trường toàn cầu nói chung và thị trường ASEAN nói riêng.

Đại diện cho ILO, tôi xin trân trọng cảm ơn sự cam kết và cởi mở của VCCI khi làm việc với ILO về vấn đề lao động cưỡng bức. Trong buỗi lễ công bố hôm nay, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đại diện các doanh nghiệp và các giảng viên, những người đã đóng góp to lớn vào khâu biên soạn, áp dụng thử nghiệm và góp ý hoàn thiện bộ tài liệu. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các đồng nghiệp từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chương trình Better Work Việt Nam, Văn phòng ILO tại Geneva, Bangkok và Hà Nội vì sự hỗ trợ trong suốt quá trình phát bộ tài liệu.

Xin chúc bộ tài liệu và buổi lễ công bố hôm nay thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn!