An sinh xã hội

Phát biểu Khai mạc của Giám đốc ILO Việt Nam tại Hội thảo về Cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí

Bài phát biểu | Hà Nội | Ngày 27 tháng 5 năm 2014
Kính thưa:

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý

Được cùng bà Trương Thị Mai chào mừng các quý vị đến dự sự kiện Hội thảo quan trọng này là một vinh dự lớn đối với tôi. Tôi rất trân trọng sự có mặt của quý vị ở đây vào buổi chiều tối này sau một ngày dài mệt mỏi.

Trong hơn hai năm qua, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cung cấp những hỗ trợ kĩ thuật cho Việt Nam trong suốt quá trình tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội và là một vấn đề tối quan trọng đối với Việt Nam.

Hệ thống bảo hiểm xã hội hiện hành đã bộc lộ nhiều yếu điểm lớn như sau:

• Thứ nhất, số người tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong khu vực không chính thức và trong nông nghiệp, còn thấp với chỉ 20% lực lượng lao động.
• Thứ hai, còn những bất bình đẳng đáng kể giữa các nhóm tham gia khác nhau, ví dụ như giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, và giữa nam và nữ.
• Thứ ba, năng lực quản lý và thực hiện chương trình bảo hiểm xã hội còn yếu, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị không tuân thủ quy định đóng BHXH.
• Thứ tư, trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh, hệ thống BHXH hiện hành còn thiếu sự bền vững về mặt tài chính. Tỉ suất sinh đã giảm đáng kể trong khi tuổi thọ tăng cao. Nghiên cứu dự báo của ILO đã cho thấy quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt trong 20 năm tới nếu những cải cách thích hợp không được thực hiện.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã nêu lên một số câu hỏi cụ thể cần thảo luận sâu hơn, làm rõ và điều chỉnh trong dự thảo. Tôi hi vọng rằng thông qua việc học hỏi các kinh nghiệm quốc tế, hội thảo này có thể đóng góp cho công tác xây dựng bộ Luật.

Tôi xin nêu ra bốn vấn đề sau:

Thứ nhất, dự thảo luật sẽ cung cấp một lộ trình để dần cải thiện và mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, trên cơ sở công bằng và bền vững về tài chính. Điều này rất đáng được hoan nghênh bởi vì quá trình cải cách cần thời gian và tuân theo trình tự, và xã hội cần hiểu rõ lợi ích của những cải cách này.

Hay nói cách khác, cải cách về lương hưu không chỉ tập trung vào những vấn đề tài chính. Không ai có thể thuyết phục công chúng và các nhà hoạch định chính sách rằng một quốc gia phải tăng tuổi nghỉ hưu chỉ vì quỹ lương hưu đang dần cạn kiệt.

Thứ hai, cần nhìn vào những lợi ích lớn hơn của cải cách dành cho tất cả mọi người và cho xã hội nói chung. Bằng chứng từ những quốc gia khác đã chỉ ra rằng người lớn tuổi được kéo dài thời gian làm việc có thể giúp họ khỏe mạnh hơn về cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này cũng giúp họ hòa nhập hiệu quả hơn với xã hội và nâng cao khả năng đảm bảo tài chính cho họ.

Thứ ba, chúng ta cần phải nhìn nhận nhu cầu việc làm của Việt Nam trong vòng 10, 15 và 20 năm nữa. Việt Nam sẽ cần phải tận dụng được khả năng làm việc của lao động lớn tuổi để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cũng như độ tuổi lao động. Theo như dự báo, lao động Việt Nam sẽ tăng lên 4,1 triệu người từ năm 2010 đến 2015. Tuy nhiên sau đó, tốc độ gia tăng này sẽ chậm lại một cách đáng kể. Trong giai đoạn từ 2025 đến 2030, lực lượng lao đông sẽ chỉ tăng 1,3 triệu, nghĩa là ít hơn 70% so với hiện tại. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì sự phát triển cũng như hiệu quả tích cực mà nó mang lại khi nguồn cung lao đông đang ngày một cạn dần trong một xã hội đang già hóa nhanh.

Cuối cùng
, chúng ta cần phải nhìn nhận cải cách bảo hiểm xã hội như một phần của cách tiếp cận tổng thể khuyến khích sự điều phối hiệu quả và tập hợp các chính sách để tăng năng suất lao động, cải thiện sức khỏe và phúc lợi của xã hội đang già hóa. Ví dụ, để tận dụng được khả năng làm việc của người lao động lớn tuổi trong thời gian làm việc lâu hơn sẽ cần phải cải thiện được điều kiện làm việc, nâng cao kĩ năng, giá trị cũng như cách thức tiếp cận tích cực của người lao động lớn tuổi.

Trong khi mỗi quốc gia đều phấn đầu cho cùng mục tiêu, thì điều kiện mỗi nước, tình hình phát triển và khả năng cho việc hoạch định chính sách lại rất khác nhau. Không thể có một giải pháp phù hợp cho tất cả các quốc gia.

ILO tự hào vì đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải cách Bảo hiểm xã hội thông qua các dự báo tài chính, hội thảo tham vấn và chia sẻ thông tin. Chúng tôi cho rằng đây chính là các thách thức cho công cuộc cải cách và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình tiếp theo.

Xin trân trọng cám ơn.