Phát triển kỹ năng

Hướng tới xây dựng một ngành dệt may bền vững hơn cho Việt Nam

Mới đây, một hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm tạo cơ hội chia sẻ những thách thức và cơ hội mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời thảo luận những chiến lược phát triển các kỹ năng cần thiết cho một tương lai bền vững hơn.

Thông cáo báo chí | Hanoi, Viet Nam | Ngày 02 tháng 8 năm 2023
Hội thảo: “Xanh hóa ngành Dệt may tại Việt Nam: Nhu cầu kỹ năng - Thách thức và cơ hội” thảo luận về tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng trong quá trình chuyển đổi ngành hướng tới một tương lai bền vững hơn, Việt Nam, 08/2023. © ILO
HÀ NỘI, Việt Nam (Tin tức ILO) – Ngành dệt may, một trong những ngành sản xuất lớn nhất ở Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và tạo việc làm, nhưng cũng là một tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Đây là nội dung được đưa ra thảo luận tại hội thảo: “Xanh hóa ngành Dệt may tại Việt Nam: Nhu cầu kỹ năng - Thách thức và cơ hội” được tổ chức ngày 2/8/2023 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các đối tác ba bên và các bên liên quan trong ngành để thảo luận về tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng trong quá trình chuyển đổi ngành hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Các đại biểu tham dự đều đồng tình cho rằng ngành cần đầu tư đào tạo kỹ năng, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kỹ năng xanh. Các đại biểu cũng nhất trí rằng chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần hợp tác để phát triển ngành dệt may bền vững có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Giám đốc Quốc gia ILO Việt Nam, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh: "Chuyển đổi xanh của ngành dệt may là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội. Với việc đầu tư vào phát triển kỹ năng, chúng ta có thể đảm bảo rằng người lao động có những kỹ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế xanh. Điều này sẽ tạo ra việc làm mới, cải thiện năng suất và tăng khả năng cạnh tranh. Làm như vậy cũng sẽ giúp bảo vệ môi trường và tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người."
Hội thảo này do ILO phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, ông Kees van Baar cho biết: “Xanh hóa ngành không phải chỉ giới hạn ở công nghệ. Khi nói đến tăng trưởng bền vững lâu dài của ngành phải tính đến tất cả các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội. Một yếu tố quan trọng là lao động lành nghề. Ngành cần những nhà lãnh đạo tiên phong để thúc đẩy sự thay đổi, những thiết kế trẻ trung, tuần hoàn và bền vững, những người có kỹ thuật cao để thiết kế và triển khai công nghệ xanh và những cán bộ tuân thủ được đào tạo bài bản”.

“Phát triển bền vững, sản xuất xanh là xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam. Vì vậy cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Ngành này đang rất cần lao động lành nghề với kỹ năng xanh như kỹ thuật viên nhuộm, dệt, năng lượng tái tạo, thiết kế vật liệu mới và thân thiện với môi trường, kỹ thuật môi trường, xử lý nước thải, v.v. Cần có những nghiên cứu sâu hơn về đánh giá nhu cầu kỹ năng trong ngành để xây dựng lộ trình cụ thể cho quá trình chuyển đổi xanh thành công” – ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đánh giá cao cơ hội để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu của ngành: “Liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong thiết kế và tổ chức đào tạo và đào tạo lại, xác định nhu cầu kỹ năng gắn với ngành, vùng kinh tế là chìa khóa để phát triển kỹ năng dựa trên nhu cầu, đặc biệt là kỹ năng cần thiết cho chuyển đổi xanh”.

Hội thảo là một hoạt động thuộc dự án Tương lai Việc làm Ngành Dệt may. Mục tiêu của dự án là nhằm góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của ngành và hỗ trợ những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm tăng năng suất và thúc đẩy phát triển ngành dệt may bền vững và bao trùm.
Các đại biểu tham dự đều đồng tình cho rằng ngành cần đầu tư đào tạo kỹ năng, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kỹ năng xanh., Việt Nam, 08/2023. © ILO
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, ông Kees van Baar phát biểu khai mạc tại hội thảo, Việt Nam, 08/2023. © ILO