Tiêu chuẩn lao động quốc tế

Việt Nam gia nhập Công ước về Tổ chức Dịch vụ Việc làm của ILO, sẵn sàng thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả

Một nghiên cứu do ILO thực hiện dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khoảng 40% thanh niên Việt Nam có việc làm tìm được việc nhờ giới thiệu từ bạn bè và gia đình.

Thông cáo báo chí | Ngày 29 tháng 1 năm 2019
HÀ NỘI – Việt Nam đã bước một bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường lao động với việc gia nhập Công ước số 88 của ILO, Công ước về Tổ chức Dịch vụ Việc làm.

Dịch vụ việc làm thúc đẩy sự phát triển, hội nhập và sử dụng lực lượng lao động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, dịch vụ việc làm phục vụ hai nhóm đối tượng khách hàng trực tiếp – người lao động (hỗ trợ họ tìm việc làm phù hợp) và người sử dụng lao động (hỗ trợ họ tìm người lao động phù hợp).

Do đó, dịch vụ việc làm nằm ở giao điểm của hai mạng thông tin – mạng thông tin về người tìm việc và mạng thông tin về việc tìm người, chính vì vậy dịch vụ việc làm đóng vai trò cốt lõi trong việc kết nối cung và cầu lao động.

“Khi Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế, việc phê chuẩn công ước này nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ việc làm là một bước tiến quan trọng,” bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO Việt Nam, cho biết. “Công nghiệp hóa, hội nhập vào các thị trường khu vực và toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên đã và đang biến thị trường lao động trở thành nơi mà cơ hội việc làm, yêu cầu về trình độ và kỹ năng trở nên chính thức hơn. Theo đó, cần áp dụng các phương thức kết nối giữa công việc tuyển dụng với người tìm việc hiệu quả và dễ tiếp cận hơn.”

Ở một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, thông tin thị trường lao động là một nguồn dữ liệu quan trọng cho biết thị trường lao động đang biến chuyển như thế nào.

Dịch vụ việc làm có thể cung cấp một tập hợp lớn thông tin thị trường lao động thông qua dữ liệu hành chính từ hồ sơ của người tìm việc, nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động và cùng với đó là yêu cầu về kỹ năng, thời gian tìm việc theo hồ sơ của người tìm việc, những vị trí khó tuyển nhân sự và những thông tin khác nữa. Tất cả những dữ liệu này giúp trả lời những câu hỏi như Người sử dụng lao động đang cần những kỹ năng nào? Người tìm việc có tìm được công việc phù hợp với trình độ của họ không? Đối tượng nào cần tìm việc trong thời gian tương đối dài hơn? Những kỹ năng nào đang còn thiếu – và chưa cần đến – trên thị trường lao động?

“Đáp án cho những câu hỏi này là thông tin đầu vào quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách”, bà Barcucci nhận định. “Những thông tin này có thể được sử dụng để định kỳ sửa đổi chính sách việc làm và chính sách phát triển kỹ năng nhằm giúp người lao động thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động và người sử dụng lao động có được những kỹ năng mà họ cần, vì một xã hội toàn diện hơn và một nền kinh tế vững mạnh hơn”.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người tìm việc sử dụng các kênh chính thức (dịch vụ việc làm) ngày càng tăng nhưng mới chỉ có một số ít các kênh tìm việc được sử dụng. Phần lớn việc làm ở Việt Nam hiện nay tuyển nhân sự thông qua liên hệ cá nhân.

Một nghiên cứu do ILO thực hiện dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khoảng 40% thanh niên có việc làm tìm được việc nhờ giới thiệu từ bạn bè và gia đình.

Giải thích điều này, bà Barcucci cho biết: “Người tìm việc có trình độ học vấn/đào tạo càng cao thì khả năng họ sử dụng dịch vụ việc làm lớn hơn”.

Thúc đẩy dịch vụ việc làm cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch khối ASEAN vào năm 2020.

Công ước số 88 quy định rằng một trong những mục tiêu của dịch vụ việc làm là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và dịch chuyển về địa lý. Trong bối cảnh Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến 2025, với định hướng hội nhập kinh tế và văn hóa, ASEAN dự kiến sẽ mở cửa hơn nữa trong một số lĩnh vực, trong đó có cả việc “di chuyển tự do” lao động có kỹ năng.

“Việc phê chuẩn Công ước là một bước quan trọng hướng tới tăng cường dịch vụ việc làm trong nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bước đi trên cả con đường,” bà Barcucci cho biết, đồng thời tái khẳng định cam kết của ILO sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động nhằm đảm bảo sẽ có các chính sách và chương trình thực thi công ước.

ILO cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật đối với những cam kết về thể chế như công tác báo cáo chính thức về tình hình thực thi Công ước số 88.

Công ước về Tổ chức Dịch vụ Việc làm là Công ước thứ 22 của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn. Dự kiến trong năm 2019, Việt Nam cũng sẽ gia nhập Công ước số 98 về Quyền được Tổ chức và Thương lượng Tập thể – một trong những công ước cơ bản chưa được phê chuẩn – và Công ước số 159 về Phục hồi Chức năng Lao động và Việc làm (Người khuyết tật).